MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thí điểm cấp thị thực điện tử: Có cần nghị quyết Quốc hội?

18-11-2016 - 20:58 PM | Xã hội

Hai lần đứng dậy, cả phát biểu và giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đều không đồng tình với đề xuất của Chính phủ.

Đó là khi Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, sáng 18/11.

Thực hiện thí điểm này, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử.

Đồng thời, người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực sẽ được cung cấp mã khóa để truy cập cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực để nhận kết quả xin thị thực điện tử, thanh toán lệ phí thị thực qua tài khoản và tự in thị thực điện tử.

Đại biểu Khánh nói nếu Bộ Công an thực hiện nghiêm túc Luật Công nghệ thông tin và Luật Giao dịch điện tử, khó khăn, vướng mắc báo cáo ra Quốc hội thì có lẽ bây giờ không phải ban hành nghị quyết này.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) dẫn quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện thí điểm một số chính sách mới hoặc thẩm quyền quyết định thuộc thẩm quyền Quốc hội mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật đó.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh cư trú của người nước ngoài hiện nay có 2 hình thức thị thực, đó là thị thực rời và thị thực đóng vào hộ chiếu. Thị thực điện tử là loại thị thực mới cho nên chính vì thế cần phải có thí điểm thực hiện vấn đề này.

Đại biểu Khánh giơ biển tranh luận. Bà vẫn giữ quan điểm không cần ban hành nghị quyết vì chỉ cẩn thực hiện hai luật mà bà đề cập ở trên và nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử thì đỡ tốn kém đến vài trăm tỷ đồng.

Khẳng định việc thực hiện visa điện tử là chủ trương trước sau cũng phải làm, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh chưa có visa điện tử thì phải ra nghị quyết này để sửa, đó là điều đương nhiên không phải bàn nữa.

Thực hiện visa điện tử theo đề xuất Chính phủ là một bước tiến rất quan trọng, đây là hành động đầu tiên mà thể hiện Chính phủ kiến tạo và Chính phủ phục vụ, đại biểu Bình nhấn mạnh.

Đồng tình, chia sẻ với ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, nhưng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phân tích, tờ trình của Chính phủ đã ghi rất rõ là sau 2 năm, sau khi kết thúc thí điểm Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Xuất, nhập cảnh. Như vậy, sau này sẽ không làm luật riêng về cấp visa điện tử, sẽ tích hợp vào trong luật này.

Tôi thấy đây chỉ là thay đổi phương thức thì tôi hoàn toàn ủng hộ, chúng ta cần phải đổi mới, ông Nhưỡng nói.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện cấp thị thực điện tử là để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam. Nhất là người nước ngoài chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để làm thủ tục mời và bảo lãnh theo quy định và bảo đảm công tác quản lý được tốt hơn theo quy định của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người Việt Nam tại nước ngoài.

Đây là một trong những chính sách thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, nếu nói những vấn đề này chỉ là thủ tục thi hành theo Luật giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin thì chưa đủ. Vì nhiều vấn đề liên quan đến Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam thì loại thị thực này chưa được quy định, ên phải có nghị quyết để thay đổi, bổ sung việc cấp thị thực.

"Do đó, việc ban hành nghị quyết là cần thiết và đề nghị Quốc hội cho phép ban hành", Bộ trưởng thuyết phục Quốc hội.

Theo nghị trình, sáng 22/11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên