MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm một điểm nghẽn của Thông tư 06

24-09-2023 - 18:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Thêm một điểm nghẽn của Thông tư 06

Giới chuyên gia nhìn nhận quy định tại khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06/2023 có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có nhóm công ty chứng khoán.

Ngân hàng Nhà nước vào ngày 28/6/2023 đã ban hành Thông tư 06/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/9/2023) với nội dung chủ đạo là siết chặt hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, Thông tư 06/2023 được ban hành với 3 nội dung chính gồm: Bổ sung các mục đích vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao không được cho vay; đốc thúc các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường giám sát với các khoản vay phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán; mua hoặc kinh doanh bất động sản và tạo hành lang pháp lý cho các khoản vay được duyệt thông qua phương tiện điện tử.

Tuy vậy giới chuyên gia nhìn nhận các quy định ở Thông tư này sẽ dẫn đến tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, gồm doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư, sẽ không tiếp cận được tín dụng do "dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh".

Trong ngày 26/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công văn hỏa tốc Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành để nghiên cứu, sửa điểm bất hợp lý trong tiếp cận tín dụng vay, trong đó có lĩnh vực bất động sản nêu tại Thông tư 06/2023.

Sau chưa đầy 1 tuần, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 06) từ 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.

Sự ra đời khẩn trương của Thông tư số 10/2023 cho thấy nhà điều hành đã lắng nghe thị trường và sẵn sàng có sự điều chỉnh phù hợp, qua đó kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Không nổi bật như bất động sản, song giới chuyên gia đánh giá việc áp dụng Thông tư 06/2023 về mặt dài hạn còn gây khó khăn đến một lĩnh vực quan trọng khác, là chứng khoán. Một số ý kiến nhìn nhận, Thông tư 06 sẽ hạn chế các công ty chứng khoán tiếp cận vốn vay, từ đó ảnh hưởng đến nguồn vốn vay margin, và gián tiếp gây khó khăn với thị trường chứng khoán.

Điểm nghẽn tại Thông tư 06

Theo đó, khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06, tổ chức tín dụng (gọi tắt là TCTD) không được cho vay đối với nhu cầu vốn “để gửi tiền”.

Tại bản thuyết trình Dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được đưa ra tháng 6/2022), NHNN lý giải việc bổ sung quy định này trong Thông tư 06 vì “thực tiễn thời gian qua, một số TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp”.

Dù vậy, quy định được đề cập nêu trên có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có nhóm công ty chứng khoán.

Thực tế cho thấy các công ty chứng khoán đều là những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh và phải đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định. Việc nhóm này tham gia đầu tư/kinh doanh giấy tờ có giá do các TCTD phát hành nhằm tối ưu hóa nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh là nghiệp vụ không còn quá xa lạ với giới đầu tư. Tuy nhiên, cần làm rõ rằng, đây không phải hoạt động vay vốn nhằm “chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba”.

Căn cứ vào quy định của pháp luật và thực tiễn kinh doanh, việc TCTD giải ngân cho nhu cầu vốn mua giấy tờ có giá thuộc sở hữu của bên thứ ba (mua trên thị trường thứ cấp) không thuộc trường hợp bị hạn chế như quy định tại Khoản 7 - Điều 8 sửa đổi - Thông tư 06/2023/TT-NHNN.

Mặt khác, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan không có định nghĩa về “gửi tiền”. Tuy nhiên, Khoản 13, Điều 4, Luật các Tổ chức tín dụng quy định: “Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”.

Có thể thấy, giao dịch “gửi tiền” tại TCTD thuộc phạm vi cấm của Khoản 7, Điều 8 sửa đổi, Thông tư 06/2023/TT-NHNN trong trường hợp tiền vay được sử dụng để chuyển trực tiếp cho TCTD nhằm xác lập giao dịch gửi tiền, gửi tiết kiệm, mua giấy tờ có giá do TCTD phát hành sơ cấp. Việc bên vay mua giấy tờ có giá do TCTD phát hành thuộc sở hữu của bên thứ 3 (mua trên thị trường thứ cấp) không làm phát sinh giao dịch “nhận tiền gửi” hay “gửi tiền” trực tiếp giữa bên mua/bên vay với TCTD đã phát hành giấy tờ có giá đó.

Điều này đồng nghĩa không thể đánh đồng giữa các giao dịch vay vốn phục vụ hoạt động đầu tư/kinh doanh giấy tờ của các doanh nghiệp lớn và các trường hợp vay vốn để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp là không phù hợp với thực tiễn kinh doanh.

Theo Hoa Hạ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên