MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm nhận định tích cực cho kinh tế Việt Nam quý II/2016

Tăng trưởng kinh tế quý II có thể đạt 6,2%, trong khi lạm phát có xu hướng tăng. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng do các FTAs mang lại có thể giúp cho Việt Nam tiếp tục xuất siêu và dòng vốn FDI đổ vào nhiều hơn.

Đó là nhận định được Trung tâm Nghiên cứu của BIDV đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Vĩ mô tháng 5/2016.

Mặc dù tình hình 5 tháng đầu năm bị tác động mạnh bởi thiên tai, hiện tượng cá chết miền Trung, ảnh hưởng du lịch và nông nghiệp, làm cho cầu tiêu dùng giảm nhẹ, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước theo đánh giá của BIDV.

Đồng thời, với quyết tâm hỗ trợ DN mạnh mẽ của chính phủ, xuất khẩu tăng trưởng khả quan, FDI đăng ký và số DN thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ, giá dầu thế giới có xu thế hồi phục, triển vọng tăng trưởng do các FTAs mang lại, BIDV dự báo tăng trưởng GDP quý II đạt 6,0-6,2% (theo đó tăng trưởng GDP 6 tháng là 5,7-5,8%); GDP cả năm đạt 6,5-6,7%.

Đối với chỉ số CPI, dự báo có thể tăng dần trong quý II/2016, do giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, tình hình hạn hán khiến giá nông sản tăng, xu hướng tăng trưởng tín dụng, nên dự báo CPI 6 tháng tăng 2,5%-3% so với đầu năm.

Hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng được dự báo sẽ tiếp tục tích cực, với kim ngạch với kim ngạch xuất khẩu đạt 82,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 80,5 tỷ USD, xuất siêu đạt 2 tỷ USD nhờ triển vọng tích cực của một số nền kinh tế lớn (như Mỹ, EU) cũng như cam kết hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong năm 2016.

Đồng thời, sự khởi sắc của dòng vốn FDI trong 5 tháng đầu năm với hơn 10 tỷ USD cũng cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ của Cộng đồng doanh nghiệp Quốc tế đối với môi trường kinh doanh và cam kết của Chính phủ Việt Nam.

Dự báo, kỳ vọng từ hiệp định TPP và FTA Vietnam-EU, cùng những kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong khi vĩ mô ổn định, triển vọng thu hút vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2016 được đánh giá sẽ khả quan, ước đạt 8,5-9 tỷ USD, FDI giải ngân ước đạt 6,5-7 tỷ USD.

Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu đề ra, cơ quan nghiên cứu của BIDV cho rằng Chính phủ và các bộ ngành cần khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai nghị quyết 35 về hỗ trợ DN.

Trong đó tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng cho DN trong tiếp cận nguồn lực; xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa….

Tiếp tục thực hiện triển khai luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trên cơ sở xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; chiến lược phát triển thị trường trong nước; vùng nguyên liệu cho các ngành;

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; kết nối mạng lưới khởi nghiệp quốc gia với mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu.

Trong quản lý chi tiêu ngân sách, cần thực hiện chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi, sử dụng hiệu quả vốn vay của Nhà nước, cơ cấu ngân sách, tăng cường quản lý nợ công hiệu quả;

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, cần xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp; đánh giá cơ hội và nguy cơ khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; sửa đổi chính sách pháp luật phù hợp với cam kết quốc tế; đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hoá dịch vụ và đầu tư…

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên