Thêm 2 nước cho Ukraine nã tên lửa tầm bắn 550km tấn công lãnh thổ Nga: Đã rõ cách ông Putin sẽ đáp trả
Theo Le Figaro, sau Mỹ, 2 quốc gia này đã cho phép Ukraine bắn một trong những "vũ khí hủy diệt mạnh nhất" tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Moscow lập tức phản ứng.
- 18-11-2024Châu Âu thảo luận kín, xoay chuyển lập trường, ông Trump vẫn là ẩn số: Ukraine đối mặt vấn đề sống còn?
- 16-11-2024Mùa đông cận kề, Nga tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua Ukraine tới một nước EU
- 16-11-2024Mỹ gấp rút giải ngân 7,1 tỷ USD cho Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức
- 13-11-2024Nga dùng chiến lợi phẩm “sát thủ diệt tăng” Bradley khiến Ukraine "đau đầu"
- 13-11-2024Kịch bản ngày đầu tiên của ông Trump: Dắt tay Nga-Ukraine vào bàn đàm phán!
Thêm 2 nước cho Ukraine tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga
Tờ Le Figaro (Pháp) ngày 18/11 đưa tin, Pháp và Anh đã dỡ bỏ hạn chế cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào Nga. Trước đó, tờ New York Times (Mỹ) cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đưa ra quyết định tương tự, cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công thọc sâu vào lãnh thổ Nga.
"Pháp và Anh đã cho phép Ukraine tấn công thọc sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa SCALP/Storm Shadow" – Le Figaro viết.
Mặc dù không cung cấp số lượng cụ thể nhưng Le Figaro lưu ý, Ukraine đang có trong tay nhiều tên lửa ATACMS của Mỹ hơn so với tên lửa SCALP/Storm Shadow do Anh và Pháp cung cấp.
Đề cập tới quyết định của ông Biden, các quan chức Mỹ cho biết, nhiều khả năng trong thời gian đầu, ATACMS sẽ được sử dụng để chống lại lực lượng Nga và Triều Tiên tại tỉnh Kursk (Nga), nhằm đáp trả quyết định bất ngờ của Moscow khi đưa quân đội Triều Tiên vào cuộc chiến.
Tin đồn về việc Mỹ, Anh và Pháp cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga đã rầm rộ từ tháng 9 năm nay. Khi đó, tờ Guardian dẫn một nguồn tin trong chính phủ Anh khẳng định, London đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP/Storm Shadow để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, chỉ là quyết định chưa được công bố sớm mà thôi.
Theo Business Insider, ATACMS có nhiều phiên bản khác nhau. Vào mùa thu năm 2023, Ukraine đã nhận được phiên bản tầm bắn 160km, mang tới 1.000 quả đạn con bên trong.
Sau đó, nước này tiếp tục nhận được các tên lửa ATACMS tầm bắn 300km vào tháng 4 năm nay. Phiên bản này lại chia thành 2 biến thể đầu đạn, một biến thể mang đầu đạn nổ đơn nhất, và một biến thể mang đầu đạn chùm với 300 quả đạn con.
Trong khi đó, tên lửa SCALP/Storm Shadow có tầm bắn tối đa lên tới 550km, và được tờ Telegraph (Anh) gọi là một trong những "vũ khí hủy diệt mạnh nhất" của Ukraine hiện nay.
Bình luận trên đài RTVI hồi tháng 9, ông Aleksandr Ermakov - chuyên gia về vũ khí chiến lược và là nghiên cứu viên tại IMEMO RAS - nói rằng các sân bay quân sự, trung tâm hậu cần quan trọng và sở chỉ huy quân sự của Nga có thể là những nơi đầu tiên bị tên lửa chiến thuật ATACMS của Mỹ tấn công.
Theo ông, các mục tiêu của Nga ở Smolensk, Kaluga, Lipetsk và Volgodonsk có thể bị nhắm tới.
"ATACMS hiện không vươn tới được Moscow, nhưng nếu các nước phương Tây khác làm theo Mỹ thì mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng tên lửa vào thủ đô của Nga là điều không thể tránh khỏi, bởi tên lửa Storm Shadow mà Anh-Pháp cung cấp cho Kiev có tầm bắn lên tới 550km" - ông Ermakov nhận định.
Moscow tuyên bố về cách ông Putin đáp trả
Phản ứng trước thông tin Mỹ-Anh-Pháp cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 18/11 nêu rõ về phương thức đáp trả mà Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập.
"Tổng thống [Putin] đã lên tiếng về vấn đề này" – Bà Zakharova cho hay. "Ông nói điều đó có nghĩa các nước NATO đang trực tiếp chiến đấu chống lại Nga".
Nhà ngoại giao Nga nhắc lại phát ngôn của ông Putin vào tháng 9 năm nay, trong đó nêu rõ "việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột", đồng thời so sánh các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây "gần giống với hành động xâm lược".
Theo bà Zakharova, ngay từ thời điểm đó, Tổng thống Nga đã đề cập tới phương thức đáp trả. Cụ thể, "Moscow không loại trừ khả năng sẽ cung cấp vũ khí cho các khu vực khác trên thế giới mà từ đó, các cuộc tấn công có thể được phát động nhằm vào mục tiêu ở những nước cung cấp vũ khí cho Kiev".
"Nếu họ cho rằng có thể chuyển những loại vũ khí như vậy đến khu vực chiến đấu để tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ của chúng tôi và gây khó khăn cho chúng tôi, thì tại sao chúng tôi không có quyền cung cấp vũ khí cùng loại cho một số khu vực trên thế giới, nơi chúng có thể được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào các cơ sở nhạy cảm của các quốc gia làm điều đó với Nga?" – Ông Putin nói.
Bà Zakharova đề cập thêm rằng, vào mùa thu năm nay, ông Putin đã đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga, trong số các sửa đổi có quyết định "coi hành động xâm lược của một quốc gia phi hạt nhân – nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân – là một cuộc tấn công chung (nhằm vào Nga)".
Đời sống Pháp luật