Thêm giải pháp cho gói tín dụng 120.000 tỉ đồng
Người vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng để mua nhà ở xã hội có thể được hưởng lãi suất ưu đãi 5% trong 5 năm đầu
- 21-06-2024Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội sẽ ưu đãi hơn?
- 21-05-2024Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn giải ngân 'ì ạch'
- 20-05-2024Bộ trưởng Xây dựng: Lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa thu hút người vay
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng (NH) vừa diễn ra, phía NH Nhà nước cho biết đang sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân theo hướng ưu đãi hơn. Bởi, sau hơn 1 năm triển khai, gói này chỉ mới giải ngân chưa tới 1%, khoảng 1.144 tỉ đồng.
Giảm thêm lãi suất cho người mua nhà
Ngày 20-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Thống đốc thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú xác nhận cơ quan này đang nghiên cứu sửa đổi một số nội dung của gói tín dụng này và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua.
Theo ông Tú, NH Nhà nước dự kiến tăng quy mô gói cho vay bằng việc khuyến khích thêm nhiều NH thương mại tham gia cùng với 4 NH (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) đã thực hiện trong hơn 1 năm qua. Đồng thời, tăng thêm mức ưu đãi lãi suất theo hướng người vay sẽ được hưởng lãi suất khoảng 5%/năm, thấp hơn 3 điểm % so với lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của 4 NH Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank.
Tuy nhiên, theo ông Tú, người vay chỉ được hưởng ưu đãi này trong 5 năm đầu tiên, sau đó mức ưu đãi sẽ giảm dần và sẽ kết thúc sau 10 năm để người vay không ỷ lại. Riêng doanh nghiệp (DN) làm NƠXH giữ nguyên mức ưu đãi giảm 1,5-2 điểm % so với lãi suất vay thông thường.
"Vấn đề còn lại là các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết những rào cản khác, nhất là mở rộng đối tượng được mua NƠXH để đông đảo người dân có thể tiếp cận gói tín dụng này" - ông Tú nói.
Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển NƠXH là chương trình do 4 NH thương mại nhà nước tự nguyện huy động vốn để triển khai từ tháng 4-2023, với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2 điểm % so với lãi vay thông thường. Gói tín dụng này từng được giải ngân kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây 1 triệu căn NƠXH đến 2030.
Tuy nhiên, sau một năm triển khai, ngoài 4 NH thương mại cổ phần Nhà nước, đã có thêm hai NH thương mại tư nhân tham gia là TPBank và VPBank, với số tiền 5.000 tỉ đồng mỗi NH nhưng kết quả giải ngân chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỉ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỉ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại là người mua nhà.
NH Nhà nước lý giải nguyên nhân giải ngân chậm là do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp, khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra nguyên nhân là do việc công bố danh mục NƠXH đủ điều kiện vay còn hạn chế. Hiện vẫn còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng, như không bảo đảm điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thế chấp (dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); hoặc đã vay tại các tổ chức tín dụng khác.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng nhận thấy dù Ngân NH Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng mức này còn cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên "chưa thực sự thu hút người vay".
Kiến nghị bổ sung đối tượng vay
Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết cuối tháng 4-2024, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện và tiêu chí vay ưu đãi. Một số thủ tục đã được cắt giảm như điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, giúp chủ đầu tư sớm được công bố danh mục vay vốn để tiếp cận với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các DN chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Hồng Lương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phát triển NƠXH TP HCM, cho rằng để phát huy hiệu quả của gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, các cơ quan liên quan đến cấp phép phải tích cực hỗ trợ DN làm NƠXH. "Chỉ cần xem xét sử dụng đất công phù hợp quy hoạch, cho phép DN thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng, di dời nhằm tạo quỹ đất sạch.
Quan trọng là các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… nên cho phép DN đưa số tiền giải phóng mặt bằng vào giá thành sản phẩm dù chưa định giá đất. Theo đó, DN được hạch toán không quá 10 triệu đồng/m2 đất đền bù, chi phí xây dựng được phân bổ trong khoảng 1 triệu đồng/m2 sàn xây dựng sẽ giúp giá nhà NƠXH phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng của người có thu nhập thấp" - ông Lương nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, kiến nghị xem xét mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói tín dụng này là người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỉ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
Bởi theo ông Châu, về bản chất đây không phải là gói tín dụng ưu đãi NƠXH mà chỉ là gói tín dụng thương mại, lãi suất thấp hơn 1,5 - 2 điểm % so với lãi suất cho vay thương mại, dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án NƠXH, nhà ở công nhân...
Ông Phạm Văn Dương, Giám đốc Agribank Chi nhánh Bình Triệu, đơn vị đang tiến hành các thủ tục tài trợ vốn cho một dự án NƠXH tại TP HCM, cho biết khách hàng đủ điều kiện vay mua nhà dự án này sẽ được tiếp cận 120.000 tỉ đồng. Lãi suất cho vay được triển khai theo hướng thỏa thuận giữa NH và khách hàng nhưng luôn thấp hơn lãi suất cho vay thương mại 1,5-2 điểm %.
Về thời hạn vay, theo ông Dương, các chủ đầu tư sau khi hoàn tất đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án, NH sẽ giải ngân cho vay trong vòng 3 năm để thực hiện dự án. Còn người vay mua nhà, NH sẽ căn cứ vào thu nhập để xác định thời hạn cho vay. Ví dụ, hiện nay một căn hộ NƠXH có giá bán 2-3 tỉ đồng, đòi hỏi một gia đình phải tích lũy được 15 triệu đồng/tháng để trả góp vốn và lãi hằng tháng. Với mức tài chính này, NH sẽ xác định thời hạn vay khoảng 15 năm nhằm phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
Người lao động