MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp

Thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp

Dự kiến quý III năm nay, Bộ Công Thương sẽ phê duyệt thông tư quy định thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Việc mua bán điện sẽ được tiến hành giữa các doanh nghiệp sản xuất có lượng tiêu thụ lớn với các dự án năng lượng tái tạo trên cả nước. Đây là cơ chế lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, với việc có thêm nhiều đầu mối bán điện sẽ tạo sự cạnh tranh trên thị trường hiện nay.

Theo dự thảo thí điểm mua bán điện trực tiếp mới nhất của Bộ Công Thương, bên mua sẽ là các khách hàng sử dụng điện công nghiệp từ cấp điện áp 22 kV trở lên, sản lượng điện hợp đồng mua trong 3 năm đầu thí điểm từ 80% trở lên. Còn bên bán là đơn vị có dự án điện gió, điện mặt trời nằm trong quy hoạch và công suất trên 30 MW. Các dự án này phải cam kết vận hành thương mại, tham gia vào thị trường điện trong vòng 9 tháng từ khi được công bố lựa chọn thí điểm của cơ quan có thẩm quyền.

"Cơ chế này cho phép khách hàng sử dụng điện đàm phán trực tiếp với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bằng hợp phái sinh dạng chênh lệch, cam kết về sản lượng và giá do hai bên tự thỏa thuận. Các nhà máy phát điện năng lượng tái tạo sẽ bán điện vào thị trường theo giá thị trường điện giao ngay", ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, cho biết.

Thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp - Ảnh 1.

Việc mua bán điện sẽ được tiến hành giữa các doanh nghiệp sản xuất có lượng tiêu thụ lớn với các dự án năng lượng tái tạo trên cả nước. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hợp đồng phái sinh dạng chênh lệch trong cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp sẽ quy định sản lượng điện và mức giá được bên bán và bên mua đàm phán từ trước. Hai bên sẽ phải cam kết cung cấp và tiêu thụ toàn bộ sản lượng trong hợp đồng, kể cả có sự biến động về giá trên thị trường. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tham gia vào việc cung cấp hạ tầng và dịch vụ truyền tải điện.

"Về mặt truyền tải điện và phân phối điện thì vẫn phải qua hạ tầng của lưới điện Tập đoàn điện lực Việt Nam. Nguyên tắc là phải tính đúng, đủ giá các hợp đồng tài chính giữa chủ đầu tư và khách hàng, sau đó cộng thêm các chi phí để truyền tải, phân phối", ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống lưới điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhận định.

Dự kiến, giai đoạn thí điểm sẽ kéo dài 2 năm từ 2021 - 2023 với tổng công suất không vượt quá 1.000 MW. Sau đó, cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ được đánh giá để hoàn thiện và thực hiện chính thức tại Việt Nam. Hiện Samsung Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên đề xuất tham gia cơ chế này.

Theo Trần Hiền - Đức Chung

VTV.VN

Trở lên trên