MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm 1 doanh nghiệp Việt nghi bị lừa 2 container điều khi xuất khẩu sang UAE

23-07-2023 - 10:17 AM | Doanh nghiệp

Ngoài 3 doanh nghiệp Việt Nam nghi bị lừa khi xuất khẩu 3 container tiêu, điều và quế sang Dubai (UAE), hiện có thêm 1 doanh nghiệp khác cũng nguy cơ tương tự.

Sáng 23/7, thông tin với VTC News , ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, mới đây có thêm 1 doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng nghi bị lừa 2 container điều tại UEA vừa thông báo cho Vinacas.

Theo ông Hậu, nguyên nhân của nhiều vụ lừa đảo mà các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp là do các doanh nghiệp bán hàng thông qua môi giới, đồng thời liên quan đến phương thức thanh toán.

“Tại Dubai người ta thường sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu qua ngân hàng. Trong khi, phương thức thanh toán bằng thư tín dụng tuy an toàn nhất nhưng bên Dubai họ ít sử dụng và ngay cả doanh nghiệp Việt cũng ít dùng vì phức tạp. Do ngại nên doanh nghiệp mình cũng chủ quan”, ông Hậu nói.

Theo ông Hậu, thanh toán bằng phương thức thư tín dụng là an toàn nhất. Thư tín dụng (L/C) muốn phát hành phải do một tổ chức có uy tín, có khả năng đảm bảo thanh toán, bảo lãnh những khoản mua bán có giá trị nhằm tạo ra sự an tâm cho người mua và người bán. Trong khi đó, phương thức thanh toán nhờ thu qua ngân hàng thì phía ngân hàng bên mua chỉ có thể trả cho doanh nghiệp mua bộ chứng từ cho người mua khi người mua nộp tiền vào để đi lấy hàng.

Thêm 1 doanh nghiệp Việt nghi bị lừa 2 container điều khi xuất khẩu sang UAE - Ảnh 1.

Xuất khẩu điều Việt Nam sang nước ngoài đã gặp nhiều phi vụ lừa đảo. (Ảnh minh họa).

“Nếu chuẩn chỉ thì chặt chẽ nhưng ở đây có nghi vấn có sự cấu kết giữa ngân hàng, hoặc thậm chí có sự lách luật để hỗ trợ người mua khi họ không có tiền nhưng có tài sản thế chấp để lấy hoá đơn chứng từ và lấy hàng về bán, sau đó mới lấy tiền bán hàng nộp về cho ngân hàng. Nếu xảy ra trường hợp này, bên bán sẽ không mất tiền, nhưng thời gian chờ đợi lấy tiền về khá lâu. Hiện chúng tôi mong sẽ rơi vào hình thức này, dù điều này không đúng với thông lệ quốc tế”, ông Hậu nói.

Ông Hậu cũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Hiệp hội đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Ngoại giao, thương vụ, tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE. Thương vụ Việt Nam tại UAE đã trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng Ajman Bank PJSC - Sheikh Zayed Road Dubai Branch tại Dubai để trao đổi và sẽ làm việc với hội sở chính của ngân hàng này, bởi chi nhánh tại Dubai cũng chỉ nắm thông tin và có thẩm quyền nhất định.

“Hiệp hội cũng đang tìm và thuê luật sư gỏi nhất, nghiêm túc, đàng hoàng và tin tưởng tại nước sở tại để hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầy đủ hồ sơ cùng những vấn đề liên quan đến thương mại, kinh doanh. Ở UAE luật cũng khác Việt Nam và những vấn đề liên quan đến thương mại, kinh doanh thì việc cốt lõi ở hai bên (mua- bán), còn chính quyền không can thiệp sâu. Tuy nhiên, ở đây có dấu hiệu hình sự nên chắc chắn cả luật sư và chính quyền của Dubai sẽ vào cuộc. Vinacas sẽ làm mọi cách tốt nhất để hỗ trợ hội viên của mình”, ông Hậu nói.

Bộ Công Thương vào cuộc

Sau khi nhận được văn bản của Vinacas, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại UAE về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân sang Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã có Công hàm số 1465/AP-TACP gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.

Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, Thương vụ đã có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan.

Đồng thời, Thương vụ tiến hành làm việc với một số đơn vị như chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai; cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; hãng tàu và cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali.

Thêm 1 doanh nghiệp Việt nghi bị lừa 2 container điều khi xuất khẩu sang UAE - Ảnh 2.

Có thêm 1 doanh nghiệp Việt nghi bị lừa khi xuất khẩu điều sang UAE.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất.

Cụ thể, hình thức thanh toán TT trả sau nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Cùng đó là hình thức phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Hơn nữa, bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba.

Để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất. Cụ thể, các phương thức thanh toán như mở thư tín dụng do ngân hàng lập ra theo yêu cầu của đối tác (LC) hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền. Ngoài ra, phương thức thanh toán DP (nhờ thu kèm chứng từ) có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đảm bảo an toàn, tránh trường hợp xảy ra như các vụ việc nêu trên do khâu giao chứng từ và nhận chứng từ (nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận. Theo đó dẫn đến việc nhân viên an ninh ngân hàng giao chứng từ cho bên mua để đi nhận hàng mà bên mua không thanh toán tiền với ngân hàng để trả cho ngân hàng bên bán.

Như VTC News thông tin, Công ty Tín Mai (hội viên Vinacas) ký hợp đồng bán nhân điều cho Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC có trụ sở văn phòng tại Al Nahda, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Người giao dịch trực tiếp là ông Naeem Chaudhry.

Phía khách hàng đã ứng 15% số tiền hàng, sau đó, Công ty Tín Mai giao hàng. Ngày 24/6, hàng đến cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả lại container rỗng vào ngày 27/6, nhưng phía Công ty Tín Mai vẫn chưa nhận được khoản thanh toán 85% trị giá tiền còn lại của lô hàng.

Ngân hàng phía bên bán là Sacombank đã gửi 2 điện đến ngân hàng bên mua là Ajman Bank PJSC - Sheikh Zayed Road Dubai Branch yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.

Ngoài trường hợp của Công ty Tín Mai, còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.

Theo Phạm Duy

VTC News

Trở lên trên