MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới sẽ tránh được khủng hoảng lương thực như năm 2008, nếu châu Á không e sợ

27-05-2022 - 20:09 PM | Thị trường

Một số chính phủ chuyển sang bảo vệ nguồn cung lương thực, như Indonesia hạn chế xuất khẩu dầu cọ, Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà, trong khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.

Vấn đề lương thực của thế giới vốn đã nghiêm trọng khi giá cả tăng vọt và chủ nghĩa bảo hộ phát triển, nhưng các chính phủ vẫn có nhiều cơ hội để ngăn nó trở nên tồi tệ hơn nếu họ nhớ lại bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2008, đó là: đừng hoảng sợ. 

Trong bối cảnh chỉ số giá lương thực toàn cầu liên tục phá kỷ lục từ sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều quốc gia chuyển sang chính sách hạn chế xuất khẩu các loại nông sản từ lúa mì, đường đến dầu ăn, khiến an ninh lương thực cho phần còn lại của thế giới rơi vào nguy hiểm. Thời tiết xấu cũng là một mối quan tâm lớn. Tuy nhiên, trong khi giá lúa mì, ngô và đậu nành tăng vọt, giá gạo, lương thực chính cho hơn 3 tỷ người, đến nay vẫn ổn định.

Thế giới sẽ tránh được khủng hoảng lương thực như năm 2008, nếu châu Á không e sợ - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia chuyển sang chính sách hạn chế xuất khẩu các loại nông sản từ lúa mì, đường đến dầu ăn, khiến an ninh lương thực cho phần còn lại của thế giới rơi vào nguy hiểm. Ảnh: Bloomberg.

Timmer, người nghiên cứu về an ninh lương thực nhiều thập kỷ qua, đã làm việc với các chính phủ châu Á về phản ứng chính sách của họ trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, cho biết: “Bài học năm 2008 là: đừng làm thị trường hoảng sợ. Hãy cẩn thận với bất cứ điều gì bạn làm đối với nhập khẩu gạo, xuất khẩu hay các biện pháp kiểm soát”. Theo Peter Timmer, giáo sư danh dự tại Đại học Harvard, nếu các quốc gia không hoảng sợ hoặc không tích trữ, họ có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực hiện tại trở thành cuộc khủng hoảng năm 2008, khi giá gạo tăng cao khiến an ninh lương thực của khu vực châu Á gặp rủi ro cao. 

Các nhà hoạch định chính sách từ Mỹ đến Trung Quốc đang phải vật lộn với lạm phát gia tăng và đà tăng trưởng chậm lại, trong khi người tiêu dùng phải chịu chi phí sinh hoạt tăng nhanh và nạn đói lan rộng.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 mang lại những bài học quan trọng vì nó cho thấy cách các cú sốc thương mại do chính sách của chính phủ gây ra làm tăng giá hàng hoá ra sao. Đà tăng giá gạo khi đó chủ yếu do lệnh cấm xuất khẩu của các nước sản xuất lớn do thị trường trong nước khan hiếm hàng và giá cao. Điều đó kích hoạt làn sóng mua hàng trong hoảng loạn ở các nước khác, đặc biệt là Philippines.

Bối cảnh năm 2008 có một số điểm tương đồng với hiện tại. Giá năng lượng tăng, thời tiết xấu và một số nước cấm xuất khẩu đều khiến giá lương thực tăng, dù chiến sự ở Ukraine đang có diễn biến mới quan trọng. Năm nay, khi giá nông sản tăng, một số chính phủ chuyển sang bảo vệ nguồn cung của họ, như Indonesia hạn chế xuất khẩu dầu cọ, Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà, trong khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.

Dù có nhiều lo ngại cho rằng gạo có thể là mặt hàng tiếp theo bị hạn chế xuất khẩu, song đây là nông sản cực kỳ quan trọng đối với an ninh lương thực và sự ổn định chính trị ở châu Á, đồng thời, bối cảnh cũng có sự khác biệt so với năm 2008. Ông Timmer cho biết các quốc gia đều đã đa dạng hoá thói quen ăn uống và xây dựng kho dự trữ dự phòng khổng lồ để ngăn chặn những cú sốc về giá.

Thế giới sẽ tránh được khủng hoảng lương thực như năm 2008, nếu châu Á không e sợ - Ảnh 2.

Giá lúa mì đang "nóng" hơn cả giá gạo. Ảnh: Bloomberg.


Trên thực tế, gạo đang có nguồn cung dồi dào nên giúp giảm bớt áp lực lên lúa mì, loại nông sản có giá lên kỷ lục hồi tháng 3. Người tiêu dùng ở Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á có thể chuyển sang ăn gạo từ lúa mì (với các sản phẩm như mì và bánh) tương đối dễ dàng, từ đó giúp thị trường tiết kiệm được khoảng 30 - 40 triệu tấn lúa mì, theo ông Timmer. 

“Điều này có thể khiến giá gạo tăng 10%, thậm chí 20%, nhưng sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng về gạo”, ông nói.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể sẽ hạn chế xuất khẩu do thị trường xuất hiện lo ngại về tác động của chi phí phân bón tăng cao đối với năng suất và hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Timmer cho hay. Việt Nam từng hạn chế xuất khẩu gạo trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Nếu điều đó xảy ra, và các nước Đông Nam Á khác cũng hạn chế xuất khẩu, thảm hoạ thực sự sẽ diễn ra ở châu Phi, nơi ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu gạo. Châu lục này đang phải hứng chịu hậu quả bởi sự gián đoạn nguồn cung lúa mì từ khu vực Biển Đen và họ sẽ không thể chống chịu được nếu xảy ra khủng hoảng về gạo, ông Timmer nói.

Theo Thanh Long

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên