Thêm vụ mất tiền tỉ hy hữu tại Eximbank
Có chi tiết "lạ" cho thấy lỗ hổng quản trị khá lớn ở Eximbank: Nhân viên đã nghỉ việc mà vẫn làm được thủ tục rút, chiếm đoạt hơn 34 tỉ đồng của khách từ hệ thống ngân hàng này.
- 08-03-2018Eximbank công bố thông tin về vụ khách hàng mất 245 tỷ
- 07-03-2018Bà Chu Thị Bình có khởi kiện Eximbank hay không?
- 07-03-2018Khách hàng bị chiếm đoạt 245 tỉ đồng: Eximbank vẫn chần chừ
Trong khi vụ bà Chu Thị Bình, khách hàng bị mất 245 tỉ đồng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chưa lắng dịu khi NH này vẫn khăng khăng chờ phán quyết của tòa án mới trả tiền thì 6 khách hàng khác gửi tiết kiệm tại Eximbank cũng đang sốt ruột khi đã mất hơn 50 tỉ đồng do bị nhân viên tại Phòng Giao dịch (PGD) Eximbank Đô Lương (tỉnh Nghệ An) "phù phép" chiếm đoạt.
Ngày 14-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư đại diện cho khách hàng gửi tiết kiệm bị mất tiền tại Eximbank Đô Lương cho biết đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Eximbank, yêu cầu trả lại tiền trước khi tòa xét xử. Lãnh đạo Eximbank nói sẽ có phản hồi với luật sư đại diện các khách hàng trong tuần này về hướng giải quyết vụ việc.
Hiện kết luận điều tra vụ án đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An chuyển sang VKSND tỉnh Nghệ An, đề nghị truy tố. Dự kiến vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong tháng 4-2018.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2012 đến tháng 8-2016, Nguyễn Thị Lam (nhân viên ngân quỹ PGD Eximbank Đô Lương) đã có hành vi lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, giả mạo chữ ký của khách hàng và lừa dối nhân viên NH... Bằng các thủ đoạn này, Lam đã rút ra khỏi hệ thống Eximbank số tiền hơn 50 tỉ đồng, là số tiền chiếm đoạt của 6 khách hàng gửi tiết kiệm tại đây.
Cụ thể, từ tháng 3-2011 đến tháng 4-2016, Nguyễn Thị Lam được giao nhiệm vụ thu, chi tiền mặt, quản lý, kiểm tra hồ sơ thế chấp vay vốn của khách hàng; huy động vốn và cho vay theo chỉ tiêu. Để đạt chỉ tiêu được giao, Lam đã tự ý trả lãi suất cho khách hàng cao hơn mức lãi suất của NH. Trong năm 2012-2013, lãi suất NH khoảng 10,5% thì Lam thỏa thuận trả lãi 12%/năm. Đến giai đoạn 2014-2016, lãi suất huy động vốn của Eximbank khoảng từ 4%-6,3%/năm nhưng Lam đã nhận gửi của khách hàng với lãi suất từ 7,5%-12%/năm. Bằng cách này, cô nhân viên NH xây dựng được quan hệ thân thiết với khách hàng lớn (VIP) có tiếng trong vùng gửi tiết kiệm tại PGD Đô Lương.
Đáng chú ý, quy định của Eximbank về dịch vụ phục vụ khách hàng VIP có nêu: Các khách hàng thuộc đối tượng này sẽ được ưu tiên thực hiện nhanh gọn các giao dịch, giải quyết nhanh hồ sơ; được xem xét cung cấp dịch vụ, chi tiền mặt, dịch vụ cho vay tận nơi theo yêu cầu của khách hàng... Từ đây, lãnh đạo PGD Eximbank Đô Lương đã có chủ trương những khách hàng nào của nhân viên nào khai thác thì nhân viên đó chăm sóc, phục vụ.
Trên cơ sở đó, các khách hàng của Lam khi cần rút tiền gửi tiết kiệm gần như không trực tiếp đến NH mà thông qua cô ta. Theo cơ quan điều tra, có trường hợp khi khách rút tiền, Lam sẽ đề nghị giao dịch viên chuẩn bị các chứng từ như lệnh chi, ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền... theo đúng số tiền khách hàng yêu cầu, làm thủ tục nhận tiền tại NH rồi đưa đến cho khách hàng. Sau đó, khách hàng ký nhận các chứng từ rồi Lam đem về hoàn thiện hồ sơ. Có cả trường hợp Lam đưa chứng từ đến cho khách hàng ký khống rồi về làm thủ tục rút tiền, xong mới đem tiền cho khách hàng.
Cơ quan điều tra kết luận: Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký, Lam dùng thủ đoạn như trả tiền lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là chứng từ để khách ký. Sau đó, nhân viên này cầm chứng từ về NH để hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Lam cũng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, cách làm sai quy định của lãnh đạo PGD để chiếm đoạt tiền của khách.
Đáng nói, từ năm 2012 đến tháng 4-2016, Lam rút hơn 15,79 tỉ đồng từ các sổ tiết kiệm của khách hàng VIP. Nhưng sau thời điểm tháng 4-2016, khi đã nghỉ việc ở Eximbank, nữ nhân viên này vẫn lập hồ sơ thủ tục và chiếm đoạt thêm 34,28 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm của các khách hàng trong hệ thống Eximbank. Ngoài ra, hồi năm 2014, Lam có nhận của một khách hàng 570 triệu đồng để mở sổ tiết kiệm nhưng cô ta cũng đã chiếm đoạt nốt số tiền này.
Lỗi của Eximbank nhưng dây dưa trả tiền
Trong kết luận điều tra, cơ quan công an đề nghị Eximbank phải chịu trách nhiệm về thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi và giải quyết yêu cầu của 6 khách hàng gửi tiền tại NH này. Đồng thời, Nguyễn Thị Lam phải bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Eximbank.
Dù vụ án được khởi tố vào năm 2016 và có kết luận điều tra vào tháng 8-2017 song theo luật sư đại diện cho các khách hàng bị mất hơn 50 tỉ đồng, đến nay Eximbank vẫn chưa giải quyết trả tiền, trong khi lỗi rõ ràng thuộc về NH này.
Người lao động