Thế kẹt tại Vinafood 2
Các doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ tỷ lệ chi phối gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, bởi "mắc kẹt" trong cách thức quản lý nặng tính hành chính và tâm lý sợ trách nhiệm của người đứng đầu. Vinafood 2 là một ví dụ điển hình, khi anh cả của ngành xuất khẩu lúa gạo chỉ một chiều thua lỗ từ trước và ngay cả sau khi cổ phần hóa.
Phiên họp bất thường đầu năm nay của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là lần gần nhất mà các cổ đông không thể tiếp tục "ngồi yên", khi tình hình của "đại gia" lương thực miền nam ngày càng bết bát.
Đại diện cổ đông chiến lược sở hữu gần 34% vốn điều lệ, bao gồm cả Tập đoàn T&T Group, kiến nghị Hội đồng quản trị, Ban giám đốc Vinafood 2 phải nhanh chóng xây dựng các mục tiêu, chiến lược cụ thể cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, vị này cũng yêu cầu các mục tiêu, chiến lược này phải được báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các cổ đông chiến lược ngay sau đại hội, với mục tiêu để Vinafood 2 nhanh chóng ổn định sản xuất, giảm lỗ, hòa vốn trong giai đoạn 2020 - 2021 và bắt đầu có lãi từ năm 2021 - 2022.
Động thái quyết liệt này, thực tế, chỉ là bước đi nối dài cho những "bức xúc" từ phía cổ đông chiến lược sau quá trình cổ phần hóa chưa có hồi kết.
Khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại Vinafood 2 sau cổ phần hóa
Tháng 2/2018, Vinafood 2 phát đi thông báo mời tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Theo bản công bố thông tin khi đó, để sở hữu 25% cổ phần của Vinafood 2, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.262 tỷ đồng.
Trước những thông tin không tích cực về tình hình tài chính, việc quản lý, sử dụng vốn sai quy định, nợ khó đòi, không có nhiều nhà đầu tư tỏ ra mặn mà với Vinafood 2. Chỉ có hai doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia khi đó là Tập đoàn T&T Group của Bầu Hiền và FPT. Tuy nhiên, do hồ sơ dự thầu của FPT không hợp lệ, T&T Group "bất đắc dĩ" trở thành ứng viên duy nhất.
Trong bối cảnh Vinafood 2 đang chìm trong thua lỗ với quy mô nghìn tỷ đồng, việc Bầu Hiển bỏ ra hơn 1.200 tỷ đồng để đầu tư lúc đó được đánh giá như "phao cứu sinh", với kỳ vọng vực dậy doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu lương thực. Dù vậy, giới quan sát lúc đó cũng không đặt quá nhiều hy vọng bởi những "điểm nghẽn" trong quản lý chưa được giải quyết triệt để sau cổ phần hóa. Và thực tế đã chứng minh những lo ngại này không phải không có cơ sở.
Quý IV/2018, kỳ kế toán đầu tiên của công ty sau khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, việc trích lập dự phòng tổn thất cho tài sản thiếu chờ xử lý, cũng như trích dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi khiến Vinafood 2 lỗ ròng gần 1.500 tỷ đồng. Sang năm 2019, tình hình không có nhiều thay đổi khi doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ gần 170 tỷ đồng, dù doanh thu lên tới 16.800 tỷ.
Nửa đầu năm 2020, Vinafood 2 lỗ tiếp hơn 160 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ năm trước dù doanh thu tương đương. Điểm chung trong giải trình những năm này là đều cùng một lý do "chính sách nhập khẩu gạo của các nước có nhiều thay đổi theo khuynh hướng tự do hóa thương mại, gia tăng các rào cản, cạnh tranh gay gắt, giá chào người mua đưa ra rất thấp so với giá thành sản xuất". Nói cách khác, chính bộ máy cồng kềnh, cơ chế quản lý kiểu cũ đã khiến Vinafood 2 "đi lùi" sau cổ phần hóa.
Đến cuối tháng 6/2020, doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu gạo khu vực phía nam chịu lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Quy mô tài sản chỉ một chiều đi xuống, trong khi việc quyết toán vốn Nhà nước vẫn chưa hoàn tất.
Thế kẹt của cổ đông chiến lược
Trước những gì diễn ra tại Vinafood 2, giới đầu tư không khỏi băn khoăn, tại sao có một cổ đông chiến lược "bạo vì tiền" như T&T Group nhưng doanh nghiệp "mạnh vì gạo" như Vinafood 2 không thể khởi sắc.
Trên thực tế, thời gian qua T&T Group gần như chưa thể hiện được vai trò rõ ràng trong điều hành và chi phối, dù đã chi ra hàng nghìn tỷ đồng trở thành cổ đông chiến lược. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch kinh doanh hàng năm hay các phương án đầu tư, giải pháp phát triển thị trường… đều thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, nhưng với sở hữu Nhà nước áp đảo, 3/5 nhân sự này đều là người đại diện phần vốn.
Cũng cần nói thêm rằng, dù có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, nhưng cổ đông Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối và kiểm soát Vinafood 2 thông qua Uỷ ban Quản lý vốn khi nắm tới 51% cổ phần. Điều này cũng đồng nghĩa, dù Luật Doanh nghiệp quy định về quyền hạn cao nhất là Đại hội đồng cổ đông, nhưng mọi quyết định tại Vinafood 2 vẫn phải do người đại diện phần vốn xin ý kiến cổ đông Nhà nước.
Mặc dù T&T Group gần đây đã tham gia vào hoạt động điều hành, tích cực đưa ra các giải pháp về quản lý, cấu trúc nhưng chính do cơ chế quản trị nhà nước chưa xử lý được, vận hành vào thực tế còn chậm, khó khăn và có nhiều giải pháp không thể đạt được sự đồng thuận.
Chính điều này cũng dẫn tới thực trạng cổ phần hóa hiện nay của Vinafood thực chất chỉ là "bình mới rượu cũ". Tình trạng kinh doanh vẫn tiếp tục yếu kém và thậm chí sẽ tiếp tục yếu kém trong thời gian tới nếu vẫn duy trì cơ cấu tổ chức, phương thức vận hành "hiện nay như trước kia". Nếu tình trạng này còn kéo dài, một trong những rủi ro mà Vinafood 2 phải đối mặt là khả năng mất thanh khoản, dẫn tới đình trệ kinh doanh, nguy cơ mất vốn cho Nhà nước và các cổ đông.
Giải pháp nào cho Vinafood 2
Với thực trạng như vậy, kể cả có một cổ đông chiến lược có tiềm lực như T&T Group cũng không thể cứu được một con tàu đang trên đà đi xuống, nếu chỉ có những giải pháp hỗ trợ tài chính. Vấn đề căn cơ thực chất là cơ chế quản lý của doanh nghiệp này.
"Có một lý do rất cơ bản mà chúng ta hay gọi là cổ phần hóa chưa thực chất, tức là vẫn là lề lối cũ, cách cũ, con người cũ", chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét. "Vấn đề ở chỗ, cổ phần hóa nhưng chưa có sự thay đổi thực chất về mặt quản lý, dẫn tới nhiều vấn đề vẫn tồn tại. Điều quan trọng là liệu chúng ta có dám trực diện đối mặt và thay đổi nó không".
Trước những mảnh ghép rời rạc trong quản lý, điều hành, các chuyên gia cho rằng giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là Ủy ban Quản lý vốn, Hội đồng quản trị cần thúc đẩy và thực hiện việc thoái vốn nhà nước tại Vinafood 2 để tránh tình trạng càng kéo dài thì nhà nước càng mất vốn và tiếp tục thua lỗ.
Việc thoái vốn của cổ đông Nhà nước cũng mở ra cơ hội để thay đổi cách thức quản lý một cách thực chất hơn, từ đó thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống quản lý, quản trị các công ty trực thuộc. Việc cấu trúc lại toàn bộ hệ thống quản trị, hệ thống quy định, quy trình, con người từ sẽ tạo ra bước thay đổi lớn, làm điểm tựa để vực lại một trong những doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu lúa gạo.