Thêm số liệu củng cố cho “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ
Doanh số bán lẻ của Mỹ không thay đổi trong tháng Sáu, khi doanh thu tại các đại lý ô tô giảm được bù đắp bằng sức mua ở những lĩnh vực khác.
- 17-07-2024Thị trường háo hức chờ đợi, dự đoán khả năng 100% Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9
- 17-07-2024Dow Jones tăng bốc hơn 700 điểm, lập đỉnh hơn 1 năm khi nhà đầu tư kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất
- 16-07-2024Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố chờ lạm phát về 2% là quá lâu: Thời điểm Fed hài lòng cắt giảm lãi suất đang đến gần?
Điều này cho thấy khả năng phục hồi của người tiêu dùng đã thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II/2024.
Báo cáo mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 16/7 cho biết doanh số bán lẻ tháng 6/2024 không thay đổi so với tháng Năm, trong khi mức tăng của tháng Năm cũng được điều chỉnh tăng từ 0,1% lên 0,3%.
Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đã dự báo doanh số bán lẻ của Mỹ - chủ yếu là hàng hóa và không được điều chỉnh theo lạm phát - sẽ giảm 0,3%.
So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ đã tăng 2,3% và chậm lại đáng kể so với mức tăng 7,7% được ghi nhận vào tháng 1/2023.
Doanh số bán lẻ của Mỹ không thay đổi trong tháng Sáu. Ảnh minh họa.
Doanh số bán lẻ cốt lõi (không bao gồm ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống) đã tăng 0,9% trong tháng trước sau khi tăng 0,4% trong tháng 5. Cái gọi là doanh số bán lẻ cốt lõi này tương ứng chặt chẽ nhất với thành phần chi tiêu tiêu dùng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các nhà kinh tế hiện ước tính rằng chi tiêu của người tiêu dùng - vốn đóng góp hơn 2/3 cho nền kinh tế Mỹ - đã tăng trưởng với tốc độ 2,0% hàng năm trong quý II/2024. Trước đây, họ đã dự báo chi tiêu của người tiêu dùng sẽ bằng mức 1,5% đã ghi nhận trong quý đầu tiên. Hiệu suất mạnh mẽ trong doanh số bán lẻ cốt lõi đã tạo điều kiện để chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng cao hơn trong quý III năm nay, đồng thời hỗ trợ triển vọng của nền kinh tế.
Fed chi nhánh Atlanta đã nâng ước tính tăng trưởng GDP quý II/2024 từ 2,0% lên 2,5%. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 1,4% trong quý đầu tiên của năm nay.
Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản đối với chi tiêu của người tiêu dùng. Hầu hết các hộ gia đình đã cạn kiệt số tiền tiết kiệm tích lũy trong đại dịch COVID-19 và đang gánh rất nhiều khoản nợ thẻ tín dụng. Khoản nợ này ngày càng trở nên đắt đỏ hơn do chi phí vay cao hơn.
Sau một thời gian lạm phát cao, các hộ gia đình đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế rẻ hơn, thể hiện rõ trong báo cáo thu nhập từ các nhà bán lẻ và nhà sản xuất lớn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi là 4,1% vào tháng 6 cũng làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế "hạ nhiệt" và phần nào củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng này.
Song những đặt cược về một đợt hạ lãi suất vào tháng Bảy đã bị hủy bỏ vào ngày 15/7, khi các phát biểu tại một sự kiện ở Washington của Chủ tịch Fed Jerome Powell không cho thấy khả năng một động thái như vậy sắp xảy ra.
Thị trường tài chính vẫn kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng Chín, sau đó tiến hành các đợt cắt giảm bổ sung vào tháng 11 và tháng 12.
VTV