MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế lực gây 'xoắn não' nhất BRICS: Giàu nứt vách, có 2 'ông trùm' mạnh nhất chống lưng vẫn trượt vé ở phút 89

27-08-2023 - 09:15 AM | Tài chính quốc tế

Thế lực gây 'xoắn não' nhất BRICS: Giàu nứt vách, có 2 'ông trùm' mạnh nhất chống lưng vẫn trượt vé ở phút 89

Quốc gia này nhận được sự ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc, gần như cầm chắc phần thắng gia nhập BRICS. Thế nhưng, kết quả được công bố khiến nhiều người ngạc nhiên và thấy khó hiểu.

Thế lực gây 'xoắn não' nhất BRICS: Giàu nứt vách, có 2 'ông trùm' mạnh nhất chống lưng vẫn trượt vé ở phút 89 - Ảnh 1.

Sau nhiều nỗ lực, Algeria chưa thể gia nhập BRICS

Sự thất vọng của Algeria

Ngày 23/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố, 6 quốc gia - gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - sẽ được mời gia nhập BRICS (khối các nền kinh tế mới nổi với 5 thành viên then chốt là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Trước đó, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, trong đó hơn 20 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập.

Theo tờ Atalayar , khi kết quả được xướng lên, một trong những quốc gia cảm thấy thất vọng nhất chính là Algeria. Việc nước này không được chọn làm thành viên mới của BRICS "là một đòn giáng nặng nề đối với chính quyền do Tổng thống Abdelmadjid Tebboune lãnh đạo".

Trước đó, ông Tebboune đã công khai bày tỏ mong muốn Algeria gia nhập BRICS. Trả lời tờ Al Majalla , Giáo sư Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế Nabar Suleiman cho rằng, mối quan hệ căng thẳng của Algeria với châu Âu là lý do chính khiến ông Tebboune tìm kiếm các mối quan hệ đối tác thay thế.

Thế lực gây 'xoắn não' nhất BRICS: Giàu nứt vách, có 2 'ông trùm' mạnh nhất chống lưng vẫn trượt vé ở phút 89 - Ảnh 2.

Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đã thúc đẩy việc Algeria gia nhập BRICS nhưng không thành công.

"Algeria muốn đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình. Mối quan hệ với châu Âu đang căng thẳng khiến các đảng chính trị Algeria kêu gọi xem xét lại các điều khoản thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ năm 2005" - Ông Suleiman cho hay.

Ví dụ, mối quan hệ giữa Algeria và Tây Ban Nha từng rất tốt cho tới khi Madrid thay đổi lập trường về Tây Sahara. Mối quan hệ giữa Algeria và Pháp cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua do các tuyên bố giận dữ và mang tính khiêu khích gần đây của quan chức Pháp.

Kết quả khó hiểu

Tờ Morocco World News nhận định, sự vắng mặt của Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 (diễn ra tại Nam Phi từ ngày 22-24/8) đã khiến nhiều người ngạc nhiên, khi xét tới mối quan hệ hợp tác giữa Algeria với khối này trong năm qua.

Chỉ mới trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng trước, ông Tebboune còn thông báo rộng rãi rằng, Algeria đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, đồng thời đề nghị trở thành thành viên cổ đông của Ngân hàng phát triển mới (NDB) do BRICS thành lập, với số tiền đóng góp ban đầu lên tới 1,5 tỷ USD - cho thấy mức độ "chịu chi" của quốc gia Bắc Phi.

Việc ông Tebboune vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay còn khiến nhiều người thấy khó hiểu bởi Algeria được dự đoán sẽ tiếp tục tham gia sâu sắc vào khối này.

Trong năm 2022, nhiều quan chức các bên đã thảo luận cởi mở về việc Algeria gia nhập BRICS trên truyền thông. Đầu năm 2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov còn nhấn mạnh rằng, Algeria "có những đặc điểm và lợi thế vượt trội so với các quốc gia khác muốn gia nhập BRICS".

Trang Middle East Eye cho biết, Algeria nhận được sự ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc. Chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Tổng thống Tebboune có lẽ cũng nhằm "vận động hành lang" cho việc gia nhập khối.

Thế lực gây 'xoắn não' nhất BRICS: Giàu nứt vách, có 2 'ông trùm' mạnh nhất chống lưng vẫn trượt vé ở phút 89 - Ảnh 3.

Algeria nhận được sự ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc - những trụ cột của BRICS. Vì thế, ban đầu nước này được dự đoán "cầm chắc vé vào".

Vài ngày trước khi Hội nghị BRICS chính thức khai mạc, tờ New Arab còn nhận định, sẽ có tương đối ít trở ngại đối với con đường gia nhập BRICS của Algeria.

Theo tờ này, Algeria có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc từ năm 2014. Trong khi đó, ngay từ năm ngoái, Moscow đã thể hiện rõ lập trường rằng họ không phản đối việc Algeria đăng ký làm thành viên BRICS.

Tháng 3 năm nay, Đại sứ Trung Quốc tại Algeria Li Jian một lần nữa nhấn mạnh rằng, Trung Quốc kiên quyết ủng hộ việc Algeria gia nhập BRICS. Đây được xem là tín hiệu "đèn xanh" mà Bắc Kinh dành cho quốc gia Bắc Phi.

Algeria được xem là một ứng cử viên nặng ký cho BRICS bởi đây là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi, đồng thời là nền kinh tế lớn thứ 4 châu lục này. Trong năm 2022, GDP của Algeria đạt 168 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên 8%. Đây cũng là một trong những quốc gia giàu nhất châu Phi.

Vì sao cửa chưa rộng mở với Algeria?

Theo Giáo sư Suleiman, dù rất mong muốn gia nhập khối nhưng Algeria vẫn còn một số chặng đường phải trải qua trước khi có thể đáp ứng đủ các yêu cầu của BRICS. Một trong những điều kiện tiên quyết để gia nhập khối này là GDP phải mạnh hơn nữa.

Theo Ngân hàng Thế giới World Bank, GDP của Algeria là 163 tỷ USD năm 2021, 168 tỷ USD năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn nhỏ hơn đáng kể so với GDP của các nước thành viên khác trong BRICS.

Ví dụ, GDP của Nam Phi - thành viên nhỏ bé nhất trong số các quốc gia BRICS - đã đạt tới 419 tỷ USD, cao gấp gần 2,5 lần GDP của Algeria.

Hiện tại, Tổng thống Tebboune cho biết, ông đang đặt mục tiêu đưa GDP của Algeria lên tới 200 tỷ USD, bằng cách tăng gấp đôi nỗ lực đầu tư, phát triển kinh tế và con người, cũng như thúc đẩy xuất khẩu. Các chuyên gia tin rằng, Algeria có thể làm được điều đó do nước này có trữ lượng dầu và khí lớn.

Thế lực gây 'xoắn não' nhất BRICS: Giàu nứt vách, có 2 'ông trùm' mạnh nhất chống lưng vẫn trượt vé ở phút 89 - Ảnh 4.

Giới chuyên gia nhận định, Algeria cần nỗ lực hơn nữa để gia nhập BRICS.

Để đạt được những gì ông Tebboune đề ra, Algeria đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng khí đốt trong năm nay, nhằm đạt tổng lượng xuất khẩu hàng năm là 100 tỷ mét khối. Đồng thời, nước này đã xây dựng một chiến lược cụ thể để đạt 10 tỷ USD xuất khẩu phi hydrocacbon trong năm 2023, và kỳ vọng mức này sẽ tăng lên 15 tỷ USD trong những năm tới.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nour al-Sabah Aknoush, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Biskra của Algeria tin rằng quan hệ đối tác giữa BRICS với Algeria sẽ mang lại thêm nhiều giá trị cho khối này, bất kể Algeria có trở thành thành viên chính thức hay không.

"Đối với BRICS, Algeria là quốc gia đóng vai trò then chốt, có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho khối này thâm nhập vào các thị trường chưa được khám phá như Châu Phi và Châu Âu - Ông Aknoush nói.

Theo vị Giáo sư, về phần mình, Algeria đang cho thấy ý chí mạnh mẽ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng để thích ứng với sự năng động của các thị trường mới ở châu Á và Mỹ Latinh.

"Nếu Algeria thành công, điều này có thể mở ra những chân trời đầy hứa hẹn và đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất Bắc Phi" , ông Aknoush nói, "BRICS và Algeria đều có lợi từ việc hợp tác với nhau, đều nên tận dụng trật tự thế giới mới hiện đang hình thành".

Đáng lưu ý, tờ Eye Witness News ngày 26/8 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana cho biết, Algeria nhiều khả năng sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tiếp theo gia nhập BRICS. Theo ông Godongwana, các cuộc đàm phán về giai đoạn mở rộng thứ hai đang được BRICS tiến hành.

Theo Vy Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên