MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế kẹt của HOSE trong cú hồi tố chưa từng có của HAGL, nếu huỷ đối mặt với kiện cáo, không huỷ tạo ra bài học xấu cho trăm doanh nghiệp khác

Đến nay HOSE chưa lên tiếng về vụ việc huỷ niêm yết với cổ phiếu HAG.

Đến nay HOSE chưa lên tiếng về vụ việc huỷ niêm yết với cổ phiếu HAG.

Giới đầu tư cho rằng nếu HOSE huỷ niêm yết HAG thì sẽ phải đối mặt với án kiện từ cổ đông HAG như một số luật sư phân tích còn nếu không huỷ niêm yết sẽ tạo ra bài học cực kỳ xấu trong lịch sử ngành chứng khoán mà hàng trăm doanh nghiệp sau này có thể học theo để áp dụng nếu như rơi vào tinh trạng sắp huỷ niêm yết.

Một lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCKNN) vừa chia sẻ trên truyền thông rằng, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đang xin ý kiến các cấp liên quan đến vấn đề huỷ niêm yết đối với cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

"Vấn đề xem xét huỷ niêm yết liên quan đến hồi tố báo cáo tài chính chưa từng xảy ra nên phía Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) có hỏi ý kiến của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Thực tế thẩm quyền huỷ niêm yết hay không là của HOSE. Mọi chuyện vẫn đang trong quá trình xử lý", lãnh đạo của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nói.

Vị lãnh đạo này nhấn mạnh, HAG niêm yết trên HOSE nên thẩm quyền xử lý chính ở thuộc về Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM. Mọi việc đều phụ thuộc vào đề xuất của HOSE.

Được biết, sắp tới đây HOSE và HAGL sẽ có buổi làm việc chung để tìm ra cách tháo gỡ.

Sàn HOSE là nơi có những quy chuẩn niêm yết cao nhất, nơi thu hút nhiều dòng vốn nhất nên các doanh nghiệp đại chúng thường muốn được niêm yết trên sàn này. Tuy nhiên, HOSE đang rơi vào thế kẹt trong vụ hủy niêm yết HAG chưa có tiền lệ cho việc hồi tố lỗ này. Lựa chọn huỷ hay không huỷ đều khó để đưa ra quyết định.

Giới đầu tư cho rằng nếu HOSE huỷ niêm yết HAG thì sẽ phải đối mặt với án kiện từ cổ đông HAG còn nếu không huỷ niêm yết sẽ tạo ra bài học cực kỳ xấu trong lịch sử ngành chứng khoán mà hàng trăm doanh nghiệp sau này có thể học theo để áp dụng nếu như rơi vào tình trạng sắp huỷ niêm yết.

Ở trường hợp không huỷ niêm yết HAG, HOSE rơi vào thế kẹt, tức là gián tiếp cho một doanh nghiệp lỗ liên tiếp 3 năm được niêm yết trên sàn chứng khoán, vi phạm Nghị định 155. Hàng trăm doanh nghiệp sẽ tìm cách hồi tố lỗ giống như HAGL để được ở lại niêm yết.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định, công ty niêm yết chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp như: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục (Điểm đ), vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc UBCKNN xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Điểm o).

Từ ngày 1/1/2021, tại Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán vẫn có quy định như 2 trường hợp trên tại Điểm e và Điểm o, ngoài ra còn quy định thêm tại Điểm h đối với trường hợp "có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp. Nhưng quy định này chỉ áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Trong một văn bản được công bố bởi HAGL, báo cáo kiểm toán năm 2020 được công bố, HAGL đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 6.301 tỷ đồng, trong đó, công ty thể hiện khoản lỗ lũy kế vào cuối năm 2019 là hơn 5.046 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm công bố báo cáo tài chính năm 2019 tập đoàn đã công bố lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối 290,8 tỷ đồng. Sự chênh lệch lớn này đã làm xáo trộn kết quả kinh doanh của HAG trong 3 năm và gây nhiều điều tiếng trong giới tài chính.

Cụ thể, trước hồi tố, năm 2017 Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi 371 tỷ đồng, năm 2018 lãi 6 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 1.808 tỷ đồng. Sau hồi tố Hoàng Anh Gia Lai điều chỉnh lỗ 2017 là 3.652 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 927 tỷ, năm 2019 lỗ 1.908 tỷ đồng.

Như vậy HAGL đã lỗ liên tiếp 3 năm từ 2017 -2019 đạt đủ điều kiện để huỷ niêm yết. Tuy nhiên, sự liên tiếp này đến từ những cú hồi tố chưa từng có tiền lệ của HAGL mà trong Nghị định 155 chưa quy định yếu tố hồi tố. Trong khi năm 2021 HAGL đã báo lãi 120 tỷ, ngắt mạch thua lỗ.

Với trường hợp này HOSE khó có thể áp dụng Nghị định 155 bởi HAGL lỗ liên tục 3 năm nhưng là do hồi tố chứ không phải lỗ hiện tại nên khó áp dụng Nghị định này vào xử huỷ niêm yết HAG. Do đó, rất khó để HOSE có thể hủy niêm yết HAG. HOSE sẽ phải sửa quy định huỷ niêm yết, bổ sung yếu tố hồi tố lỗ để vào Nghị định 155 quy định doanh nghiệp hồi tố lỗ quá 2 năm sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc luôn. Nếu không, HOSE sẽ phải đối mặt với hiện tượng các doanh nghiệp có nguy cơ bị huỷ niêm yết hồi tố lỗ ở nhiều doanh nghiệp có nguy cơ huỷ niêm yết sau này tương tự như HAG.

Trong bài trước chúng tôi đã dẫn ý kiến từ ông Trần Ngọc Báu, CEO & Founder của WiGroup nhận định: "Về án huỷ niêm yết bắt buộc với HAGL, ở góc độ pháp luật HAGL không vi phạm, chỉ là đạo đức kinh doanh có vấn đề nhưng đạo đức thì không có quy chuẩn niêm yết", ông Báu cho rằng cơ quan quản lý lúc này nên "cắn răng" huỷ yêu cầu và nhân cơ hội này xem lại chính các quy định pháp luật, nhanh chóng lấp kẽ hở về hồi tố. Theo đó sửa quy định doanh nghiệp nào hồi tố báo cáo tài chính quá 2 năm hoặc quá 2 lần/10 năm thì huỷ niêm yết bắt buộc luôn".

Thêm một yếu tố nữa HOSE có thể thanh tra và mời kiểm toán vào cuộc làm rõ khoản lãi 120 tỷ năm 2021 của của HAGL có phải lãi thật không hay lại sẽ "hồi tố lỗ" như những năm trước đó. Dựa trên kết quả sẽ có thể đưa ra quyết định huỷ hay không, nếu lãi ảo do thủ thuật sau này lại tìm cớ hồi tố thì huỷ niêm yết còn là lãi thật thì buộc phải sửa lại quy định về hồi tố lỗ với doanh nghiệp niêm yết trên sàn này tránh xảy ra trường hợp tương tự.

Về trường hợp nếu huỷ niêm yết HAG, HOSE có thể đối mặt với đơn kiện từ phía các cổ đông doanh nghiệp nếu như phân tích từ phía các luật sư.

Luật sư Lê Thị Hoài Giang – Đoàn Luật sư Tp.HCM nhấn mạnh: Nếu doanh nghiệp bị thua lỗ trong 3 năm liên tục trước đó, 2018; 2019; 2020 nhưng năm 2021 chưa bị hủy niêm yết thì đến năm 2022 sẽ phải xác định xem năm 2021 doanh nghiệp có lãi hay vẫn tiếp tục lỗ. Nếu 2021 vẫn lỗ thì năm 2022 sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Nếu 2021 lãi thì không có căn cứ để hủy niêm yết năm 2022.

Nếu cơ quan chức năng hủy niêm yết cổ phiếu HAG trong năm 2022 thì khả năng những nhà đầu tư mua cổ phiếu này sẽ khởi kiện cơ quan chức năng là rất cao vì thời điểm mua sau khi doanh nghiệp công bố lãi, và khi họ mua thì cổ phiếu đã không còn nằm trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc".

Nhóm cổ đông HAG mới đây cũng có đơn kêu cứu lên Bộ Công an, Uỷ ban Chứng khoán, HOSE về việc huỷ niêm yết HAG gây thiệt hại cho những cổ đông sau này.

Về phía HAGL, doanh nghiệp cũng rất chân thành khi xin được áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường.

Đại diện HAGL cho biết, đang trong quá trình làm việc chuyên môn với HOSE, UBCK. Lãnh đạo HAGL luôn luôn đồng hành, bảo vệ lợi ích của cổ đông từ xưa giờ, trong cách làm việc cũng giữ tinh thần hợp tác, kiên nhẫn, tích cực.

Đến nay HOSE chưa lên tiếng về vụ việc, tuy nhiên qua phân tích ở trên rất khó để HOSE đưa ra lựa chọn trong trường hợp này, lựa chọn nào cũng có nhiều mất mát và hệ luỵ đi kèm.

https://cafef.vn/the-ket-cua-hose-trong-cu-hoi-to-chua-tung-co-cua-hagl-neu-huy-doi-mat-voi-kien-cao-khong-huy-tao-ra-bai-hoc-xau-cho-tram-doanh-nghiep-khac-20220221142000672.chn

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên