The New York Times: Phân tích ảnh vệ tinh đã chỉ ra chính xác thủ phạm gây cháy rừng thảm họa tại Amazon
Các phân tích từ vệ tinh đã chỉ ra chính xác thủ phạm gây cháy rừng, và đó có thể nói là bằng chứng khó lòng chối cãi.
Cháy rừng Amazon những ngày gần đây được đánh giá là thảm họa ở tầm cỡ địa cầu. Theo thông tin mới ghi nhận, lại có hơn 1.633 vụ cháy mới xảy ra trong 2 ngày 22 - 23/8, nâng tổng số các vụ cháy rừng tại Brazil lên hơn 76.600 vụ. Những vụ cháy lớn đến nỗi quan sát được từ trên vũ trụ, và khiến bầu trời tại những thành phố cách hiện trường hàng ngàn kilomet tối đen như mực ngay giữa ban ngày.
Thủ phạm là ai? Các nhà môi trường học tin rằng nguồn cháy bắt đầu từ những đợt dọn rừng làm nương rẫy của nông dân, mà nguyên nhân sâu xa là vì các tuyên bố sẽ khai phá triệt để tiềm năng kinh tế khu rừng của tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro.
Nhưng đó có phải thủ phạm thực sự không, hay chỉ là những giả thuyết chưa đủ căn cứ? Nghi ngờ điều này, mới đây tờ New York Times đã đưa ra một nghiên cứu, trong đó các chuyên gia phân tích dữ liệu ảnh chụp vệ tinh của Amazon, để rồi chỉ ra đích xác "thủ phạm" gây ra thảm họa là gì.
Và nguyên nhân thì quả đúng như những gì các chuyên gia lo ngại: các đám cháy hầu hết đều xuất phát từ các vùng đất nông nghiệp, nơi cây cối đã bị dọn dẹp sạch sẽ.
Màu vàng là các khoảng rừng bị chặt hạ trong năm 2018, và màu đỏ là nơi cháy rừng kể từ tháng 8
Hầu hết các đám cháy chủ yếu do chính các nông dân châm lên, nhằm chuẩn bị cho vụ mùa trong năm tiếp theo. Theo ĐH Maryland (Mỹ), đây vốn là hành vi thường thấy trong ngành nông nghiệp Brazil. Như bức hình dưới đây là một ví dụ, cho thấy đám khói bốc lên từ các khu vực nông nghiệp của Amazon.
Vấn đề nằm ở chỗ phần lớn đất nông nghiệp hiện tại được tạo ra "nhờ" việc chặt phá rừng Amazon trong nhiều năm. "Hầu hết chỗ đất này trước đó vốn là rừng," - Matthew Hansen, trưởng nhóm nghiên cứu tại ĐH Maryland.
"Rừng mưa đang ở đó, và rồi bỗng nhiên tất cả chuyển thành một rừng... đậu nành với ngô."
Biểu đồ dưới đây cũng là một bằng chứng khó mà chối cãi. Nó cho thấy tần suất cháy rừng theo từng tháng xuyên suốt rừng mua Amazon theo từng năm kể từ 2011. Có thể thấy, cháy rừng xảy ra chủ yếu vào mùa khô - giai đoạn tháng 8 đến tháng 10, trùng với thời điểm nông dân chuẩn bị trồng vụ mới.
Cháy rừng tăng dần theo từng năm, nhiều nhất vào các tháng mùa khô
Biểu đồ này được dựng lên nhờ những dữ liệu từ 2 vệ tinh của NASA là Terra và Aqua, vốn được trang bị công cụ tiếp nhận bức xạ phát ra khi có hỏa hoạn. Và nếu so sánh tháng 8/2019 với thời điểm cùng kỳ các năm trước đó, bạn sẽ hiểu vì sao người ta gọi đợt cháy rừng này là thảm họa địa cầu.
Biểu đồ thể hiện mật độ cháy rừng trung bình 8/2011- 2018 và tháng 8/2019
So với mật độ cháy trung bình 8 năm vừa qua, tháng 8/2019 nhiều hơn tới 35%. Một số tiểu bang còn ghi nhận mức độ tăng tới hơn 110%.
"Cháy rừng có thể do sấm sét, nhưng về cơ bản không phải là hiện tượng tự nhiên của một khu rừng mưa nhiệt đới," - Mark Cochrane, chuyên gia về cháy rừng và sinh thái học từ ĐH Maryland cho biết. "Tất cả những đám cháy này đều là do con người."
Cochrane cũng chia sẻ một sự thật rất đáng chú ý, rằng dù đa số các đám cháy xảy ra ở những khu vực đã bị dọn sạch, thì vẫn có rất nhiều vụ xảy ra ở những nơi rừng khá rậm. Theo ông, đây có thể là những đám lửa dùng để phá rừng, chứ không phải dọn rừng chuẩn bị cho vụ mùa mới.
"Chặt hạ một khoảng rừng, dồn đống chúng lại, để khô và rồi đưa vào đó một mồi lửa, nó sẽ cháy rất mạnh và phát ra rất nhiều khói," - trích lời Cochrane. Mà thực tế cũng cho thấy tốc độ phá rừng tại Brazil đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Đặc biệt là kể từ khi tổng thống Bolsonaro lên cầm quyền, tốc độ chặt hạ thậm chí đã tăng tới 278% trong 2 tháng gần nhất.
Trong bài phân tích của New York Times có chỉ ra rằng khả năng bảo vệ rừng của các cơ quan môi trường Brazil đã giảm 20% trong 6 tháng đầu năm, khi so với cùng kỳ năm 2018.
Sau nhiều ngày hứng chịu chỉ trích của dư luận địa phương lẫn quốc tế, tổng thống Bolsonaro đã phải xuống nước, tuyên bố điều quân đội tới để chống lại giặc lửa, và thực thi các đạo luật về môi trường.
Tham khảo: The New York Times
Helino