Theo "trend" lập di chúc sớm, người phụ nữ 32 tuổi định để lại tài sản cho con liền bị bố mẹ ruột phản đối: 'Đề phòng người thân gia đình à?'
Ngày càng nhiều người trẻ tại Trung Quốc dù vẫn khoẻ mạnh lại quyết định viết di chúc sớm vì những nỗi sợ riêng. Họ muốn để lại tiền bạc, bất động sản và cả 'tài sản' mang tính chất tinh thần như mật khẩu tài khoản MXH...
- 21-06-2023Cô gái 7 tuổi biết code, 17 tuổi thành thạo 18 ngôn ngữ lập trình, khiến CEO Apple cũng ngỡ ngàng
- 20-06-2023Nơi 'bỏ phố về quê' được khuyến khích bất ngờ: Mỗi người dân nhận hơn 2 tỷ đồng nếu chuyển ra đảo sống, chỉ cần làm thêm 1 việc 'đơn giản'
- 19-06-2023Kỳ lạ bất động sản gần 40 tỷ đồng, đi kèm cả dinh thự và vô số trang trại nhưng người môi giới vẫn khẳng định: 'Không lời lãi lắm'
Lập di chúc khi vẫn còn trẻ và khoẻ mạnh
Hôm nay là ngày người phụ nữ Trung Quốc Vương Phương Trần, 44 tuổi trải qua một “sự kiện trọng đại trong đời”. Cô muốn lập di chúc sớm, việc làm tưởng chừng chỉ dành cho những người cao tuổi hoặc đã “gần đất xa trời”.
Trên thực tế, Vương Phương Trần còn rất khoẻ mạnh, đang làm việc trong ngành tài chính, sống cuộc sống hạnh phúc khi có nhà có xe tại thành phố Bắc Kinh sầm uất. Nhưng tai nạn bất ngờ của mẹ khiến cuộc sống cô Vương đảo loạn, gia đình chia rẽ sâu sắc. Mẹ qua đời đột ngột, cha lặng lẽ cả ngày chỉ ở trong nhà, gia sản chưa chia là nguyên nhân khiến 7 chị em trong nhà rạn nứt tình cảm.
Tuy rằng sau đó gia đình cô Vương đã thống nhất được tài sản thừa kế nhưng quan hệ ruột thịt giờ đây giống như gương vỡ không thể gắn lại. Vương Phương Trần không có con nhưng cô vẫn cảm thấy lo lắng một ngày nếu bản thân đột ngột ra đi, liệu tài sản của cô có lại gây tranh chấp gia đình hay không.
Vậy nên cô Vương quyết định để lại khoản thừa kế cho 2 người cháu gái mà mình tin tưởng nhất, một phần mong họ có thể chăm sóc cô nếu ốm đau bệnh tật.
Trần Vy, 32 tuổi là co-founder của một công ty start-up ở Thượng Hải và cũng là một người mẹ đơn thân. Cô Trần đi sớm, về khuya, bận rộn và căng thẳng đến mất ngủ vì công việc. Trần Vy cũng cảm nhận những bất thường về mặt sức khoẻ của mình như tức ngực, chóng mặt nhưng chưa bao giờ cô nghĩ đến tình trạng tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Cho đến một ngày Trần Vy gặp CEO công ty có văn phòng bên cạnh trong thang máy. Người này nhỏ hơn cô vài tuổi nhưng khuôn mặt lại rất già dặn, quầng thâm mắt lộ ra sau cặp kính dày. CEO trẻ chia sẻ với cô Trần anh đã ngủ trong văn phòng hơn 1 tháng nay, ngày nào cũng tất bật chạy đua với thời gian vì sợ một ngày nào đó bị thị trường bỏ rơi.
Khi Trần Vy trao đổi với CEO này về một số thông tin về ngành thì mũi đối phương đột nhiên chảy máu. Trần Vy hoảng hốt nhưng vị CEO vẫn điềm tĩnh lau đi, còn nói đùa thêm vài câu. Khi đó cô Trần không để tâm chi tiết này lắm, chỉ nghĩ doanh nhân bận rộn chắc chắn sẽ có lúc sức khoẻ không tốt.
Không ngờ chỉ 1 tuần sau, Trần Vy bàng hoàng nhận được tin CEO trẻ đã qua đời vì bạo bệnh. Công ty bên cạnh cũng vì thế mà trở nên hỗn loạn, nội bộ tranh giành đấu đá lẫn nhau.
Kể từ đó cô Trần ý thức hơn về sự tồn tại của một cá nhân và cả chính cô. Trần Vy vội vàng đi lập di chúc để lại tài sản cho cậu con trai hơn 2 tuổi. Thế nhưng cha mẹ Trần Vy lại phản đối, còn cho rằng cô đang đề phòng người thân trong gia đình sẽ lấy hết tài sản nên mới lập di chúc sớm.
Nỗi sợ đằng sau những bản di chúc sớm
Đối với hầu hết người Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ cũ, làm những việc thường như lập di chúc giống như một việc xui xẻo. Bố mẹ Trần Vy cho rằng cô suy nghĩ lung tung, làm chuyện kỳ quặc. Nữ doanh nhân phải mất một thời gian dài mới thuyết phục được người lớn trong gia đình rằng việc làm này là cần thiết vì nếu cô đột nhiên ra đi, hậu quả lộn xộn mới thực sự khủng khiếp.
Lập di chúc sớm như Vương Phương Trần hay Trần Vy không còn là trường hợp hiếm trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Theo dữ liệu Sách trắng của Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc năm 2022, độ tuổi trung bình của những người lập di chúc đã giảm gần 10 tuổi trong 9 năm qua, ít nhất 30% trong số họ ở độ tuổi từ 30-39 tuổi.
Hơn 1.200 người thuộc thế hệ 9x đã đến Trung tâm này năm 2022, đặc biệt có cả những người sinh sau năm 2000 để lại di chúc. Số lượng người chưa kết hôn tại Trung Quốc lập di chúc ngày càng tăng trong 6 năm gần đây trong đó phụ nữ chiếm 70%.
Đằng sau bản di chúc sớm là nỗi bất lực, sợ hãi và gánh nặng không ngừng tăng lên của những người trẻ trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Họ không coi việc lập di chúc là xui xẻo mà là để bảo vệ tài sản cho chính bản thân họ và một sự đảm bảo quyền lợi cho thế hệ sau.
Với nhịp sống hối hả và áp lực cơm áo gạo tiền ngày càng cao, tin tức về những sự ra đi đột ngột không còn hiếm. Người trẻ quốc gia này bắt đầu hình thành nỗi lo việc tiêu cực bất ngờ xảy ra khi họ chưa kịp thu xếp mọi việc, từ việc phân chia các tài sản hữu hình như tiền mặt, bất động sản đến việc truyền lại những thứ có giá trị tinh thần như mật khẩu tài khoản MXH, dữ liệu video, vật phẩm game online,...
Khác với sự “hên xui”, bốc đồng mà nhiều người lớn tuổi vẫn nghĩ, những thanh niên Trung Quốc thường quyết tâm lập di chúc sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Sau khi lập di chúc họ không hề sống tiêu cực mà ngược lại, có sự vững vàng và dũng khí để đối mặt với mọi rủi ro trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn.
Đó là bởi họ có thời gian nhìn nhận lại những điều quan trọng nhất cuộc đời mình. Trần Khải, người sáng lập trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc cũng khẳng định di chúc không chỉ là một công cụ pháp lý mà còn là cách để nhiều người trẻ bày tỏ cảm xúc và tình cảm với gia đình, bạn bè.
Theo Toutiao, China Daily
Nhịp sống thị trường