Thêm NovaGroup, cuộc đua mở rộng các chuỗi cửa hàng thực phẩm ngày càng khốc liệt
NovaGroup đặt mục tiêu mở mới 300 cửa hàng NovaMarket trong năm nay và đến 2025 có 2.000 điểm bán. Bách Hóa Xanh có chiến lược mở rộng “thần tốc” ra toàn quốc từ năm 2023. Cả WCM, BHX và Co.op Food đều chưa có lãi tính đến 2021 và ghi nhận khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.
- 15-04-2022NovaGroup không có liên quan đến đợt chào bán cổ phần riêng lẻ của HAGL
- 28-02-2022NovaGroup và Nova Consumer được vinh danh tại lễ trao giải APEA 2021
- 14-12-2021Chủ tịch Bùi Thành Nhơn hoàn tất chuyển nhượng 107 triệu cổ phần NVL, tương đương 12.339,5 tỷ đồng để tăng góp vốn vào NovaGroup
Cuộc đua mở rộng
Vào giữa tháng 3, những cửa hàng tiện lợi, siêu thị thực phẩm Nova Market đã được khai trương. Nova Market là chuỗi siêu thị mini thuộc Nova Commerce – thành viên của Nova Consumer thuộc NovaGroup. Sản phẩm được bán tại đây gồm thực phẩm (tươi và đông lạnh), đồ uống và dinh dưỡng. Theo lãnh đạo NovaGroup, tập đoàn có mục tiêu mở 300 cửa hàng với nhiều quy mô khác nhau trong năm nay và đến 2025 hơn 2.000 điểm bán.
Nguồn: Novalandexpress
Thêm NovaGroup khiến cho cuộc đua mở rộng các chuỗi cửa hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh ngày càng khốc liệt.
Trong 2 năm 2020-2021, bất chấp dịch bệnh, Saigon Co.op triển khai mở rộng chuỗi cửa hàng Co.op Food không chỉ tại TP HCM mà còn ra các tỉnh miền Nam và miền Trung như Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương, Phú Yên, Đà Nẵng để đạt mốc gần 400 cửa hàng. Trong các tháng đầu năm, chuỗi tiếp tục khai trương cửa hàng mới tại các tỉnh miền Bắc như Hà Tĩnh, Thanh Hóa.
Saigon Co.op đặt mục tiêu trong năm 2022 mở thêm 100 cửa hàng theo mô hình thực phẩm hàng tiêu dùng mini này để nâng tổng số lượng lên gần 500 cửa hàng, phủ sóng từ Bắc đến Nam. Hệ thống của Saigon Co.op bao gồm siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, cửa hàng tiện lợi… Trong định hướng phát triển chung, Saigon Co.op dự kiến mở từ 3 đến 5 điểm bán lẻ là siêu thị, đại siêu thị và 80-100 điểm bán lẻ nhỏ.
Chuỗi bán lẻ thực phẩm hàng tiêu dùng lớn nhất hiện nay là WinMart/WinMart+ thuộc WinCommerce (WCM)– đơn vị thành viên Tập đoàn Masan ( HoSE: MSN ). Tính đến cuối quý I, chuỗi này có 2.832 cửa hàng gồm 124 WinMart và 2.708 WinMart+, tăng thêm 109 cửa hàng mới trong 3 tháng đầu năm và tăng thêm 354 cửa hàng so với đầu năm 2021.
Tập đoàn đặt mục tiêu khá tham vọng là có 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị vào cuối năm nay. Trong đó, WinMart là đại siêu thị lớn tương tự Co.opXtra, còn WinMart+ có mô hình tương tự cửa hàng tiện lợi nhưng cũng có mặt hàng thực phẩm tươi sống và đang hướng đến mô hình đa tiện ích gồm nhiều dịch vụ đi kèm như ngân hàng tự động Techcombank, trà và đồ uống Phúc Long, nhà thuốc Phano, nhà mạng mới Reddi…
Chuỗi bán lẻ thực phẩm hàng tiêu dùng lớn thứ 2 là Bách Hóa Xanh (BHX) của Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ). Ngay từ khi thành lập, chuỗi đã đặt mục tiêu cạnh tranh các chợ truyền thống với tỷ lệ sản phẩm tươi sống cao trong danh mục. Trong vòng 3 năm (2019-2021), số lượng cửa hàng đã tăng từ 1.008 lên 2.106. MWG có kế hoạch tạm ngưng mở mới cửa hàng trong năm nay để tập trung vào cải thiện chất lượng phục vụ, trải nghiệm khách hàng chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng “thần tốc” ra toàn quốc từ 2023 (hiện cửa hàng BHX mới hiện diện ở miền Nam). Tuy nhiên, gần đây, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ sẽ “bật đèn xanh” cho mở mới cửa hàng từ quý IV. Mặc dù ngưng mở mới nhưng số lượng cửa hàng BHX tăng thêm cũng đạt 34 nâng lên 2.140 cửa hàng trong 4 tháng đầu năm.
Được đánh giá thị trường tiềm năng nhưng hầu hết chưa có lãi
Chuỗi cửa hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người. Do vậy, ngay cả trong điều kiện dịch bệnh, các chuỗi này vẫn được duy trì hoạt động, dù hình thức có thể hạn chế so với thông thường. Mặt khác, trong đợt dịch bùng phát mạnh ở khu vực miền Nam, đặc biệt là TP HCM, các chuỗi này cũng thu hút được thêm lượng lớn người tiêu dùng khi các chợ truyền thống phải đóng cửa.
Với dân số gần 100 triệu dân, lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam rất tiềm năng. Đồng thời, theo báo cáo của Masan Group, lĩnh vực này còn khá phân mảnh và hoạt động thiếu hiệu quả. Kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số, WCM dù là doanh nghiệp dẫn đầu nhưng chỉ chiếm 2-3% tổng thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm và toàn kênh mua sắm hiện đại mới chiếm khoảng 10%.
Tập đoàn cũng cho rằng một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa đạt 50% và tầng lớp trung lưu (với mức thu nhập bình quân đầu người 5.000 USD/năm) thực sự xuất hiện. Các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm trong tương lai.
Chính vì tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển, các chuỗi bán lẻ như WinMart/WinMart+, BHX, Co.op Food… đang miệt mài mở rộng thị phần và chưa ghi nhận có lãi. Theo dữ liệu Người Đồng Hành, trong 3 năm gần đây, 3 chuỗi thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất vẫn liên tục thua lỗ nhưng mức lỗ giảm dần.
Cụ thể, WinCommerce ghi nhận doanh thu ở vùng 28.000 - 30.000 tỷ trong giai đoạn 2019-2021. Tính đến 2021, chủ sở hữu chuỗi WinMar/WinMar+ còn lỗ sau thuế 148 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 3.221 tỷ đồng năm 2020 và 524 tỷ đồng năm 2019 (lỗ ít do ghi nhận doanh thu tài chính đột biến). Tổng lỗ lũy kế tính đến cuối năm trước ở mức 3.888 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
Với chuỗi BHX, doanh thu liên tục tăng mạnh từ 10.773 tỷ đồng năm 2019 lên 28.216 tỷ đồng năm 2021. Trong khi, lỗ sau thuế giảm từ 1.926 tỷ đồng của năm 2020 xuống 1.188 tỷ đồng năm vừa qua và ghi nhận tăng nhẹ so với 2019 (1.055 tỷ đồng). Sau 6 năm hoạt động, chuỗi lỗ lũy kế 4.950 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
Tương tự, doanh thu chuỗi Co.op Food cũng tăng đáng kể từ 3.549 tỷ đồng lên 4.347 tỷ đồng trong 3 năm qua, lỗ giảm dần từ 451 tỷ về 254 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tính đến cuối năm trước âm 1.642 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
Người đồng hành