Thêm chuyển động mới tại Eximbank: Khối ngoại bán ròng gần 74,5 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 2.900 tỷ
Số cổ phiếu trên tương đương gần 6,06% vốn của Eximbank. Đây là phiên bán ròng mạnh nhất của khối ngoại trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm qua.
- 26-10-2022Hai thành viên HĐQT Eximbank xin từ nhiệm
- 22-10-2022Eximbank trở lại “đường đua”
- 06-10-2022Chuyển động mới tại Eximbank
Phiên giao dịch hôm nay (28/10) chứng kiến giao dịch khối lượng lớn của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu EIB của Eximbank.
Theo đó, khối ngoại đã bán ra gần 74,5 triệu đơn vị trong khi mua vào chỉ hơn 37.000 đơn vị. Tính chung, khối ngoại bán ròng hơn 74,4 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 2.933 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phiếu này được sang tay cho nhà đầu tư trong nước theo theo hình thức thỏa thuận.
Với hơn 74,4 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng gần 6,06% vốn ngân hàng, đây là phiên bán ròng mạnh nhất của khối ngoại tại EIB trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm qua.
Trước đó, một quỹ ngoại của VinaCapital là VOF Investment Limited (VOF) cũng đã bán ra toàn bộ số cổ phần EIB nắm giữ vào đầu tháng 3. Được biết, VOF từng nắm giữ khoảng 61 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 4,93% vốn điều lệ của Eximbank.
Hiện, Eximbank chỉ có duy nhất một cổ đông lớn nước ngài là SMBC và tổ chức này cũng đang có những động thái cho thấy khả năng thoái vốn. Theo đó, ngày 18/3/2022, định chế tài chính đến từ Nhật Bản đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
Eximbank và SMBC đã tham gia vào liên minh chiến lược từ năm 2007, và sau đó SMBC đã mua lại 15% vốn cổ phần của ngân hàng. Cả hai đã tham gia hợp tác trong nhiều hoạt động tại Việt Nam. "Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng trong môi trường kinh doanh đã dẫn đến việc cả 2 bên đồng ý ngưng liên minh", SMBC cho biết.
Dù chấm dứt liên minh với Eximbank, nhưng bất kỳ giao dich cổ phiếu EIB nào của SMBC cũng phải báo cáo trước. Do đó, số cổ phiếu được khối ngoại bán ra trong phiên 28/10 không phải của tổ chức này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB bất ngờ giảm sâu 6,2% trong phiên giao dịch 28/10, xuống còn 39.400 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này đã thể hiện phong độ ấn tượng khi bật tăng hơn 38% kể từ cuối tháng 8, bất chấp xu hướng giảm mạnh của thị trường.
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu EIB liên tục chứng kiến những giao dịch thỏa thuận khủng. Tính từ đầu tháng 10 đến nay đã có gần 378,8 triệu cổ phiếu EIB được sang tay theo hình thức này, giá trị gần 15.275 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến cổ phiếu Eximbank, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công gồm CTCP Tập đoàn Thành Công, Hợp tác xã cổ phần Thành Công và CTCP Phúc Thịnh mới thông báo thoái xong tổng cộng hơn 117,6 triệu cổ phiếu EIB. Các giao dịch này đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, trong thời gian từ ngày 07-31/10 với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Đến ngày 24/10, hai Thành viên HĐQT liên quan đến Tập đoàn này là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân. Trước đó, bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 của Eximbank tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 15/2/2022.
Giới đầu tư kỳ vọng những diễn biến gần đây sẽ có tác động tích cực đối với Eximbank khi sự chia rẽ giữa các nhóm cổ đông có thể chính thức khép lại sau các thương vụ chuyển nhượng cổ phần này.
Chia sẻ tại cuộc họp cổ đông thường niên 2022, bà Lương Thị Cẩm Tú cho biết tình trạng "đấu đá nội bộ" đã kết thúc. Ở nhiệm kỳ VII (2020 – 2025), tức nhiệm kỳ hiện tại, Hội đồng quản trị đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển ngân hàng lên hàng đầu.
Theo bà Tú, HĐQT nhiệm kỳ VII có sự thống nhất và nhất trí cao của cổ đông với tỷ lệ tham dự đại hội lên gần 95%. Đồng thời, không có nhóm cổ đông nào hoặc nhóm lợi ích nào có thể chi phối hoạt động HĐQT Eximbank.
"Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cố gắng đưa Eximbank trở lại quỹ đạo, càng ngày càng đi lên chứ chúng ta hiện nay đang tụt lại quá sâu so với các ngân hàng bạn trên thị trường tài chính Việt Nam", Chủ tịch Eximbank nhấn mạnh.
Thực tế, ngân hàng này đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ khi ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%.
Theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua. Theo đó, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay.
Nhịp sống Thị trường