Thế hệ 'nằm yên mặc kệ sự đời' của Trung Quốc đang 'thổi bùng' lên một xu hướng lạ đời mới: Ăn uống, mua sắm 'kiểu B1B2'
Người trẻ Trung Quốc đang hướng đến “nền kinh tế B1B2” (như nút bấm trong thang máy). Tức là, họ ăn uống và mua sắm ở tầng hầm của các trung tâm thương mại sang trọng, nơi chỉ có những cửa hàng bán đồ giá rẻ.
Giới trẻ Trung Quốc vẫn là những người tạo ra xu hướng. Họ đã từ chối tiếp nhận văn hoá làm việc quá sức và chạy theo thành tích bằng phong trào “nằm yên mặc kệ sự đời”, thậm chí còn là chủ đề “nóng” được thảo luận với giới trẻ Mỹ.
Ngoài ra, khi đối diện với một thị trường lao động ảm đạm, hàng chục triệu người trẻ Trung Quốc lựa chọn nghỉ trong 1-2 năm và tự gọi mình là “những đứa trẻ không thất nghiệp”.
Vậy xu hướng mới nhất họ tạo ra là gì? Người trẻ Trung Quốc đang hướng đến “nền kinh tế B1B2” (như nút bấm trong thang máy). Tức là, họ ăn uống và mua sắm ở tầng hầm của các trung tâm thương mại sang trọng, nơi chỉ có những cửa hàng bán đồ giá rẻ. Đây là sự thay đổi cực kỳ lớn đối đối với các nhà phát triển bất động sản thương mại và thương hiệu cao cấp toàn cầu.
Trung tâm thương mại IFC ở Thượng Hải là một ví dụ điển hình. Toà nhà này nằm ở trung tâm tài chính của thành phố, có cùng địa điểm với nhiều ngân hàng quốc tế và công ty quản lý tài sản. Tầng 1 của nơi này là tập trung các thương hiệu xa xỉ như LV và Chanel, tầng trên là các nhà hàng cao cấp nổi tiếng với các món ăn sang trọng, nhưng lại khá vắng vẻ.
Sự tấp nập lại diễn ra ở khu tầng hầm, nơi kết nối với các ga tàu điện ngầm và các toà nhà chọc trời khác trong cùng khu. Nhiều nhóm thanh niên kéo đến từ những lối đi này. Họ xếp hàng trước các quán trà sữa và tiệm bán bánh. Các quán ăn dưới tầng hầm cũng chật kín người vào giờ ăn trưa. Các cửa hàng thời trang và phụ kiện thì đông đúc không kém.
Việc người trẻ chỉ tập trung mua sắm ở tầng hầm của IFC và các trung tâm thương mại khác đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc. Trên Weibo, một người dùng trêu đùa rằng những món đồ duy nhất cô có khả năng mua được đều “ở dưới lòng đất”. Một người khác phàn nàn rằng, cô biết tầng trên có những cửa hàng nào nhưng không cần đến, vì toàn đồ đắt tiền.
Người dùng khác thì chia sẻ rằng, việc ăn tối ở các nhà hàng nhỏ và mua đồ ở các cửa hàng phân khúc bình dân như Uniqlo hay Miniso giúp cô thoải mái mà không gây áp lực về tài chính.
Thế hệ trẻ Trung Quốc đang ngày càng thoải mái hơn khi thể hiện thị hiếu mua sắm của mình. Họ không mua đồ vì thương hiệu. Không như thế hệ trước - những người sẵn sàng chi hàng nghìn USD để mua đồ trang điểm hay túi xách khi giàu có, Gen Z đang trở nên thông minh hơn trong việc lựa chọn những gì cần làm, cần mua và ở đâu. Họ thực tế và hướng đến giá trị nhiều hơn.
Miniso đang nỗ lực nắm bắt xu hướng này. Tính đến năm 2022, hơn 95% sản phẩm của hãng, từ mỹ phẩm đến đồ trang trí nhà cửa, đều có giá dưới 50 NDT (7 USD). Tính đến tháng 6, Miniso Group có khoảng 3.600 cửa hàng ở Trung Quốc, hầu hết đều dưới dạng nhượng quyền để giảm chi phí hoạt động. Doanh thu nội địa của hãng tăng 54% lên 11,5 tỷ NDT trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 6.
Vào tháng 9, “vua son môi” Austin Li Jiaqi, một KOL chuyên live stream hàng đầu Trung Quốc đã “gây bão” trên mạng xã hội khi chỉ trích một người xem nói rằng giá của một cây bút kẻ lông mày giá 79 NDT là quá đắt. Anh cho biết lâu nay giá của sản phẩm này vẫn như vậy và “cô nên suy nghĩ về việc tại sao mức lương của mình không tăng”, “cô làm việc chưa đủ chăm chỉ”. Li ngay sau đó đã phải đăng đàn xin lỗi.
Dù nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc tập trung vào vấn đề tiền lương tăng quá chậm, song có một chủ đề thú vị hơn. Người xem kể trên đã chỉ ra: một cây bút kẻ lông mày không nhất thiết phải đắt đến vậy. Ví dụ, sản phẩm này ở Miniso giá 20 NDT, trong khi Muji là 35 NDT.
Nhận thức mới này của nhóm người tiêu dùng thành thị ở Trung Quốc có phần giống với Nhật Bản vào cuối những năm 1990, khi các thương hiệu nội địa phát triển mạnh sau khi bong bóng bất động sản vỡ.
Năm 1998, Uniqlo trở nên nổi tiếng với sản phẩm lông cừu giá phải chăng. Cửa hàng đồng giá Don Quijote cũng là nhà bán lẻ đầu tiên mở cửa đến 3h sáng. Các cửa hàng này liên tục ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong 3 thập kỷ, nhờ người trẻ đến mua sắm vào ban đêm. Còn ngày nay, các thương hiệu Nhật Bản được người tiêu dùng khắp thế giới yêu thích.
Trong khi đó, nhiều năm qua, việc “ăn nên làm ra” từ thị trường Trung Quốc là điều “hiển nhiên” với các thương hiệu xa xỉ đến từ Pháp và Ý. Song, dù sớm hay muộn, họ cũng phải đối mặt với một nhóm khách hàng có suy nghĩ thực tế hơn. Nhóm này có thể sẽ không muốn mua sắm như thế hệ trước. Ngay cả khi nền kinh tế có sự cải thiện, Gen Z Trung Quốc có thể cũng không tìm đến những thương hiệu hạng sang.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường