Thêm nguồn lực cho thành phố
Là đầu tàu phát triển của cả nước nhưng TP HCM đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chuyện cũ chưa được xử lý dứt điểm thì những vấn đề lớn mới đã phát sinh. Đó là tình trạng thiếu vốn; đầu tư công lẫn đầu tư tư nhân đều chậm; thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều điều phải bàn...
- 11-05-2023Hà Nội sẽ xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại 4 huyện vùng ven
- 02-05-2023Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thêm thành phố
- 30-04-2023Cần Thơ sẽ xây Khu hành chính tập trung thành phố gần 11 ha tại quận Cái Răng
Vì sao hiện nay một bộ phận cán bộ, công chức ngần ngại, không dám làm? Nguyên nhân một phần là do sự chồng chéo, xung đột của pháp luật. Do vậy, cần tháo gỡ ngay tình trạng thể chế, chính sách, pháp luật chung chung, chồng chéo, nhất là những quy định dưới luật.
Bên cạnh đó, trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo sự chủ động hơn nữa cho TP HCM. Cơ chế "xin - cho" hiện còn rất nặng, thủ tục quá nhiêu khê, mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết. Trong khi TP HCM đặt mục tiêu sau "trận thua đậm" trong quý I/2023 với mức tăng trưởng GRDP chỉ đạt 0,7%, 3 quý còn lại của năm phải là 3 "trận thắng" mà thủ tục như vậy thì làm thế nào?
Đơn cử, để xin phép chỉ định thầu một trường học, thẩm quyền lên tới Thủ tướng mà không phải là chủ tịch UBND TP HCM. Có tiền mà không xài được là vậy.
Mặt khác, cần tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP HCM từ 21% lên 30% để thành phố có nguồn lực đầu tư, phát triển. Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh phải tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố và ổn định lâu dài. Dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 cũng đề cập việc tăng nguồn thu cho TP HCM về mặt đất đai. Tuy nhiên, thu từ việc sắp xếp nhà, đất của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP HCM chưa có sự chuyển động tích cực, vừa qua thu được không đáng kể.
TP HCM đã được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21% nhưng tỉ lệ này là chưa thỏa đáng cho thành phố. Trên thế giới, một số đô thị lớn như Paris - Pháp có tỉ lệ ngân sách để lại là 33%, Seoul - Hàn Quốc 56%, Tokyo - Nhật Bản 36%, New York - Mỹ 42%... TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, cần nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông cần đầu tư rất nhiều bởi hiện nay, TP HCM chưa có một đường vành đai hoàn chỉnh, cửa ngõ chưa được mở rộng...
Hy vọng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 với 7 nhóm chính sách, cơ chế sẽ sớm được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho TP HCM. Về lâu dài, cần có Luật Đô thị để xử lý những vấn đề căn cơ của một siêu đô thị như TP HCM, bởi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 vẫn chưa thể giải quyết được toàn bộ vấn đề của thành phố.
(*) Lược ghi ý kiến tại tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển", do Báo Người Lao Động tổ chức.
Người lao động