Thêm nhiều cảnh báo rủi ro với các ngân hàng Trung Quốc
Các ngân hàng Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp chưa từng thấy để tránh nhận diện các khoản nợ xấu, tìm mọi cách bảo vệ chính họ và những người đi vay khỏi sự sụp đổ kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
- 28-02-2020Quá phụ thuộc vào Trung Quốc, kinh tế Úc dần "nhận quả đắng"
- 28-02-2020“Muốn khóc 100 lần mỗi ngày”: Nỗi hoang mang và cô độc ít ai hiểu của những thai phụ Trung Quốc thời dịch virus corona
- 28-02-2020Trung Quốc "hắt hơi", ngành may mặc toàn Đông Nam Á "sổ mũi", Việt Nam có thể còn chịu tác động lớn hơn
Một số biện pháp được thực hiện như cho vay tuần hoàn (rollover loans - cho phép người vay được tiếp tục nợ tiền vay sau ngày trả nợ khoản vay quy định trên hợp đồng tín dụng và người vay đồng ý trả lãi suất ở mức lãi suất mới với kỳ hạn mới) đối với các công ty có nguy cơ thanh toán trễ hạn và nới lỏng các quy định phân loại nợ quá hạn. Một số ngân hàng còn cố gắng tìm cách để không phải báo cáo các khoản nợ quá hạn trên hệ thống chấm điểm tín dụng thậm chí cho phép người đi vay không phải thanh toán lãi trong vòng 6 tháng.
Các động thái này sẽ kéo dài thời gian trả nợ cho các doanh nghiệp Trung Quốc và cả ngành công nghiệp trị giá 41 nghìn tỷ USD của quốc gia này sau khi dịch bệnh bùng phát khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên trì trệ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích e ngại rằng sự tích tụ rủi ro tiềm ẩn trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Trung Quốc đang làm đảo ngược những nỗ lực tăng tính minh bạch của hệ thống tài chính trong nhiều năm qua và làm suy yếu "sức khỏe tài chính" trong dài hạn của chính các ngân hàng.
Harry Hu, một nhà phân tích tín dụng tại S&P Global cho biết, dù các động thái này sẽ giúp cho ngân hàng và người đi vay "dễ thở" hơn nhưng nó cũng có thể sẽ làm suy yếu các tiêu chuẩn trong quản trị rủi ro tín dụng, khiến cho một số ngân hàng Trung Quốc không còn uy tín trong tương lai. Đầu tháng này, S&P cũng cho biết tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh kéo dài có thể khiến tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc tăng hơn gấp ba lần lên khoảng 6,3%, tương đương mức tăng 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (800 tỷ USD) nợ xấu.
Nỗ lực của các ngân hàng và cơ quan quản lý nhằm giảm bớt nợ xấu là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính phủ Trung Quốc nhằm củng cố nền kinh tế. Ngoài việc bơm hàng tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính để giúp các ngân hàng gia hạn các khoản nợ dễ dàng hơn, chính phủ cũng đã cắt giảm lãi suất, giảm thuế và cam kết áp dụng các chính sách tài khóa thích hợp.
Sự bùng phát của Covid-19 đã thay đổi trật tự các vấn đề ưu tiên của chính phủ. Trong một cuộc họp báo tuần này, Ye Yanfei, một quan chức của Ủy ban điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc, cho biết các nhà hoạch định chính sách cần phải "khoan dung" hơn khi nói đến các khoản nợ xấu bởi hiện tại "việc cứu trợ các doanh nghiệp cũng là tự cứu chính các ngân hàng", Ye Ye nói.
Leland Miller, giám đốc điều hành của China Beige Book cho biết, khả năng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trước các cú sốc kinh tế là một lợi thế của hệ thống tài chính tập trung. "Khi bạn có một Đảng kiểm soát tất cả các hoạt động của nền kinh tế - bạn có ngân hàng nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước vay và bạn cũng có ngân hàng nhà nước cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay", ông Miller trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV. "Thanh khoản sẽ không bao giờ bị đóng băng giống như cách mà một hệ thống tài chính thương mại hoạt động."
Tuy nhiên, ngay cả khi các ngân hàng Trung Quốc "mở van tín dụng", rất nhiều doanh nghiệp vẫn phải vật lộn để đảm bảo họ có đủ nguồn tài chính để duy trì hoạt động.
Một cuộc khảo sát về các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc được thực hiện trong tháng này cho thấy 1/3 số doanh nghiệp được hỏi có đủ tiền mặt để trang trải chi phí cố định trong một tháng, với 1/3 khác trả lời rằng số tiền đó sẽ hết trong vòng hai tháng. Theo Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia Trung Quốc, năm 2018 có khoảng 2/3 trong tổng số 80 triệu doanh nghiệp nhỏ của nước này, bao gồm cả những cửa hàng bán nhỏ lẻ, không có khả năng tiếp cận các khoản vay.
Vẫn cần phải xem xét liệu lợi ích của việc trì hoãn các khoản nợ xấu có lớn hơn tác động tiêu cực mà nó mang lại hay không. Và phần lớn việc này sẽ phụ thuộc vào việc chính quyền Trung Quốc làm cách nào để nhanh chóng ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh và giúp nước này hoạt động bình thường trở lại. Trước đó, theo Bloomberg Economics, nền kinh tế đã hoạt động được ở mức 50-60% công suất vào tuần trước.
Một sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng tới có thể sẽ giảm bớt những lo ngại rằng các ngân hàng đang che đậy "sức khỏe thực sự" của bảng cân đối kế toán của họ. "Nếu họ có thể vượt qua được đại dịch này, thì những khoản nợ quá hạn sẽ biến mất", ông Zhang Shuaishuai, chuyên gia phân tích tại China International Capital Corp nhận định.
Nhưng điều đó còn cách rất xa. Các nhà phân tích của S&P nhận thấy cần phải cẩn trọng, họ cho rằng có thể mất nhiều năm để ngành công nghiệp trở lại bình thường để có thể nhận diện những khoản nợ xấu. Và kết quả là, trong dài hạn, một số ngân hàng tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.
Tham khảo: Bloomberg