Thế khó của tỷ giá USD/VND
Lạm phát có xu hướng tăng mạnh trong khi nhịp tăng trưởng kinh tế vẫn cần được duy trì, điều này đặt tỷ giá USD/VND vào thế giằng co. Tuy nhiên, VND được dự báo sẽ chỉ giảm giá khoảng 3% so với USD.
- 09-10-2018Thanh khoản dồi dào trở lại nhưng tỷ giá có xu hướng tăng
- 05-10-2018Ngân hàng tiếp tục nâng tỷ giá, đẩy giá bán USD lên kịch trần
- 03-10-2018Lạm phát có thể chạm mức 3,8%, lãi suất, tỷ giá tăng nhẹ
Có thể phải đánh đổi
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% và chỉ còn giữ một khoảng cách ít ỏi so với mục tiêu 4% được Quốc hội đặt ra từ đầu năm nay. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục chịu sức ép từ nhiều phía khi giá xăng dầu vừa có đợt tăng mạnh, lãi suất ngân hàng tăng theo mùa vụ cuối năm và chịu tác động từ các đợt tăng lãi suất của Mỹ cũng như biến động của giá VND so với USD.
Số liệu từ Hãng tin Bloomberg và Kênh tài chính CNBC (Mỹ) cho thấy, từ đầu năm đến nay, một số đồng tiền lớn trên thế giới đã có mức mất giá đáng kể so với USD. Cụ thể, đồng Rupee của Ấn Độ, đồng Rupiah của Malaysia và đồng Nhân dân tệ (RMB) của Trung Quốc đều giảm giá khoảng 10% so với USD. Trong khi đó, mức giảm giá của VND so với đồng bạc xanh là khoảng 2,7%.
Nhận xét về xu thế này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, VND vẫn có mức biến động vừa phải so với USD do chủ trương điều hành chính sách tiền tệ nhất quán của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của BIDV cũng nhận định là áp lực điều hành tỷ giá trong năm nay khá lớn, bởi một số nguyên nhân. Trước hết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản USD với lộ trình 3 - 4 lần trong năm nay, điều này đã khiến USD tăng giá khá nhanh. Từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã tăng hơn 3%, có nghĩa là các đồng tiền khác trên thế giới đang bị mất giá so với USD ở mức từ 2 - 3%.
Mặt khác, áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm nay cũng ở mức độ cao hơn các năm trước. “Từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá hơn 2,7% so với USD. Để ổn định thị trường ngoại tệ và kiểm soát linh hoạt tỷ giá, với mức tăng không quá cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiên định chính sách tỷ giá trung tâm, từ đó tạo tâm lý tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân”, ông Lực nói.
Quan sát thị trường từ góc độ khác, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng, việc điều hành tỷ giá hiện nay thật sự là bài toán không dễ dàng khi phải giằng co giữa việc kiềm giữ lạm phát và duy trì đà tăng trưởng khá cao. “Nếu để đồng tiền giảm giá thì có thể đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. Trong trường hợp VND được giữ giá mà đồng tiền của các nước có cạnh tranh về hàng hóa xuất khẩu với Việt Nam tiếp tục mất giá thì hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt hơn khi xuất khẩu và làm giảm sức cạnh tranh. Do đó, rất có thể Ngân hàng Nhà nước phải chấp nhận lựa chọn một trong hai lời giải cho bài toán tỷ giá, hoặc giữ giá đồng tiền để kiềm chế lạm phát, hoặc giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng nhưng chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu. Lựa chọn giải pháp nào tùy thuộc vào quan điểm về điều hành kinh tế của Chính phủ”, ông Minh bình luận.
Không chỉ băn khoăn giữa hai mục tiêu lạm phát và tăng trưởng, điều đáng chú ý là kinh tế Việt Nam đã từng trải qua những giai đoạn CPI cao và áp lực dư luận lớn. Do đó, ông Minh cho rằng, khi dư luận và người dân phản ứng mạnh với lạm phát thì Chính phủ thường nhạy cảm với chỉ số CPI hơn.
VND sẽ giảm giá khoảng 3% so với USD
Dự báo về xu hướng tỷ giá từ nay đến cuối năm, theo ông Cấn Văn Lực, về cơ bản, quan hệ cung - cầu ngoại tệ vẫn ở mức tương đối tốt dù áp lực tỷ giá vẫn đáng kể do nhu cầu ngoại tệ để thanh toán hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp tăng vào cuối năm. Bên cạnh đó, USD được dự báo tiếp tục tăng giá trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khá căng thẳng và Trung Quốc có xu hướng dùng công cụ chính sách tiền tệ để giảm tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. “Những yếu tố này khiến áp lực tỷ giá đối với VND cao hơn, nhưng về cơ bản, từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VND vẫn duy trì được sự ổn định”, ông Lực bình luận.
Nhận xét về công tác điều hành chính sách tiền tệ, vị chuyên gia của BIDV cho rằng, NHNN vẫn kiên định chính sách kiểm soát tỷ giá và đặc biệt, tiếp tục dùng nhiều công cụ để điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Nhờ đó, quan hệ cung - cầu ngoại tệ vẫn ở mức tương đối tốt, kể cả cuối năm có yếu tố thời vụ, nhưng về cơ bản vẫn ổn định. Đáng chú ý, NHNN đang quyết tâm cùng các bộ, ngành kiểm soát lạm phát và giảm áp lực lên tỷ giá.
“Từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VND vẫn có những biến động nhất định nhưng mức độ giảm giá của VND so với USD trong năm nay chỉ khoảng 3%. Đây là mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh nhiều đồng tiền khác trong khu vực đang mất giá mạnh, kể cả nhân dân tệ, trước áp lực tăng giá USD”, vị chuyên gia này nhận định.
Đấu thầu