Thêm thuận lợi cho gạo Việt
Việc giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ hỗ trợ giá lúa gạo Việt Nam duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, nhu cầu gạo của các thị trường trên thế giới cũng đang ở mức cao.
- 17-06-2024Ấn Độ cấm xuất khẩu, một quốc gia có diện tích gấp 2 lần Việt Nam bất ngờ trở thành 'thủ phủ' gạo mới của thế giới, cung cấp hơn 5 triệu tấn ra thị trường toàn cầu
- 15-06-2024Nhu cầu của thị trường tác động mạnh tới giá gạo Ấn Độ và Thái Lan
- 15-06-2024Giá xuất khẩu gạo tăng mạnh, doanh nghiệp có hết lo?
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự điều chỉnh giảm. Giá gạo xuất khẩu có sự biến động nhẹ. Tuy nhiên, Philippines vừa công bố quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu mặt hàng gạo từ mức 35% xuống còn 15%, thời gian áp dụng tới năm 2028. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu gạo này của Philippines có thể sẽ tạo thêm thuận lợi và gia tăng cơ hội cho gạo Việt Nam tại thị trường này.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, việc giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ hỗ trợ giá lúa gạo Việt Nam duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, nhu cầu gạo của các thị trường trên thế giới cũng đang ở mức cao.
Về thị trường trong nước, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại lúa tuần qua có sự giảm giá khá như: IR 50404 từ 7.000 – 7.200 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; OM 5451 từ 6.900 – 7.000 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg; riêng Đài thơm 8 từ 7.200 – 7.400 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg và OM 18 từ 7.200 – 7.400 đồng/kg, cũng giảm 400 đồng/kg. Riêng lúa Nhật vẫn không đổi từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…
Nông dân Đồng Tháp đang tích cực thu hoạch lúa Hè Thu, năng suất diện tích đã thu hoạch bình quân đạt 72 tạ/ha, tăng hơn 3 tạ/ha so cùng kỳ năm 2023.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá thành sản xuất lúa Hè Thu dao động từ 3.458 - 3.667 đồng/kg, lợi nhuận dao động 26,2 -32,1 triệu đồng/ha, tăng từ 3,4 - 9,1 triệu đồng/ha so cùng kỳ.
Tại Tiền Giang, nông dân bắt đầu xuống giống vụ Hè Thu từ đầu tháng 6/2024 theo lịch thời vụ xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy. Đến giữa tháng 6, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được gần 19.000 ha, đạt gần 43% kế hoạch. Bà con đang khẩn trương xuống giống dứt điểm trà lúa Hè Thu trong tháng này.
Nhu cầu gạo của các thị trường trên thế giới cũng đang ở mức cao
Để nâng chất lượng hạt gạo xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân tập trung sử dụng các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất – tiêu thụ, bao tiêu như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451…
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm được chào bán ở mức 570 USD/tấn, so với mức 570-575 USD/tấn của tuần trước.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm còn từ 615 - 620 USD/tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 630 USD/tấn của tuần trước đó.
Nông dân Thái Lan đang chuẩn bị cho vụ mùa thứ hai trong năm sẽ bắt đầu vào tháng tới. Dự báo năng suất tốt khiến giá gạo của Thái Lan, vốn đang cao hơn nhiều so với gạo các nước khác, giảm nhẹ, ước dao động trong khoảng 610-615 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo của Ấn Độ đã chạm đỉnh của gần ba tháng, nhờ nhu cầu mở rộng và chính phủ tăng giá thu mua lúa cho vụ mùa tới. Gạo đồ 5% tấm được báo giá là từ 544 - 552 USD/tấn, tăng so với mức từ 539 - 546 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) cho biết, động thái tăng giá mua lúa vụ mới thêm 5,4% của Chính phủ Ấn Độ đã góp phần đẩy giá gạo đi lên. Tuy nhiên, người này cho rằng, ngay cả khi giá tăng thì nhu cầu của người mua nước ngoài vẫn rất lớn, do gạo Ấn Độ vẫn rẻ hơn so với gạo của các nước khác.
VTV