Thí điểm cơ chế đặc thù mới cho đầu tàu kinh tế TPHCM
Sau 2 năm dịch bệnh bùng phát và những tác động của tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, Nghị quyết 54 đã không còn phù hợp với tình hình mới. Trước thực tế trên, những quyết sách mới sẽ sớm được ban hành để tạo động lực phát triển cho TPHCM.
- 18-05-2023Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình
- 18-05-2023Chuyên gia quốc tế nói gì sau khi Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt?
- 18-05-2023Tập đoàn hàng đầu thế giới muốn đưa Việt Nam trở thành cứ điểm đầu tư
Với dân số và quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, TPHCM là một đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Để phát huy vai trò của đô thị đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 (ngày 24/11/2017) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 kinh tế thành phố đã có sự tăng trưởng cao đạt mức 7,72% trong giai đoạn 2016 đến 2019. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19 kinh tế thành phố đã suy giảm (âm 6,78% vào năm 2021). Năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thành phố đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng với mức 9%.
Theo đánh giá của TPHCM, Nghị quyết 54 đã đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhóm A; cho phép thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và huy động các nguồn vốn phục vụ xây dựng, phát triển. Bên cạnh đó, chính sách chi thu nhập tăng thêm đã góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả làm việc; việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, theo TPHCM trước sự phát triển của thực tiễn, Nghị quyết 54 vẫn còn một số hạn chế như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan trung ương, chi ứng vốn cho các dự án trung ương trên địa bàn. Ngoài ra, một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều.
Trước tình hình trên, TPHCM đã chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương chuẩn bị nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Căn cứ trên hồ sơ dự thảo được thành phố và các bộ, ngành đề xuất, ngày 19/4 Chính phủ đã có Tờ trình số 125/TTr-CP gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Dự thảo nghị quyết mới sẽ có nhiều quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TPHCM và thành phố Thủ Đức.
Phạm vi áp dụng của nghị quyết mới sẽ được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ công lập, các chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Thời gian thí điểm của nghị quyết mới sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày được ban hành.
Tiền phong