The Rubyland: Đem nhà đã bán thế ngân hàng
Trong danh sách 77 dự án tại TPHCM đang thế chấp ở ngân hàng, chung cư The Rubyland (ảnh)là dự án đang có tranh chấp hợp đồng tín dụng rất phức tạp giữa các bên liên quan, gồm Công ty Tân Hoàng Thắng, NH TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
- 08-08-2016Công khai dự án thế chấp ngân hàng, sao phải lo lắng?
- 05-08-2016Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói về chung cư thế chấp ngân hàng
- 02-08-2016Sẽ giám sát chặt các dự án nhà ở thế chấp ngân hàng
Điều này cũng đồng nghĩa với việc thủ tục cấp chủ quyền căn hộ của cư dân Rubyland sẽ còn kéo dài, thậm chí đứng trước nguy cơ bị phát mại tài sản.
Ở 6 năm chưa được cấp sổ đỏ
Chung cư The Rubyland trước đây có tên Tân Hồng Ngọc, do Công ty Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư. Công trình cao 18 tầng tọa lạc tại đường Lũy Bán Bích (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú), đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2009. Từ đó đến nay chủ đầu tư không thể làm các thủ tục đề nghị các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCN) cho người dân. Nguyên nhân được xác định do Tân Hoàng Thắng đã đem chung cư The Rubyland thế chấp tại SCB và lún sâu vào vũng nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
UBND TP giao Sở TN-MT làm việc với ngân hàng và các đơn vị có liên quan, xem xét giá trị còn lại thuộc quyền sở hữu của Tân Hoàng Thắng tại dự án The Rubyland, có phương án giải chấp tài sản sớm để cấp GCN cho người mua nhà. Trường hợp ngân hàng không giải chấp, hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa, vì tại thời điểm ký kết hợp đồng vay và nhận tài sản thế chấp, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao căn hộ cho người mua nhà.
Kết luận thanh tra Sở Xây dựng TPHCM
Theo tìm hiểu của ĐTTC, dù công trình đã hoàn thiện, bàn giao nhà cho khách hàng nhưng cuối tháng 7-2009, Tân Hoàng Thắng đem quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại 12/6 Lũy Bán Bích thế chấp tại SCB để vay 90 tỷ đồng, thời hạn 18 tháng, với mục đích vay vốn rất khó hiểu “thực hiện dự án”. Đến ngày 28-5-2010, giữa Tân Hoàng Thắng và SCB một lần nữa ký kết hợp đồng vay vốn với số tiền 67 tỷ đồng, thời gian vay 31 tháng, mục đích “tiếp tục thực hiện dự án” (tổng giá trị khoản vay 157 tỷ đồng cho cả 2 hợp đồng tín dụng). Để vay thêm, Tân Hoàng Thắng tiếp tục lấy thêm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại 58/13 Lũy Bán Bích (cũng thuộc dự án Rubyland), đồng thời kèm theo giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp, thẩm duyệt PCCC... giao cho SCB nắm giữ. Tổng tài sản thế chấp được xác định 179 tỷ đồng.
Thực ra chủ đầu tư bắt đầu ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng từ năm 2007 và 2008. Tính đến tháng 11-2015, tổng số căn hộ đã chuyển nhượng theo hợp đồng góp vốn và mua bán là 278/288 căn hộ. Chủ một căn hộ cho biết kể từ khi nhận bàn giao nhà năm 2009, chủ đầu tư đã rất nhiều lần đề nghị khách hàng nộp, bổ sung hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN. Tuy nhiên, đó chỉ là động tác “câu giờ”, vì cư dân không hề biết công ty âm thầm đem nhà đã bán cho người dân cắm tại ngân hàng lấy tiền sử dụng sai mục đích. Và chính do ngân hàng đang nắm quyền sử dụng đất của dự án và toàn bộ hồ sơ, nên Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) chưa thể cấp GCN cho người dân.
Tình trạng ách tắc cấp GCN tại chung cư The Rubyland kéo dài nhiều năm qua khiến người dân bức xúc, kêu cứu khắp nơi. Cư dân nhận nhà ở đã hơn 6 năm nhưng chưa có hộ nào được cấp GCN.
Kéo nhau ra tòa
Theo báo cáo của SCB, tính đến tháng 5-2016, Tân Hoàng Thắng đang nợ gốc và lãi với số tiền gần 326 tỷ đồng, thế chấp bằng dự án The Rubyland. Tính ra khoản nợ phải trả của Tân Hoàng Thắng tại 2 hợp đồng tín dụng tăng gấp 2,07 lần và 1,82 lần so với giá trị tài sản thế chấp. Nợ gốc cộng thêm tiền lãi điều chỉnh tăng liên tục từ 10,5%/năm lên 24,5%/năm, lãi phạt quá hạn 150% là lý do chính khiến số nợ của Tân Hoàng Thắng tăng chóng mặt. Vụ việc thêm phần rắc rối khi năm 2013 SCB đã bán khoản nợ xấu của Tân Hoàng Thắng cho VAMC và đơn vị này đã chính thức khởi kiện Tân Hoàng Thắng để thu hồi nợ tại Tòa án Nhân dân quận Tân Bình.
Đơn khởi kiện của VAMC nêu rõ, tài sản đảm bảo nợ vay đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Sở TN-MT TPHCM vào ngày 3-6-2010. Toàn bộ tài sản này đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ gốc 157 tỷ đồng, cùng lãi, phí, lãi quá hạn, phí thi hành án, chi phí liên quan đến thu hồi nợ và bồi thường thiệt hại 2 hợp đồng tín dụng. VAMC đề nghị tòa án buộc Tân Hoàng Thắng thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp không trả, hoặc trả không đủ phải chấp hành việc xử lý tài sản.
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó ban quản trị chung cư The Rubyland, cho biết quy định hiện nay cho phép chủ đầu tư thế chấp ở ngân hàng vay vốn đối với những dự án hình thành trong tương lai. Nhưng tại dự án The Rubyland, chủ đầu tư đã bán nhà và người mua nhà đã nhận bàn giao, dọn vào ở từ năm 2009. Giữa năm 2010 Tân Hoàng Thắng lại đem đi thế chấp và được ngân hàng cấp tín dụng là sai quy định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hơn nữa, nhà đã bán cho dân, dù đi đăng ký giao dịch bảo đảm cũng sai.
Cùng chung số phận với The Rubyland, một dự án khác do Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư là chung cư Ruby Garden (quận Tân Bình), cũng từng bị chủ nợ đề nghị cơ quan thi hành án kê biên, buộc chủ đầu tư phải trả nợ. Tuy nhiên, khác với The Rubyland, phía ngân hàng nhận thế chấp Ruby Garden đã đồng ý giao giấy chủ quyền của chung cư để Văn phòng Đăng ký đất đai TP làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho các căn hộ. Các giấy chủ quyền sau khi cấp xong sẽ được chuyển cho cơ quan thi hành án giữ, chủ sở hữu các căn hộ sẽ đóng tiếp khoản tiền còn thiếu (khoảng 5% giá trị căn hộ) cho cơ quan thi hành án để sang tên, nhận giấy chủ quyền. Số tiền thu được của khách hàng và phần tài sản còn lại của chủ đầu tư tại dự án này sẽ được cơ quan thi hành án trả nợ theo các bản án.
Sài gòn đầu tư