MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế hệ bánh mỳ kẹp: Ngoài 30 tuổi nhưng không tiền tiết kiệm, phải chăm con nhỏ, cha mẹ già yếu, sợ hãi kết hôn hay sinh con

21-10-2024 - 16:10 PM | Tài chính quốc tế

Dự báo của Ngân hàng thế giới cho thấy tại Việt Nam sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động 16-30 thì phải "gánh" 3 người cao tuổi.

Tại Việt Nam, số liệu của Bộ lao động thương binh và xã hội cho thấy cả nước tính đến tháng 11/2023 có 8 triệu người cao tuổi không có lương hưu hay khoản trợ cấp nào, tương đương 57% trong tổng số 14 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Trong khi đó tổng điều tra dân số năm 2022 cho thấy tỉ lệ dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) ở Việt Nam chiếm khoảng 46,6%.

Số liệu của Ngân hàng thế giới World Bank cho thấy với việc dân số trong độ tuổi thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) ở Việt Nam đang có xu hướng giảm dần thì nhiều dự báo cho thấy trong 20 năm nữa, cứ 4 người trong tuổi lao động phải "gánh" 3 người cao tuổi khác.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học thì cho thấy 67% số người trong độ tuổi 30-44 muốn được sống độc lập khi về già nhưng chưa đến 30% lên kế hoạch tài chính cho bản thân.

Thế hệ bánh mỳ kẹp: Ngoài 30 tuổi nhưng không tiền tiết kiệm, phải chăm con nhỏ, cha mẹ già yếu, sợ hãi kết hôn hay sinh con- Ảnh 1.

Chính điều này đã tạo nên một Thế hệ bánh mỳ kẹp (Sandwich Generation) khi ngoài 30 tuổi nhưng không có kế hoạch tài chính hay tiền tiết kiệm, cha mẹ già yếu trong khi những người kết hôn còn phải chăm con nhỏ.

Hậu quả là một lượng lớn người ngoài 30 tuổi chưa chịu kết hôn vì không đủ điều kiện tài chính hoặc đang gặp áp lực do phải gánh cả cha mẹ già lẫn con nhỏ.

Trên thực tế đây không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam.

Việc không có tiền tiết kiệm nhưng bị gánh nặng phải chăm sóc gia đình, trong khi tỷ lệ sinh thấp khiến nhiều trường hợp chỉ có một lao động chính trong gia đình đang dần tạo nên xu hướng ngại kết hôn-sinh con của giới trẻ.

Số liệu năm 2013 của Viện Pew-Mỹ cho thấy gần một nửa những người ở độ tuổi 40-50 có bố mẹ trên 65 tuổi, đồng thời có con cái cần chăm sóc. Ngoài ra 15% số người trung niên cho biết họ đang phải hỗ trợ tài chính cho cả cha mẹ và con cái.

Năm 2021, khảo sát cũng của Viện Pew cho thấy 23% số người Mỹ có cha mẹ già trên 65 tuổi và con nhỏ cần chăm sóc.

Trong khi đó tờ Business Insider (BI) cho biết 43% số người trong độ tuổi 55-64 tại Mỹ là không có tiền tiết kiệm hay lương hưu nào. Khoảng 30% số người già trên 65 tuổi tại đây không được đảm bảo về an sinh xã hội.

Gánh nặng tuổi 30

Thế hệ bánh mỳ kẹp (Sandwich Generation) là thuật ngữ do nhà xã hội học người Mỹ Dorothy Miller đặt ra vào năm 1981 nhằm ám chỉ nhóm người trưởng thành vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi dạy con cái.

Thế hệ bánh mỳ kẹp: Ngoài 30 tuổi nhưng không tiền tiết kiệm, phải chăm con nhỏ, cha mẹ già yếu, sợ hãi kết hôn hay sinh con- Ảnh 2.

Trước đây thuật ngữ này thường để nói về nhóm người trung niên trong độ tuổi 40-50, tuy nhiên với tốc độ lão hóa nhanh cùng tỷ lệ sinh sản thấp, ngày càng nhiều thế hệ dưới 30 tuổi bắt đầu cảm nhận được áp lực "bánh mỳ kẹp", qua đó dẫn đến việc sợ kết hôn hay sinh con.

"Chúng tôi không có tiền tiết kiệm và cũng chưa sẵn sàng cho những gánh nặng này", giám đốc marketing Stevie Kuenn tại Chicago-Mỹ ngậm ngùi nói.

Mặc dù có được một công việc toàn thời gian nhưng cô Kuenn phải chăm lo cho người con 12 tuổi cũng như người mẹ chồng 91 tuổi của mình. Mặc dù người mẹ chồng của cô Kuenn có chút tiền tiết kiệm nhưng chúng chẳng đáng bao nhiêu so với chi phí chăm sóc cho người cao tuổi ở Mỹ.

Cả 2 vợ chồng nhà cô Kuenn đều đi làm nhưng gánh nặng chăm sóc con nhỏ và cha mẹ già là không dễ dàng. Vì người mẹ chồng ở xa nên việc chăm sóc khá bất tiện, trong khi việc dọn về sống chung cũng phức tạp chẳng kém.

Cô Kuenn cho biết đã rất nhiều lần gia đình phải hủy kỳ nghỉ lễ của mình để chạy sang chăm sóc cha mẹ già, hoặc buộc phải hủy chuyến công tác để về chăm con nhỏ do không tìm được bảo mẫu.

Báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách công (AARP) cho thấy 60% số gia đình nằm trong "thế hệ bánh mỳ kẹp" hiện nay đều có công việc toàn thời gian nhưng vẫn phải bố trí thêm ít nhất 20 tiếng mỗi tuần cho việc chăm sóc người già và con nhỏ.

Với những người như chị Kuenn, việc vừa phải đi làm vừa phải đi lại lo giấy tờ bảo hiểm, hẹn bác sĩ, đưa con đến trường...khiến người phụ nữ này cảm thấy cực kỳ áp lực. Đó là chưa kể đến các hóa đơn cần thanh toán hàng tháng khiến cặp vợ chồng chẳng hề muốn sinh thêm con cái.

Như một hệ quả tất yếu, báo cáo của AARP cho thấy rất nhiều gia đình thế hệ bánh mỳ kẹp, nhất là nữ giới, quyết định chuyển sang việc làm bán thời gian, ly hôn hoặc thậm chí từ bỏ công việc để về chăm sóc bố mẹ, con cái.

Khảo sát năm 2019 cho thấy 15% số gia đình trong thế hệ bánh mỳ kẹp đã giảm thời gian làm việc để có thể chăm sóc gia đình nhiều hơn. Bình quân mỗi gia đình trong thế hệ bánh mỳ kẹp này chi tiêu 7.200 USD/năm để trang trải chi phí chăm sóc cho người thân.

Thế hệ bánh mỳ kẹp: Ngoài 30 tuổi nhưng không tiền tiết kiệm, phải chăm con nhỏ, cha mẹ già yếu, sợ hãi kết hôn hay sinh con- Ảnh 3.

Vậy là một lượng lớn số tiền kiếm được của người lao động thay vì để tiết kiệm nghỉ hưu hay đầu tư cho giáo dục thì lại phải dùng để chăm sóc người thân, tạo nên những hệ lụy kéo dài của nền kinh tế.

"Tình trạng này sẽ có ảnh hưởng dài hạn đến sự nghiệp và tài sản của cộng đồng", giám đốc Rita Choula của AARP cảnh báo.

"Mọi thứ như sắp sụp đổ"

Tờ Business Insider (BI) cho hay ngày càng có nhiều người Mỹ lâm vào cảnh bánh mỳ kẹp. Theo một số ước tính, thế hệ bánh mỳ kẹp này đã tăng lên ít nhất 11 triệu người tại Mỹ và tình hình này không chỉ làm hao tổn ngân sách an sinh xã hội mà còn làm suy giảm năng suất lao động.

Việc các hộ gia đình sinh con muộn hơn, sống thọ hơn khiến một lượng lớn lực lượng lao động phải chăm sóc cả cha mẹ già yếu lẫn con cái.

"Tôi thường có cảm giác mọi thứ như sắp sụp đổ", cô Diana Fuller đang phải chăm sóc cho người mẹ 83 tuổi của mình trong 4 năm qua cho hay.

Hàng tháng cô phải chi 10.000 USD cho trung tâm chăm sóc người mất trí nhớ để phục vụ người mẹ mắc bệnh của mình.

Mặc dù một phần số tiền này được hỗ trợ bởi bảo hiểm và tiền tiết kiệm của mẹ cô nhưng Fuller vẫn phải bỏ dở startup của mình để dành thời gian chăm sóc mẹ, đồng thời bỏ lỡ nhiều thứ khác do không có thời gian.

Chồng của Fuller có nhiệm vụ chăm sóc lũ trẻ khi vợ mình ở viện.

Tồi tệ hơn, lạm phát và tình hình kinh tế khó khăn càng khiến chi phí chăm sóc y tế lẫn giáo dục đi lên.

Khảo sát của Care.com cho thấy 60% hộ gia đình ở Mỹ đã chi 20% thu nhập hoặc nhiều hơn cho chi phí chăm sóc trẻ em năm 2023. Con số này cao hơn so với 51% năm 2021.

Số liệu của Genworth Financial thì cho thấy chi phí trung bình của một trợ lý chăm sóc sức khỏe tại nhà đã tăng 10% vào năm 2023 lên 75.500 USD.

Thế hệ bánh mỳ kẹp: Ngoài 30 tuổi nhưng không tiền tiết kiệm, phải chăm con nhỏ, cha mẹ già yếu, sợ hãi kết hôn hay sinh con- Ảnh 4.

Trước tình hình này, khảo sát của New York Life năm 2023 cho thấy hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ đã phải hy sinh an toàn tài chính để chăm sóc cho cha mẹ già.

Chính điều này lại càng khiến tỷ lệ kết hôn hay sinh con đi xuống khi giới trẻ ngày nay không muốn lâm vào tình cảnh "bánh mỳ kẹp" tương tự.

*Nguồn: BI

The Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên