MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm quỹ đất công nghiệp cho TP HCM, cách nào?

05-07-2024 - 09:50 AM | Bất động sản

Tình trạng thiếu quỹ đất cho sản xuất công nghiệp kéo dài nhiều năm khiến TP HCM mất cơ hội tiếp nhận các dự án đầu tư mới, nhất là dự án công nghệ cao.

Bên cạnh việc liên tục báo cáo tình hình, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về quỹ đất tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) hiện hữu và KCN mới được phê duyệt, Ban Quản lý các KCX và KCN TP HCM (Hepza) đã đề xuất TP HCM bổ sung 11 vị trí đất để phát triển công nghiệp trong tương lai.

Có đất nhưng không cho thuê được

Sáu tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư thu hút vào các KCX-KCN TP HCM đạt 271,99 triệu USD, bằng 49,45% kế hoạch năm. Diện tích đất cho thuê đạt 5,05 ha; diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 24.907 m2.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý đầu tư Hepza, cho biết năm 2024, TP HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư 550 triệu USD vào các KCX-KCN. Thống kê của các công ty hạ tầng cho thấy thành phố có 73 ha đất công nghiệp có thể thu hút đầu tư nhưng 6 tháng đầu năm chỉ cho thuê được trên 5 ha. "Điều đó cho thấy sản phẩm chúng ta có nhưng khó thu hút đầu tư do quỹ đất manh mún, không liền mảnh, liền thửa. TP HCM chú trọng thu hút đầu tư dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số - là những dự án cần có quỹ đất lớn để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Hiện tại, quỹ đất không đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư" - bà Ngọc cho hay.

Nói thêm về những khó khăn về quỹ đất, bà Ngọc cho rằng đây là vấn đề nan giải, đã tồn tại từ nhiều năm nay, chủ yếu liên quan đền bù giải phóng mặt bằng, vướng tài sản công...

Theo quy hoạch đến năm 2020, TP HCM có 22 KCX-KCN với diện tích tập trung là 5.914 ha. Đến nay, 3 KCX và 16 KCN đã được thành lập với tổng diện tích đất hơn 4.546 ha, đạt 77% tổng diện tích đất quy hoạch. Khoảng 80% diện tích tại các KCX-KCN đang khai thác đã lấp đầy; phần còn lại phân tán, manh mún, "da beo" nên không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Trong khi đó, một số KCN như Tây Bắc Củ Chi, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Lê Minh Xuân 2, Hiệp Phước... thì chậm triển khai giai đoạn mở rộng theo quy hoạch để có thêm quỹ đất tiếp nhận đầu tư. Chẳng hạn, KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 còn đến 500 ha chưa khai thác, KCN Lê Minh Xuân II có đến 300 ha đất sạch nhưng lại vướng mắc pháp lý.

Năm 2023, thành phố được Chính phủ bổ sung quy hoạch KCN Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) với diện tích 668 ha song theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) hạ tầng, sớm nhất phải đến năm 2026-2027 mới có đất để cho thuê. Trong đó, KCN Phạm Văn Hai I đang triển khai các bước chuẩn bị cho giai đoạn lập quy hoạch, lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Còn với KCN Lê Minh Xuân II, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để sớm đưa dự án vào triển khai. "Việc vẫn đang chạy, chúng tôi đang cố gắng để tháo gỡ khó khăn cho dự án" - bà Ngọc thông tin.

Thêm quỹ đất công nghiệp cho TP HCM, cách nào?- Ảnh 1.

TP HCM cần tháo gỡ vướng mắc về quỹ đất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh. Trong ảnh: Khu Công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bổ sung 11 KCN: Có khả thi?

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Hepza, nhấn mạnh quỹ đất là một trong những nguyên liệu cơ bản cho thu hút đầu tư. "Nói nôm na là muốn nấu cơm thì phải có gạo, muốn thu hút đầu tư thì phải có quỹ đất. Nhiều năm nay, Hepza liên tục báo cáo về tình trạng thiếu quỹ đất thu hút đầu tư, đề xuất thành phố tháo gỡ khó khăn cho các KCN hiện hữu, các KCN đã có nhưng chưa triển khai được và đề xuất định hướng KCN để thu hút đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên, đến nay khó khăn vẫn còn nguyên" - ông Hà bày tỏ.

Về giải pháp hiện tại, ông Trần Việt Hà cho biết Hepza cố gắng tận dụng thu hút các quỹ đất còn lại, quỹ đất và nhà xưởng do DN hoạt động không hiệu quả chuyển nhượng lại để thu hút mới.

Cũng theo Hepza, hầu hết KCN ở TP HCM đã hoạt động 10-20 năm, quy hoạch đến nay đã lạc hậu so với tiêu chuẩn mới. Các KCN đang rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đối với những khu còn quỹ đất.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Quy hoạch xây dựng Hepza, nêu quan điểm để phát triển công nghiệp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn mới, TP HCM cần bổ sung đất quy hoạch cho các KCN. "Hepza đã phối hợp cùng các sở - ngành, địa phương tìm các khu đất nông nghiệp khai thác không hiệu quả, đề xuất chuyển đổi thành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ kèm theo cho công nghiệp. Chúng tôi cũng có nhiều văn bản góp ý cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Kế hoạch và Đầu tư - 2 cơ quan chủ trì 2 đồ án quy hoạch của TP HCM - đề xuất phát triển 11 vị trí đất thành 11 KCN mới với tổng diện tích khoảng 4.127 ha. Chúng tôi đang đeo bám sát sao để đưa các vị trí này vào quy hoạch chung" - ông Bình thông tin.

Ở góc độ DN, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP HCM (HBA), cho rằng đề xuất đưa vào quy hoạch 11 KCN mới là nhằm tính toán cho tương lai. Việc cần làm trước mắt là làm sao gỡ vướng gấp cho những KCN đã được Chính phủ phê duyệt, giải quyết vướng mắc từng khu và tập trung xử lý để đưa quỹ đất sạch vào thu hút đầu tư.

"Với 22 KCX-KCN đã được quy hoạch, đến nay vẫn chưa triển khai đủ số lượng nên nếu cần thiết có thêm KCN thì cần ưu tiên triển khai theo quy hoạch có sẵn. Với những KCN đã có sẵn và KCN mới được quy hoạch, từng khu có những vướng mắc riêng về quỹ đất, cần tập trung gỡ vướng. Nhiều năm nay, thành phố đã nhìn thấy những khó khăn này, đã họp bàn và triển khai các giải pháp rồi nhưng vẫn chưa xử lý được. Vì vậy, các giải pháp cần được triển khai một cách quyết liệt hơn để mang lại hiệu quả" - ông Đức đề xuất. 

Bỏ lỡ nhiều cơ hội

Ông Đào Xuân Đức phản ánh KCN Phạm Văn Hai được chuyển đổi từ đất nông trường. Các việc cần làm là tiến hành thu hồi đất, bổ sung quy hoạch rồi đấu giá chủ đầu tư... nhưng đã hơn 1 năm kể từ ngày được phê duyệt, việc thực hiện rất chậm. Theo ông Đức, TP HCM có rất nhiều cơ hội thu hút đầu tư công nghệ cao vì những tập đoàn lớn, có thương hiệu đều muốn đến đây nhưng do điều kiện không đáp ứng được mà thành phố bỏ lỡ cơ hội.

"Nghị quyết 98/2023 cho phép thành phố thu hút đầu tư dự án công nghệ cao quy mô 30.000 tỉ đồng nhưng thành phố lấy đâu ra diện tích đất 200-300 ha cho dự án này? Nhiều dự án công nghệ cao đã tìm đến TP HCM nhưng do chúng ta không có quỹ đất nên họ phải chuyển hướng đến các địa phương khác" - ông Đức nêu thực trạng.

Có sự chuyển đổi đầu tư

Theo ông Trần Việt Hà, đang có sự chuyển đổi đầu tư tại các KCX-KCN. Những DN sử dụng công nghệ đơn giản, thâm dụng lao động... dần nhường chỗ cho DN công nghệ cao, lĩnh vực số, phần mềm.

Thời gian qua, một số DN sản xuất công nghệ đơn giản, hoạt động không hiệu quả hoặc hết thời hạn thuê đất đã ngừng hoạt động. Hepza đã tạo điều kiện cho một số chủ đầu tư công nghệ cao thuê lại những phần đất này để mở rộng dự án. "Một DN điện - điện tử ở KCX Linh Trung đã thuê thêm đất, đầu tư hơn 30 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất. Hoặc, KCX Tân Thuận có khoảng 250 dự án đang hoạt động, có rất nhiều dự án sản xuất lương thực - thực phẩm, rượu, rau củ quả... còn hoạt động nhưng sự chuyển đổi đang diễn ra" - ông Hà dẫn chứng.

Ông Hà nói thêm hiện một số nhà đầu tư có nhu cầu mở trung tâm dữ liệu tại các KCN. Trung tâm dữ liệu là một trong những ngành mới, ra đời trong những năm gần đây, đòi hỏi nguồn điện lớn, ổn định và hạ tầng đủ đáp ứng băng thông đường truyền của dữ liệu. Các KCX-KCN TP HCM đã hình thành gần 30 năm, buộc phải chuyển đổi quy hoạch để đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư các ngành nghề mới này.


Theo Thanh Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên