"Thế hệ sinh sau năm 2000 đã đủ tuổi kết hôn rồi đấy": Gen Z Trung Quốc một mực phản đối, "đừng giục nữa, chúng tôi còn phải đi làm kiếm tiền"
Gen Z Trung Quốc không muốn kết hôn cho đến khi ổn định về mặt công việc và tài chính.
- 26-01-2022Gặp lại anh Minh xăm trổ với content "cưng xỉu" chiều ngồi bán rau, tối đứng bán hoa: Mua nhanh chốt lẹ, 29 Tết tăng giá gấp đôi!
- 26-01-2022Bỏ việc để nghỉ ngơi và "bảo trì" sức khỏe phải chăng chỉ là lời ngụy biện? Nếu không nắm được điều cốt lõi này bạn sẽ ân hận về quyết định nóng vội
- 25-01-2022Xôn xao bát phở "nhà giàu" ở Nam Định: Chủ clip quả quyết có 50k mà thịt bò nhiều hơn phở, dân mạng lắc đầu không tin
Hồi đầu tháng 1/2022, hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã đăng tải một video chúc mừng một cặp đôi trẻ đăng ký kết hôn lên trang Weibo chính thức. Bài viết còn kèm theo thông điệp: "Thế hệ sinh sau năm 2000 đã đủ tuổi kết hôn rồi đấy".
Ngay lập tức, thông điệp trên đã trở thành chủ đề tìm kiếm nóng số 1 trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ cho rằng chính phủ đang gián tiếp tạo áp lực kết hôn lên họ.
"Ai mà dám cưới xin bây giờ? Chúng tôi còn phải đi làm kiếm tiền", một cư dân mạng bình luận. "Đừng có giục tôi nữa", một tài khoản khác giận dữ viết.
Theo luật Trung Quốc, độ tuổi được phép kết hôn ở nam giới là 22 và ở nữ giới là 20. Bài viết trên đã gây ra vô số phản ứng trái chiều từ gen Z, trong bối cảnh đất nước tỷ dân này đang phải đối mặt với "quả bom nổ chậm nhân khẩu học". Hiện tượng này xảy ra khi tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng so với mức sinh thay thế.
Theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc vào tuần trước, tỷ lệ gia tăng dân số ở quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 61 năm. Tỷ lệ sinh chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ tử vong, bất chấp mọi nỗ lực khuyến khích sinh đẻ trong vài năm qua.
"Thái độ của giới trẻ Trung Quốc về hôn nhân đang là mối đe dọa lớn với những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thay đổi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang trực chờ", TS. Ye Liu – giảng viên lâu năm tại Trường King’s College London – cho biết.
"Điều này sẽ trở thành vấn đề đau đầu trong vài năm tới, khi mà học vấn và tài chính được nâng cao".
Một cô gái trẻ chụp ảnh cưới ở Tử Cấm Thành (Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images)
Ở Đông Á, nhiều người trẻ đang trì hoãn kết hôn khi kinh tế trong khu vực ngày càng phát triển. Tại các đô thị lớn của Trung Quốc, thay đổi này diễn ra hết sức chóng vánh, theo Wang Feng – giáo sư xã hội học ở ĐH California, Irvine (Mỹ).
Sau khi so sánh dữ liệu dân số Trung Quốc năm 1990 và 2015, ông nhận thấy rằng tỷ lệ phụ nữ chưa kết hôn ở độ tuổi cuối 20 đã tăng gấp 8 lần trong vòng 25 năm.
Dữ liệu dân số năm 2000 và 2010 cũng chỉ ra, những bạn trẻ Trung Quốc có trình độ đại học trong độ tuổi từ 25 đến 29 nhiều khả năng còn độc thân. Phụ nữ ở các thành phố lớn phát triển gần như không có ý định kết hôn.
Trên mạng xã hội và trong cuộc sống hàng ngày, gen Z Trung Quốc cũng mạnh mẽ phản đối việc kết hôn sớm.
Năm 2017, một dàn hợp xướng trẻ ở Thượng Hải đã hát vang bài ca nói lên nỗi niềm của hàng triệu thanh niên Trung Quốc. Họ muốn gửi gắm tới các bậc phụ huynh thông điệp: "Cha mẹ ơi, xin hãy để con tự sống cuộc đời mình".
Trong số đó có cả Vicki Liu – một cô gái sinh năm 1997 ở Thiên Tân. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh năm ngoái, cô được cha mẹ sắp xếp cho vài buổi xem mắt.
"Tôi đã là một người phụ nữ trưởng thành. Tôi muốn gây dựng sự nghiệp và làm quen với bạn bè. Chỉ là tôi không muốn bị ràng buộc bởi cuộc sống hôn nhân quá sớm", cô tâm sự.
Thái độ này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà chức trách Trung Quốc, khi mà tình trạng suy giảm dân số ngày càng rõ rệt hơn trong vài năm gần đây.
(Ảnh minh họa: Roman Pilipey/EPA)
Để khắc phục vấn đề, vào năm 2015, Trun Quốc đã chấm dứt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ. Tháng 5/2021, chính quyền cũng giới thiệu chính sách sinh ba con.
Theo TS. Ye Liu, những chính sách này không thực sự giải quyết thực trạng mà gen Z Trung Quốc đang phải đối mặt hiện tại.
"Điều mà họ muốn là một tương lai nghề nghiệp tốt đẹp hơn, một cơ hội để có được cả gia đình và sự nghiệp, cũng như phát triển bản thân. Nếu không, rất khó để thuyết phục họ sinh con", bà nói.
TS. Ye Liu cũng nói thêm: "Phụ nữ thuộc gen Z ở Trung Quốc có trình độ học vấn cao hơn các thế hệ trước đó. Vì thế, họ có xu hướng ưu tiên sự nghiệp hơn là gia đình sau khi tốt nghiệp đại học".
Theo Yi Fuxian – giảng viên tại ĐH Wisconsin-Madison, đồng thời là tác giả cuốn "Big Country with an Empty Nest", chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện thêm nhiều biện pháp khả thi hơn nhằm cải thiện tình hình.
"Chẳng hạn, chính phủ có thể tạo thêm việc làm cho thanh niên, hoặc hỗ trợ các gia đình trang trải cuộc sống, cụ thể là mua nhà. Họ cũng nên tạo điều kiện cho các cặp đôi trẻ nuôi dạy con cái".
Tuy nhiên, Vicky Liu nghĩ rằng cô cần nhiều hơn thế.
"Tư tưởng của cha mẹ tôi là con gái không có nhiều thời gian để tìm một người chồng lý tưởng. Họ muốn tôi phải kết hôn, sinh con và làm mẹ càng sớm càng tốt. Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc không cho phép con mình ‘ế’ quá lâu", cô tâm sự.
(Nguồn: The Guardian)