Thêm một bên "phản ứng ngược" với giá xăng: Ứng dụng be không tăng giá cước như Grab hay Gojek, mà giảm chiết khấu 10% cho tài xế
Động thái này cũng được đưa ra trong bối cảnh các hãng vận tải cạnh tranh khốc liệt, trong một bức tranh chung là dư địa thị trường lớn trước xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng. Tính đến nay, ứng dụng gọi xe Be đã được tải xuống 10 triệu thiết bị di động với 300.000 tài xế, kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018 đến nay.
Ứng dụng Be trong thông báo mới đây cho biết sẽ không tăng giá tất cả các sản phẩm, dịch vụ để góp phần chung tay vào công tác bình ổn giá sau đại dịch và hỗ trợ các khách hàng của Be. Đồng thời, Be cũng quyết định hỗ trợ giảm chiết khấu lên đến 10% cho các tài xế beCar thân thiết tại Tp. HCM, Bình Dương, Đồng Nai kể từ ngày 17.03.2022, cũng như bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập (lên đến 2 triệu đồng/tuần) cho các tài xế của Be nói chung. Hoạt động này nhằm phần nào giúp tiếp tục đảm bảo đời sống cũng như chia sẻ khó khăn với tài xế trong giai đoạn phục hồi kinh tế, chi phí tăng cao như hiện nay.
Động thái này đi ngược với nhiều đơn vị khác hiện nay. Khi mà, Grab đã thông báo tăng cước tất cả các dịch vụ từ 10/3. Cụ thể, Grab tăng giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Tp.HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.
Vài ngày sau, GoJek cũng tuyên bố sẽ tăng giá các dịch vụ của mình từ 14/3. Tại Hà Nội: giá cước tối thiểu cho các chuyến xe GoRide tăng lên 13.000 đồng và tăng thêm mức 700 - 1.600 đồng cho mỗi km tiếp theo cho các chuyến xe từ 2 - 4km. Các chuyến xe trên 4km có mức tăng thêm 200 - 1.200 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ giao đồ ăn GoFood tại Hà Nội cũng tăng thêm 1.000 đồng, từ 15.000 đồng lên 16.000 đồng. Tại Tp.HCM: cước phí tối thiểu cho 2km đầu tiên của dịch vụ xe ôm công nghệ điều chỉnh lên 11.000 – 13.000 đồng và tăng từ 500 - 900 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ GoFood tăng thêm 1.000 đồng so với bảng giá cũ trước đó.
Trước đó, một đơn vị cũng gây chú ý khi không tăng giá dịch vụ là Tiki. Tiki vừa mới chính thức ra mắt biểu giá vận chuyển mới, áp dụng từ 8/3/2022. Theo đó, biểu phí mới của sàn được điều chỉnh thấp hơn 40% so với biểu phí cũ. Đây là mức phí vận chuyển vô cùng cạnh tranh ở thời điểm hiện tại trên thị trường giao vận của ngành TMĐT. "Biểu phí này sẽ được áp dụng đồng thời với chính sách miễn phí vận chuyển Freeship+ và các ưu đãi miễn phí vận chuyển từ chương trình Tiki Rewards (SEP), nhằm mang lại lợi ích tối đa cùng trải nghiệm vượt trội cho Khách hàng và Nhà bán, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng cao", đại diện của Tiki cho biết.
Trao đổi về thông báo của mình, phía Be cho hay: "Đây cũng là phương châm của Be từ những ngày đầu tiên thành lập trong việc hướng đến là một ứng dụng thuần Việt với chi phí hợp lý, dịch vụ tận tâm - luôn thấu hiểu và phục vụ cho sự tiện ích trong cuộc sống hàng ngày của người Việt, cũng như của các đối tác kinh doanh lựa chọn các dịch vụ của Be".
Động thái này cũng được đưa ra trong bối cảnh các hãng vận tải cạnh tranh khốc liệt, trong một bức tranh chung là dư địa thị trường lớn trước xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng. Tính đến nay, ứng dụng gọi xe Be đã được tải xuống 10 triệu thiết bị di động với 300.000 tài xế, kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018 đến nay. Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường ABI Research tại Việt Nam (2019, 2020), Be Group hiện vươn lên vị trí số hai và là doanh nghiệp Việt duy nhất trong top 3 những ứng dụng gọi xe phát triển nhất trên thị trường.