Thế giới thực của những người siêu giàu ở châu Á
Trong thế giới của những người siêu giàu luôn chia ra thành 2 nhóm: những người giàu bền vững và những kẻ giàu xổi. Ở đó, thói quen làm việc, cách nhìn cuộc sống và cả cách thức vung tiền cũng rất khác biệt.
- 06-04-2018Những người siêu giàu mất bao lâu để từ triệu phú thành tỷ phú?
- 23-03-2018Giới siêu giàu mất 70 tỷ USD vì thị trường bán tháo, Warren Buffett dẫn đầu với 3,02 tỷ USD bốc hơi
- 08-03-2018Giới siêu giàu thế giới đầu tư vào bitcoin ngày càng nhiều, ngay cả khi chẳng hiểu gì về blockchain
Những hình ảnh xa hoa, đầy tính duy mĩ trong bộ phim "Crazy Rich Asians" do Hollywood sản xuất mới đây có thể khiến nhiều người phải thèm muốn khi nhìn vào thế giới của những người siêu giàu. Ở đó, có khách sạn 5 sao, bể bơi vô cực, đồng hồ Rolex, nhẫn kim cương và hàng tá thương hiệu thời trang cao cấp.
Thế nhưng, thực tế, đó là chưa đủ cho một góc bức tranh về những người mà cuộc sống từ lâu đã không phải lo lắng đến tiền bạc.
Giàu ư? Đó là một khái niệm có nhiều tầng nghĩa
Báo cáo mới nhất của World Ultra Wealth Report cho biết, tính trên toàn thế giới, khoảng ¼ triệu phú là những người siêu giàu (có tài sản trên 30 triệu USD) và con số này tăng đều hàng năm. Mỹ vẫn là mảnh đất tập trung nhiều người siêu giàu nhất với khoảng 90.000 cá nhân có tổng tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, con số này cũng là 65.000 đến 70.000 người.
Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có giới siêu giàu tăng nhanh nhất. Trong giai đoạn 2012 – 2017, số lượng giới siêu giàu tại Việt Nam, đã tăng 12,7%. Tốc độ của tăng của Việt Nam chỉ đứng sau Bangladesh và Trung Quốc.
Trước thực tế về việc lượng người giàu của châu Á đang tăng chóng mặt, các nhà làm phim Hollywood đã sản xuất bộ phim "Crazy Rich Asians", nhằm mô tả lại theo hiểu biết của họ cuộc sống của những người siêu giàu, đặc biệt là các tiểu thư, thiếu gia nhà đại gia.
Ở đó, giới nhà giàu khoe từ quần áo, trang sức tới ô tô trên Instagram, Facebook. Cuộc sống của họ có vẻ chẳng lo lắng gì ngoài việc ăn đâu, chơi đâu, tiêu tiền như thế nào để kẻ khác choáng ngợp. Hình ảnh của hội "Rich Kids" hầu hết nằm ngoài hoạt động kinh doanh của gia đình, thậm chí, chẳng mảy may liên quan gì tới trường lớp và các hoạt động cộng đồng.
Thực tế khác xa với những gì phim ảnh đang thể hiện. Đa số các thành viên trong các gia đình siêu giàu lại khá kín tiếng. Cuộc sống xa hoa trong phim "Crazy Rich Asians" chỉ có ở những gia đình mới giàu (giàu xổi), trong khi những gia đình châu Á giàu từ nhiều đời có lối hành xử khác hẳn.
Họ quan tâm nhiều đến hoạt động kinh doanh của gia đình, thường xuyên đến trường và đưa mình tránh xa mạng xã hội. Ngay cả nếu có thể hiện mình trên mạng xã hội, họ cũng kín đáo biến nó thành một kênh truyền thông hữu hiệu, thay vì chỉ để chụp ảnh phòng thay đồ hay những chiếc đồng hồ và nhẫn sáng lóa trên tay.
Theo ông Chesterfield thuộc Wealth X, cụm từ "new rich" để chỉ những người sinh ra sau những năm 1980 hoặc con của những gia đình mới giàu, và đây cũng là nhóm đóng góp phần lớn tạo tỉ lệ tăng trưởng những người siêu giàu cao bất thường ở rất nhiều các nước châu Á, không riêng gì Trung Quốc.
"Ở châu Á, người siêu giàu trẻ hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới. Ví dụ, ở châu Âu hay Mỹ, những người siêu giàu thường ở lứa tuổi 60-70 hoặc già hơn bởi họ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là 1 thế hệ,thậm chí là 2 thế hệ để tạo dựng nên một gia sản siêu giàu.
Điều đó ngược lại với ở châu Á, khi rất nhiều người vừa đủ tuổi thành niên đã nắm trong tay gia sản kếch xù".
Phía bên kia của sự giàu có
Ở "Crazy Rich Asians", Singapore hiện lên là đất nước tập trung rất nhiều người giàu. Thực tế không sai khác là mấy, khi Wealth Insightthống kê, cứ 34 người quốc đảo sư tử thì có 1 người là triệu phú. Con số ấn tượng này đã đưa Singapore lên vị trí thứ 6 trong số những quốc gia có nhiều triệu phú nhất thế giới.
Trong số những Rich Kid nổi tiếng nhất, người ta thường nhắc tới Kim Lim, con gái của tỉ phú Hong Kong Peter Lim, người giàu thứ 12 của Singapre, hay Elly Lam, con gái tỉ phú Peter Lam và nữ diễn viên Lynn Hsieh. Jamie Chua, vợ cũ của doanh nhân Indonesia Nurdian Cuaca, cũng được nhớ mặt gọi tên bởi bà từng tự nhận mình có bộ sưu tập túi Hermes lớn nhất thế giới.
Nhưng ở phía bên kia của sự giàu có, hơn 80% dân số Singapore đang phải sống trong nhà ở xã hội vì không có đủ tiền để sắm sửa chỗ an cư cho riêng mình.
Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng trở thành một vấn đề lớn trong xã hội Singapore, thậm chí gây ra mâu thuẫn sâu sắc khi một số người chỉ trích rằng bộ phim này là cách giới giàu có dùng để che mắt người nghèo, nhằm hướng sự chú ý của thế giới vào một Singapore xa hoa thay vì một đất nước còn rất nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm.
Theo Olga Iserlis, người đứng đầu một trong những công ty sự kiện thành công nhất Singapre Events byOlga, nhiều người lớn tuổi ở Singapore (trên 50 tuổi) đã tạo được khối tài sản khổng lồ nhờ kinh doanh bất động sản và ngân hàng trong hàng thập kỷ.
"Những người này là các cổ đông chính và người ra quyết định ở các công ty lớn trên thế giới. Nó không giống với những gì phim ảnh vẫn mô tả về những gã thừa kế sáng giá mặt còn non nớt", Olga nói.
Nhịp Sống Kinh Tế