MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm một doanh nghiệp bất động sản phía Nam gửi đơn kêu cứu khẩn cấp

19-02-2020 - 16:30 PM | Bất động sản

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TPHCM (Công ty Kim Oanh) vừa gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng xem xét để “khơi thông” dự án mà doanh nghiệp này đã trúng đấu giá với số tiền bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng nhưng dự án bị tắc không triển khai được hơn 1 năm qua với nhiều lý do.

Theo tài liệu, năm 2010 Công ty Thiên Phú có vay 305 tỷ đồng và gần 19 nghìn lượng vàng của ngân hàng Agribank chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) với tổng số tiền đã quy đổi từ vàng là hơn 1,1 ngàn tỷ đồng. Để đảm bảo cho các khoản vay, Công ty Thiên Phú thế chấp Dự án Khu dân cư Hòa Lân với diện tích gần 500.000m². 

Tuy nhiên, do công ty Thiên Phú gặp khó khăn về tài chính nên ngày 17/4/2015 đã ký biên bản thoả thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ. Ngày 17/6/2015 Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng với Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn ở quận 7, TPHCM bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án KDC Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng. 

Thế nhưng, qua 12 phiên đấu giá kéo dài từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017 việc đấu giá mới thành công khi Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng. Theo Công ty Kim Oanh, sau khi trúng đấu giá doanh nghiệp này còn bỏ chi phí vào dự án này nhiều khoản tiền khác, như thanh toán lãi chậm, chuyển nhượng phần diện tích "da beo" còn lại trong dự án… với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Kim Oanh cho biết sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp này đã thực hiện thủ tục đăng ký làm chủ đầu tư dự án với chính quyền địa phương nhưng luôn bị từ chối. 

Lý do thứ nhất là quy hoạch của khu đất dự án là 55,6ha nhưng Công ty Kim Oanh chỉ trúng đấu giá 49ha nên không đủ điều kiện đăng ký làm chủ đầu tư và yêu cầu Công ty Kim Oanh phải đền bù hết diện tích đất da beo và đất giao thông công cộng còn lại để đủ 55,6ha mới cho phép đăng ký chủ đầu tư dự án. Theo Kim Oanh đúng ra chính quyền địa phương phải cho chủ trương đầu tư dự án thì doanh nghiệp mới có cơ sở để tiến hành đền bù giải phòng mặt bằng. 

Lý do thứ hai do Công ty Kim Oanh chưa thanh toán đủ tiền trúng đấu giá cho Agribank (trong khi đó Agribank có văn bản bảo đảm và đề nghị chính quyền địa phương cho Công ty Kim Oanh đăng ký chủ đầu tư vì đây là điều kiện thanh toán trong Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá). 

Theo đơn tố cáo của Kim Oanh, sự chậm trễ chuyển đổi chủ đầu tư cho doanh nghiệp trúng đấu giá theo đúng quy định pháp luật đã tạo điều kiện cho Công ty Thiên Phú tố cáo không có cơ sở đến Thanh tra Bộ Tư pháp. Sau đó chính quyền địa phương yêu cầu phải có kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp mới cho Công ty Kim Oanh đăng ký chủ đầu tư. 

Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận thanh tra quá trình đấu giá không sai phạm thì Công ty Thiên Phú lại tiếp tục kiện ra Tòa án nhân dân Quận 7 và gây nên muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Chính quyền  tiếp tục yêu cầu phải có kết luận của Tòa án mới cho Công ty Kim Oanh đăng ký chủ đầu tư…

"Hiện tại, Công ty Kim Oanh đã quá sức, cạn kiệt nguồn lực, không thể thực hiện được dự án trong khi số tiền doanh nghiệp bỏ ra quá lớn. Công ty Kim Oanh phải tự lực, phải gồng gánh làm tất cả những gì có thể để vượt qua khó khăn, duy trì các nhà đầu tư, gánh chịu các chi phí thiệt hại nghiêm trọng đối với dự án Hòa Lân tại tỉnh Bình Dương sau khi tham gia mua đấu giá để xử lý nợ xấu cho Ngân hàng nhưng dự án lại bị đóng băng bởi 1 vụ kiện do Tòa án Quận 7 TPHCM thụ lý...", nội dung thư kêu cứu cho biết.

Ngoài ra Công ty Kim Oanh còn đề nghị Bộ Công an nhanh chóng điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhằm mục đích chống phá, triệt hạ hệ thống Công ty Kim Oanh. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét rút hồ sơ vụ án liên quan đến dự án Hòa Lân nói trên lên để nghiên cứu, xem xét toàn diện.

Trước đó, Tập đoàn Novaland cũng đã có thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ Xây dựng để tiếp tục một dự án có diện tích hơn 32ha tại quận 2. Tập đoàn Novaland cùng các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào dự án này khoảng gần 6.000 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể tiếp tục triển khai dự án. 

Việc đình trệ này đã và đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của tập đoàn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của TP.HCM. Do đó, Novaland đã gửi đơn thư giải trình, kêu cứu đến Chính phủ và bộ ban ngành liên quan để xem xét, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục triển khai dự án trong thời gian sớm nhất nhằm giúp ổn định môi trường kinh doanh và tạo sự tin tưởng hơn nữa cho môi trường đầu tư...

Nam Phong

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên