MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thí điểm cấm xe máy đường Lê Văn Lương-Nguyễn Trãi: Đằng nào cũng thua

12-03-2019 - 13:26 PM | Xã hội

Sẽ cấm xe máy các tuyến Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi để “cấm tiệt” sau 10 năm nữa, sẽ dừng đăng ký xe máy mới tại các quận nội thành, sẽ... Nhưng điều gì sẽ xảy ra ngay khi Hà Nội “thí điểm cấm xe máy”.

Khả năng thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, theo GĐ Sở Giao thông HN, vì đây là các tuyến đường “có mạng lưới xe buýt dày đặc, có buýt nhanh BRT, còn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sắp khai thác”.

Và cơ sở cho việc cấm là niềm tin: “Với sự phát triển, chuẩn bị cho lộ trình hơn 10 năm, đến thời điểm trên (2030), hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân”.

Hãy thử nhìn nhận những con số khách quan với khoảng thời gian 10 năm.

Mạng lưới xe buýt Hà Nội sau 10 năm đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến sau 10 năm. đường dành riêng cho xe buýt chỉ được 16,07 km.

Sau 10 năm mở rộng thủ đô, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng trưởng 0,28% đất đô thị/năm chỉ đạt 8,96% năm 2017.

Sau hơn 10 năm, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên “sắp đi vào hoạt động” với tốc độ bình quân chỉ 35km/h.

Nhưng cũng khoảng thời gian 10 năm, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đạt kỷ lục 12 - 15% mỗi năm. Nếu 2008, Hà Nội có 2,2 triệu phương tiện cá nhân thì tới 2017, con số này đã là 6 triệu, tăng gấp gần 3 lần với 540 ngàn ôtô và 5,4 triệu xe máy.

27.000 phương tiện đăng ký mới mỗi tháng là một con số khủng khiếp. Nhưng sự khủng khiếp hay những kỷ lục ấy hoàn toàn logic với tốc độ tăng dân số 3%/năm, một tỉ lệ cũng khủng khiếp không kém. Theo nhận định của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, với tốc độ này, đến năm 2020 dân số Hà Nội ước tính sẽ có 10,5 triệu người, gần bằng dân số dự báo vào năm.... 2050.

Những khủng khiếp, kỷ lục ấy thật ra lại là nhu cầu đi lại chính đáng của người dân.

Phương tiện công cộng duy nhất là xe buýt, hiện chỉ đáp ứng khoảng 13,5% nhu cầu đi lại.

Giáo sư ĐH Twente (Hà Lan) Nguyễn Ngọc Quang tính toán: Với hệ số đi lại 2,3 chuyến đi/người/ngày, tổng số chuyến đi ở Hà Nội sẽ tăng chóng mặt, từ khoảng 20 triệu chuyến đi/ngày năm 2018 lên 30 triệu chuyến đi năm 2030.

Liệu hệ thống xe buýt, với tốc độ tăng 64%/10 năm có thay thế nổi 5,4 triệu xe máy?

Và 2 tuyến đường sắt đô thị, giả sử xong đúng hạn, có đáp ứng được hệ số đi lại dự báo lên tới 30 triệu mỗi ngày?

TS ĐH Fulbringt Huỳnh Thế Du từng viết: Đưa ra thông điệp cấm xe máy thì khả năng “đằng nào cũng thua” là rất cao. Bởi theo ông, nếu chính sách có hiệu lực thực sự, trong khi hệ thống GTCC không thể đáp ứng nhu cầu thì một phần lớn người dân đi xe máy hiện tại sẽ chuyển sang ôtô.

Mà ôtô thì “chiếm khoảng 12-15m2 khi ở trạng thái đỗ (gấp 10 lần xe máy) và 50-65m2 khi di chuyển ở tốc độ 30km/h (gấp 20 lần xe máy).

Theo Anh Đào

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên