Thế giới thiếu lao động từ nông dân đến nhân viên giao hàng, người tiêu dùng gánh chịu áp lực giá thực phẩm tăng vọt
Dù là nông dân hái trái cây, công nhân lò mổ, tài xế xe tải, nhân sự điều hành kho hàng, đầu bếp hay phục vụ bàn, thì hệ sinh thái thực phẩm trên toàn cầu đang bị "lung lay" do thiếu người lao động.
Hoạt động sản xuất lương thực toàn cầu gặp gián đoạn
Tại Việt Nam, quân đội đang hỗ trợ người dân thu hoạch lúa. Ở Anh, nông dân phải đổ sữa vì không có bên vận chuyển đến lấy hàng. Trong khi đó, hạt robusta của Brazil phải mất đến 120 ngày để gặt hái, thay vì 90 ngày như bình thường. Hơn nữa, các hãng sản xuất thịt đóng gói tại Mỹ đang nỗ lực thu hút nhân sự mới bằng cách tặng đồng hồ AppleWatch, khi các chuỗi fastfood tăng giá bánh hamburger và burrito.
Dù là nông dân hái trái cây, công nhân lò mổ, tài xế xe tải, nhân sự điều hành kho hàng, đầu bếp hay phục vụ bàn, thì hệ sinh thái thực phẩm trên toàn cầu đang bị "lung lay" do thiếu người lao động. Nguồn cung thực phẩm theo đó đang chịu ảnh hưởng và một số công ty buộc phải tăng lương gấp cả chục lần.
Tình trạng này có khả năng sẽ tiếp tục đẩy giá thực phẩm - vốn đang tăng vì giá hàng hóa và chi phí vận chuyển ở mức cao. Theo một chỉ số do Tổ chức Nông lương LHQ tổng hợp, giá thực phẩm trong tháng 7 đã tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng thiếu lao động cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành thực phẩm và nông nghiệp lại chịu tác động nghiêm trọng, khi nằm trong số những lĩnh vực sử dụng ít công nghệ tự động hóa nhất thế giới. Trong khi đó, gánh nặng chi phí tăng cao thường được chuyển sang cho người mua.
Hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động đang gây hạn chế cho nguồn cung. Tại Mỹ, các nhà phân phối bán buôn như Sysco và United Natural Foods cho biết hoạt động sản xuất đang bị đình trệ và chậm lại đối với các mặt hàng từ thịt xông khói, phô mai cho đến nước dừa và gia vị. Ở Anh, một số cửa hàng thậm chí còn cạn kiệt các mặt hàng chủ lực như bánh mì và gà, McDonald’s "hết sạch" sữa lắc vào tháng 8.
Các trang trại, hãng chế biến và các nhà hàng cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Malaysia - nhà sản xuất dầu cọ số 2 thế giới, đã chứng kiến 30% sản lượng dầu tiềm năng sụt giảm, vốn được sử dụng trong mọi thứ từ sô cô la cho đến bơ thực vật. Sản lượng tôm ở miền Nam Việt Nam - một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, đã giảm từ 60-70% so với trước đại dịch.
Ngoài ra, Hiệp hội nông dân CIA cho biết, miền Nam nước Ý cũng mất 1/5 sản lượng cà chua do nắng nóng và giao thông bị gián đoạn. Michele Ferrandino - nông dân ở Foggia, cho biết: "Tôi kinh doanh trong lĩnh vực này từ những năm 80, nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp nào như thế này. Cà chua rất dễ hư hỏng, nhưng những ngày qua lại không có đủ xe tải để vận chuyển đến các nhà máy chế biến."
Chưa dừng ở đó, hoạt động giao hàng bị hủy hoặc trì hoãn khiến các nông dân chăn nuôi bò sữa ở Anh gặp nhiều khó khăn. Mike King kinh doanh tại South Gloucestershire chia sẻ anh phải bỏ khoảng 20.000 lít sữa dù các cửa hàng khan hiếm nguồn cung.
Lao động được tăng lương, người tiêu dùng gánh chi phí
Ở Mỹ và các khu vực của châu Âu, dù các nhà hàng và hoạt động kinh doanh khác mở cửa trở lại, thì biến thể Delta lan rộng ở những như Đông Nam Á lại gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất. Dịch bệnh cũng kéo dài thêm nhiều vấn đề nan giải khác: các đợt tái bùng phát tiếp tục diễn ra ở nhà máy chế biến thịt và các quốc gia từ Anh đến Thái Lan đóng cửa biên giới đang hạn chế nguồn lao động nhập cư.
Ở một số nơi, tình trạng thiếu hụt lao động còn trở nên phức tạp hơn do nhiều vấn đề tại địa phương, ví dụ như hoạt động sản xuất trên nông trại gặp nhiều khó khăn do đợt năng nóng kỷ lục tại Mỹ hay gián đoạn do Brexit. Do đó, nhiều nhà tuyển dụng đối mặt với một rào cản khác: người lao động có rất nhiều lựa chọn.
Khi có nhiều sự lựa chọn hơn, người lao động tại Úc lựa chọn làm việc ở các khu vực sầm uất, thay vì tại các nhà máy chế biến thịt ở khu vực thưa dân cư. Trước đây, nhiều người dân châu Âu lựa chọn đến Anh để làm việc trong các trang trại, vận chuyển hàng hóa hay phục vụ cafe lại đang lựa chọn ở lại quốc gia mình sinh sống.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẵn sàng tăng lương để thu hút thêm nhân sự. Tuy nhiên, bên gánh chịu chi phí chênh lệch lại là người tiêu dùng. Ví dụ, Chipotle Mexican Grill gần đây đã tăng giá thực đơn tại Mỹ lên tới 4%, sau khi tăng lương trung bình cho nhân viên lên 15 USD/giờ. Ngoài ra, công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thịt lợn của Smithfield Foods ở South Dakota sẽ được tặng AppleWatch hoặc iPad sau 60 ngày làm việc đầu tiên.
Thông báo tuyển dụng người làm ở một nhà hàng tại San Gabriel, California.
Song, một số nơi lại không gặp phải tình trạng thiếu lao động. Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng. Dù lạm phát vẫn là một mối lo ngại, thì Ấn Độ vẫn có nguồn nhân lực dồi dào và nông nghiệp hầu như không bị tác động bởi các biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Không chỉ vấn đề về lao động, chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu còn đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Tình trạng thời tiết khắc nghiệt từ Brazil đến Pháp đã ảnh hưởng lớn đến mùa màng. Giá cây trồng tăng cao cũng đẩy giá thức ăn chăn nuôi. Chi phí vận tải lên cao, thiếu container và tắc nghẽn tại các cảng lớn cũng là một rào cản khác.
Vấn đề thiếu nhân lực hiện tại sẽ không kết thúc khi đại dịch qua đi. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã sụt giảm trong nhiều thập kỷ, do người lao động di chuyển đến các thành phố lớn và ngành dịch vụ. Việc tuyển dụng người đối với 1 số vị trí đã gặp khó khăn kể từ trước khi đại dịch diễn ra. Sự thay đổi về lâu dài đối với thị trường lao động sẽ đòi hỏi những giải pháp công nghệ, đầu tư vào tự động hóa và robot - vốn đã tăng tốc trong thời kỳ đại dịch.
Tham khảo Bloomberg