MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thép từ Dung Quất cung ứng ra thị trường, sản lượng miền Nam của Hòa Phát tăng 91% cùng kỳ năm trước

Trước đây hàng từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương vào đến miền Nam mất hơn 7 ngày, nhưng từ cảng Hòa Phát Dung Quất vào Đồng Nai chỉ mất khoảng trên dưới 3 ngày, nhanh hơn, thuận lợi hơn về thời gian giao hàng cho khách.

Thông tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho biết sau 10 tháng, Hòa Phát đã sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 2,18 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ vững thị phần số 1 Việt Nam (trên 25%).

Sản lượng bán hàng của khu vực miền Nam tăng mạnh nhất, đạt 328.100 tấn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thép cuộn nguyên liệu cho rút dây tăng đột biến gấp 4 lần so với cùng kỳ. Khu vực miền Trung đạt 329.800 tấn, tăng gần 50% so với sản lượng 10 tháng 2018.

Theo anh Đỗ Minh Quý – Giám đốc Chi nhánh Thép xây dựng Hòa Phát tại TP. HCM, sản lượng bán hàng tăng đều cả ở khu vực dân dụng và dự án. Đặc biệt, từ khi các nhà máy của Hòa Phát ở Dung Quất cung ứng sản phẩm cho thị trường đã tạo nguồn cung dồi dào và ổn định hơn.

Trước đây hàng từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương vào đến miền Nam mất hơn 7 ngày, nhưng từ cảng Hòa Phát Dung Quất vào Đồng Nai chỉ mất khoảng trên dưới 3 ngày, nhanh hơn, thuận lợi hơn về thời gian giao hàng cho khách. Để đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường phía Nam, hiện nay Chi nhánh đã chuẩn bị thêm hệ thống kho bãi, cầu cảng, củng cố và phát triển hệ thống phân phối, sẵn sàng cho kế hoạch Nam tiến mạnh hơn của thép Hòa Phát thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, tổng lượng xuất khẩu thép của Hòa Phát đạt 205.800 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm 9,3% tổng sản lượng bán hàng.

Ngoài việc tự chủ nguồn phôi sản xuất thép xây dựng, thép rút dây, thép dự ứng lực, Hòa Phát còn cung cấp phôi thép cho các nhà máy cán trong nước. Chỉ trong 2 tháng gần đây, Tập đoàn đã cung cấp trên 60.000 tấn phôi cho các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng khác.

Với quy mô sản lượng lên tới trên 4 triệu tấn thép xây dựng/năm từ 2020, mục tiêu của Tập đoàn trong năm tới tại khu vực miền Trung và miền Nam là tăng trưởng sản lượng gấp 2,5 lần so với 2019.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2019, doanh thu của Hòa Phát đạt gần 15.350 tỷ, tăng 6,6% cùng kỳ năm trước, lũy kế 9 tháng đạt 46.396 tỷ đồng, tăng 10,5%. Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 1.794 tỷ đồng, giảm 25,5% cùng kỳ năm trước do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng mạnh vì các khoản vay để xây dựng Hòa Phát Dung Quất. Lũy kế 9 tháng Hòa Phát đạt 5.655 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 17,2% cùng kỳ năm trước.

Thép từ Dung Quất cung ứng ra thị trường, sản lượng miền Nam của Hòa Phát tăng 91% cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

KQKD hợp nhất của HPG

Một điểm đáng chú ý là mảng nông nghiệp của Hòa Phát kỳ này đạt 1.817 tỷ đồng doanh thu trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt hơn 1.174 tỷ (tăng 54,8%), lợi nhuận sau thuế mảng nông nghiệp lãi gần 84 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 68,5 tỷ (tăng 22%). Thép vẫn là sản phẩm chủ lực, chiếm gần 84% tổng doanh thu.

Thép từ Dung Quất cung ứng ra thị trường, sản lượng miền Nam của Hòa Phát tăng 91% cùng kỳ năm trước - Ảnh 2.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên