MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới sẽ ra sao sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận thương mại?

07-12-2019 - 08:26 AM | Tài chính quốc tế

Dù có thoả thuận ngừng bắn hay không, thì cuộc chiến kinh tế kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu. Thoả thuận đình chiến cho mâu thuẫn hiện tại không có gì khác ngoài tạo khoảng lặng chính trị cho một xung đột vốn được so sánh với Chiến tranh Lạnh.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Stephen S. Roach. Ông là giảng viên của Đại học Yale và cựu Chủ tịch Morgan Stanley tại Châu Á, là tác giả của cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.

Trong 2 năm vừa qua, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc là chủ đề chính cho những cuộc tranh luận về kinh tế và thị trường tài chính. Không còn là những lời đe doạ, cáo buộc trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump đã biến lời nói của mình trở thành hiện thực. 17 tháng vừa qua, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mắc kẹt trong cuộc chiến thuế quan căng thẳng nhất kể từ đầu những năm 1930. Hơn nữa, việc Mỹ vũ khí hoá chính sách thương mại để nhằm vào các mối đe doạ cụ thể như Huawei đã mở rộng quy mô của mặt trận này.

Tôi cũng cảm thấy tiếc nuối như những ai theo dõi sát sao mọi thăng trầm của những mâu thuẫn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngay từ đầu, đây đã là một cuộc chiến mang tính chính trị, họ cùng sử dụng lợi ích kinh tế làm vũ khí và điều này vẫn diễn ra trong khoảng thời gian tới. Điều đó có nghĩa là triển vọng kinh tế và thị trường tài chính phụ thuộc nhiều vào động thái của cả 2 nước.

Theo đó, thoả thuận thương mại giai đoạn 1 đã được công bố là một tín hiệu rất quan trọng. Trong khi thoả thuận, nếu được hoàn thành, sẽ không gây ra bất kỳ tác động nào đối với nền kinh tế nữa, thì nó còn cho thấy một dấu hiệu rõ ràng rằng ông Trump đã "gặt hái" đủ từ chiến tranh thương mại. Phải đối mặt với nhiều rắc rối chính trị trong nước, đặc biệt là cuộc điều tra luận tội và chiến dịch tái tranh cử tổng thống, dường như ông đã muốn tuyên bố dành chiến thắng và nỗ lực tận dụng nó để "đấu tranh" với những vấn đề trong nước.

Về phần mình, Trung Quốc cũng không mong muốn gì hơn là chấm dứt chiến tranh thương mại. Chính trị ở Trung Quốc là một vấn đề rất khác biệt, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không đầu hàng vì những nguyên tắc cốt lõi liên quan đến chủ quyền và mục tiêu cải tổ nền kinh tế trong dài hạn. Đồng thời, quốc gia này không thể mắc sai lầm khi nỗ lực cải thiện tình trạng giảm tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh lại rất quyết tâm theo đuổi chiến dịch gỡ đòn bẩy tài chính trong 3 năm, một nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng trì trệ. Do đó, họ nóng lòng muốn xoá bỏ những áp lực liên quan đến thương mại gây ra bởi cuộc chiến thuế quan với Mỹ. 

Theo đó, những toan tính chính trị của cả Washington và Bắc Kinh dường như đang tiến đến gần một thoả thuận ngừng bắn. Nhưng vẫn có một rủi ro thường trực đó là những "biến chứng" khác sẽ xuất hiện, điển hình là việc động thái của Mỹ đối với những vấn đề ở Hồng Kông và Tân Cương. Dẫu vậy, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, tính chính trị của chiến tranh thương mại đang hướng đến những biện pháp xoa dịu căng thẳng nhiều hơn là đẩy căng thẳng leo thang.

Nếu khả năng này diễn ra, 2 quốc gia đạt được thoả thuận giai đoạn 1, thì chúng ta vẫn phải suy ngẫm về việc thế giới sẽ như thế nào sau cuộc chiến thương mại. Có một vài trường hợp mà tôi nghĩ đến đầu tiên, đó là: tình trạng đảo ngược của toàn cầu hoá, sự chia rẽ giữa các quốc gia và chuyển hướng thương mại.

Xu hướng đảo ngược của toàn cầu hoá là điều không thể. Giống như "làn sóng" toàn cầu hoá đầu tiên - đã kết thúc giữa Thế chiến I và Đại suy thoái, thì xu hướng hiện tại cũng cho thấy nhiều lỗ hổng. Chủ nghĩa dân tuý đang tìm đến nhiều quốc gia và những căng thẳng về vấn đề bất bình đẳng thu nhập, phân hoá giàu nghèo, thêm vào đó là mối lo ngại ngày càng tăng về những đổi mới công nghệ như AI sẽ khiến nhiều người mất việc làm - đây chính là những chủ đề về chính trị được bàn luận nhiều. Sự kiện cao trào nhất gây ra sự tan vỡ của "làn sóng" toàn cầu hoá đầu tiên là tình trạng sụp đổ 60% của hệ thống thương mại toàn cầu vào đầu những năm 1930 là. Tuy nhiên, dù mâu thuẫn chính trị ở thời điểm hiện tại có căng thẳng, thì xác suất xảy ra kịch bản tương tự là cực kỳ thấp. 

Ngoài ra, sự chia tách giữa các quốc gia cũng khó có thể xảy ra. Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đã tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc trong 25 năm vừa qua, từ đó thế giới đã được đan kết chặt chẽ hơn bao giờ hết. Điều này đã thay đổi tính cạnh tranh giữa các quốc gia trên toàn cầu, từ mô hình mỗi quốc gia tự sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh sang quá trình sản xuất được thực hiện ở nhiều quốc gia, họ phối hợp với nhau trong quá trình lắp ráp, chế tạo, thiết kế... để tạo ra sản phẩm.

Theo một nghiên cứu gần đây của IMF, GVC chiếm hoàn toàn 73% đà tăng trưởng nhanh chóng trong thương mại toàn cầu ở giai đoạn 20 năm, từ năm 1993 đến 2013. Chi phí vận chuyển rẻ hơn và những đột phá công nghệ trong lĩnh vực logistics và sản xuất, các chuỗi GVC đã được kết nối và củng cố, giúp nền tảng hội nhập kinh tế toàn cầu ít gặp rủi ro bị chia tách.

Tuy nhiên, chuyển hướng thương mại là một vấn đề hoàn toàn khác. Như tôi đã lập luận từ lâu, mâu thuẫn thương mại song phương - thậm chí là sự chia tách song phương, không thể giải quyết sự mất cân bằng đa phương. Gây áp lực tới nhiều đối tác thương mại, chính xác là những gì Mỹ đang làm với Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại với 102 quốc gia, có thể sẽ khiến họ rơi vào cảnh "gậy ông đập lưng ông."

Đó là bởi thâm hụt thương mại đa phương của Mỹ cho thấy sự thiếu hụt lớn của tiết kiệm chi tiêu trong nước. Tình trạng này còn tồi tệ hơn khi thâm hụt ngân sách liên bang vượt khỏi tầm kiểm soát. Sự chuyển hướng thương mại sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu mức giá cao hơn đối với hàng hoá sản xuất tại nước ngoài, cũng không khác gì một đợt nâng thuế.

Dù có thoả thuận ngừng bắn hay không, thì cuộc chiến kinh tế kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu. Thoả thuận đình chiến cho mâu thuẫn hiện tại không có gì khác ngoài tạo khoảng lặng chính trị cho một xung đột vốn được so sánh với Chiến tranh Lạnh. Đó là điều sẽ khiến Mỹ lo ngại - vốn không có khuôn khổ chiến lược dài hạn. Còn Trung Quốc thì không. Đó chắc chắn là những gì Tôn Tử đã nói trong "Binh pháp Tôn Tử": "Khi chiến lược của bạn sâu sắc và có tầm nhìn, bạn có thể giành chiến thắng mà không cần 'ra trận'." 

Tham khảo Project Syndicate

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên