MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Theo bảng xếp hạng này, Mỹ chỉ là "quốc gia hạng hai"

23-06-2017 - 08:18 AM | Tài chính quốc tế

Theo SPI, các quốc gia hạng 2 đã giải quyết được những vấn đề cơ bản như dinh dưỡng, nước và điều kiện vệ sinh. Tuy nhiên, họ kém hơn so với các quốc gia hạng 1 về sự đoàn kết trong xã hội và quyền công dân.

Nước Mỹ dẫn đầu thế giới về khả năng tiếp cận với giáo dục bậc cao, nhưng khi nói đến các khía cạnh sức khỏe, bảo vệ môi trường và chống lại phân biệt chủng tộc, Mỹ bị tụt lại phía sau so với nhiều nước phát triển, theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Social Progress Imperative (SPI).

Bảng xếp hạng các quốc gia dựa trên 50 tiêu chí mà Social Progress Imperative công bố hàng năm càng khẳng định thêm những nhận định được đưa ra trong các báo cáo từng định nghĩa lại mức độ giàu có của 1 quốc gia. Trong báo cáo Hạnh phúc được công bố hồi tháng 3, Na Uy, Đan Mạch và Iceland dẫn đầu bảng xếp hạng chứ không phải Mỹ hay Trung Quốc. Báo cáo Lancet công bố tháng 9 năm ngoái về phát triển bền vững cũng có kết quả tương tự. Iceland, Singapore, Thụy Điển là top 3 trong khi Mỹ đứng thứ 28.

Xếp hạng của Social Progress Index được biên soạn từ các dữ liệu về xã hội và môi trường được đánh giá là rất sát với thực tế. “Chúng tôi muốn đo lường những thành tựu về y tế và của cải mà các quốc gia đã đạt được, chứ không phải các nước nỗ lực như thế nào hay chi bao nhiêu tiền cho y tế”, báo cáo viết. Một lần nữa các nước vùng Scadinavi chiếm top 4, trong đó Đan Mạch đứng số 1. Mỹ xếp thứ 18.

SPI đưa ra báo cáo này một phần để giúp các đô thị và những nhà hoạch định chính sách xác định đúng và giải quyết triệt để các thách thức. Lãnh đạo của SPI cho rằng Mỹ “đang thất bại trong việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người, trang bị cho các công dân đủ những thứ cần thiết để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và cung cấp cơ hội để mọi người dân phát huy tối đa tiềm năng của bản thân”.

Do đó Mỹ bị xếp vào nhóm các quốc gia hạng 2 trong bảng xếp hạng 2017 của SPI (có tổng cộng 6 hạng). Các quốc gia hạng 2 đã giải quyết được những vấn đề cơ bản như dinh dưỡng, nước và điều kiện vệ sinh. Tuy nhiên, họ kém hơn so với các quốc gia hạng 1 về sự đoàn kết trong xã hội và quyền công dân.

Bản thân SPI cũng khẳng định sự giàu có không đảm bảo chắc chắn 1 quốc gia sẽ được xếp vào nhóm hạng 1, bên cạnh đó còn phải đáp ứng được những tiêu chí về tiến bộ xã hội.

Tú Anh

Bloomberg

Trở lên trên