MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thí điểm tiền ảo trên công nghệ blockchain: Cần bước đi kỹ lưỡng và bài bản

12-07-2021 - 13:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh

Tất cả những kiến thức liên quan tới blockchain là rất nhiều và được cập nhật liên tục. Do vậy Chính phủ phải có kế hoạch cụ thể, giao cho các đơn vị độc lập chịu trách nhiệm rõ ràng với một lộ trình bài bản, cũng như có sự liên kết mạnh mẽ với các nhóm, tổ chức đã và đang nghiên cứu về blockchain hiện nay.

Một trong những giải pháp được đề ra tại Quyết định số 942/QĐ-TTg củaThủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Để hiểu thêm về việc ứng dụng công nghệ này, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn với ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Kaspersky Việt Nam.

Các cơ quan quản lý đã nghiên cứu về tiền ảo từ nhiều năm, nhưng chưa đưa ra quyết sách cuối cùng. Ông nhìn nhận thế nào về việc Chính phủ đặt ra vấn đề này ở thời điểm hiện nay?

Cập nhật - nghiên cứu - phát triển và đưa vào ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các xu hướng mới là quyết định đúng đắn của bất kỳ quốc gia, Chính phủ nào trên thế giới. Tôi lấy đơn cử một vài dẫn chứng để qua đó chúng ta có thể hình dung phần nào về động thái xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain của Chính phủ.

Thứ nhất, một tháng gần đây Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm hoạt động "đào" tiền mã hoá ở các tỉnh được coi là "thiên đường" của "thợ đào" như Thanh Hải, Tân Cương, Nội Mông và hàng loạt địa phương khác. Trung Quốc cũng có thái độ cứng rắn với tiền mã hoá bằng cách kiểm soát cỗ máy tìm kiếm từ khoá trên các nền tảng mạng xã hội như Baidu, Sogo, Zhihu, hoặc Weibo cho các sàn giao dịch tiền ảo Binance, OKEx và Huobi không hiển thị tìm kiếm hoặc rất hạn chế thông tin. Rất nhiều tài khoản của các KOL (Key Opinion Leader - Người tư vấn chính) chuyên về tiền mã hoá bị giám sát bởi các tổ chức Chính phủ hoặc thậm chí bị khoá (theo Bloomberg).

Thứ hai, Trung Quốc sắp ra luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, siết chặt các công ty công nghệ hàng đầu như Alibaba, Tencent, JD. Đây chính là các công ty công nghệ có hệ sinh thái thương mại điện tử lớn nhất thế giới với các siêu ứng dụng mà nền tảng thanh toán là huyết mạch của họ.

Thứ ba, gần đây quốc gia đông dân thứ hai sau Trung Quốc là Ấn Độ cũng bắt đầu thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với tiền mã hoá. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng đã đưa ra các lộ trình và xem xét khả năng nghiên cứu blockchain để xây dựng hệ thống tiền điện tử cho quốc gia này.

Trong khi đó, theo Business Insider, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về mức độ phổ biến của tiền mã hoá.

Như vậy, có thể thấy rằng việc Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu thấu đáo về blockchain là một yêu cầu bắt buộc, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ.

Cũng phải nói thêm rằng, "tiền ảo" như đề cập trong Quyết định 942/QĐ-TTg cần được xem xét và làm rõ, bởi có nhiều khái niệm dễ gây nhầm lẫn giữa tiền ảo (virtual currency), tiền kỹ thuật số (digital currency), tiền mã hoá (cryptocurrency). Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Chính phủ đang muốn hướng đến khái niệm tiền kỹ thuật số.

Nhiều nước đang triển khai đồng tiền kỹ thuật số của NHTW (Central Bank Digital Currency - CBDC), nhưng không phải quốc gia nào cũng làm được, đặc biệt liên quan đến công nghệ blockchain. Blockchain trong trường hợp này cần được nghiên cứu ra sao để phù hợp với hệ thống tài chính Việt Nam, thưa ông?

Nếu chúng ta nhìn lại top 10 các quốc gia thân thiện với tiền mã hoá sẽ thấy các tiêu chí để đánh giá xếp hạng này tuỳ thuộc vào độ phủ của các cây ATM-Cryto, tỷ lệ tìm kiếm google về tiền điện tử, hay luật pháp chấp nhận. Thực tế, theo thống kê thì không hề có Trung Quốc, Ấn Độ và Nga - những quốc gia có nhiều động thái xây dựng CBDC.

Từ những dữ liệu thống kê cho thấy, các quốc gia muốn phát triển CBDC buộc phải có sự am hiểu rất lớn và mạnh mẽ về blockchain để có thể tự đi được trên chính bàn chân của mình. Blockchain liên quan tới tiền mã hoá ngày nay không chỉ đơn giản là cở sở dữ liệu phi tập trung, hợp đồng thông minh, tokens, Proof-of-work (PoW), hay mới đây nhất là bản cập nhật mới của thuật toán đồng thuận Proof of Stake (PoS) của ETH 2.0 mà còn rất nhiều khía cạnh kỹ thuật rất sâu về giao thức đồng thuận, các cập nhật Taproot (bản nâng cấp công nghệ của Bitcoin), các ngôn ngữ lập trình blockchain, môi trường pháp lý, đặc biệt là vấn đề bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu cá nhân...

Tất cả những kiến thức liên quan tới blockchain là rất nhiều và được cập nhật liên tục. Do vậy Chính phủ phải có kế hoạch cụ thể, giao cho các đơn vị độc lập chịu trách nhiệm rõ ràng với một lộ trình bài bản, cũng như có sự liên kết mạnh mẽ với các nhóm, tổ chức đã và đang nghiên cứu về blockchain hiện nay.

Ông có cho rằng nên nghiên cứu private blockchain (mạng chuỗi khối riêng do Nhà nước xây dựng cơ chế riêng, không phải dưới dạng blockchain công khai)?

Hiện nay xu hướng là kiểm soát hệ thống tiền tệ cũng như minh bạch tài chính nên có nhiều quốc gia nghiên cứu private blockchain như là một giải pháp vừa có thể sử dụng được những ưu điểm của blockchain, vừa có thể giám sát các hoạt động liên quan tới dòng tiền. Tất nhiên, ưu điểm rất lớn của blockchain là dữ liệu phi tập trung trong trường hợp này sẽ không được thể hiện.

Nhiều NHTW hàng đầu trên thế giới đã bắt đầu tìm hiểu công nghệ blockchain (private blockchain) để tạo ra các loại CBDC. Hiện nay phần lớn các CBDC vẫn chỉ đang trong quá trình thử nghiệm chứ chưa có CBDC nào được chính thức phát hành. Quốc gia thử nghiệm CBDC mạnh mẽ nhất có lẽ là Trung Quốc. Một số tiềm năng của CBDC có thể kể đến như gia tăng khả năng tiếp cận và tính sẵn có của các sản phẩm và dịch vụ tài chính; tăng cường sự truyền dẫn của chính sách tiền tệ; tính an toàn và hữu hiệu thanh toán; và sự sẵn có của tiền mặt.

Tuy nhiên Chính phủ sẽ phải cân nhắc đến hai vấn đề. Thứ nhất, có đáng để "dùng" blokchain cho CBDC hay có thể sử dụng một công nghệ khác tốt hơn. Vì theo thiết kế CBDC của NHTW Anh, có thể có rất nhiều công nghệ đáp ứng được CBDC, do bản chất CBDC được kết hợp giữa tiền điện tử và tiền pháp định.

Thứ hai, khi vận hành CBDC, Chính phủ cần cân bằng giữa tính ẩn danh và sự kiểm soát hệ thống. Đây sẽ là một vấn đề rất khó giải quyết, đặc biệt là những quốc gia có hệ thống luật pháp chưa thật sự chặt chẽ và rõ ràng.

Vậy có cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho blockchain trước khi đưa công nghệ này ứng dụng trong triển khai tiền điện tử, thưa ông?

Bản chất công nghệ thay đổi rất nhanh chóng. Đối với những khái niệm như blockchain (blockchain ở phạm vi tiền mã hoá) thì sự thay đổi càng nhanh chóng hơn nữa vì nó là sự giao thoa giữa công nghệ và kinh doanh/kinh tế nói chung và đặc biệt là các định chế tài chính. Vậy nên, để hoàn thiện khung khổ pháp lý càng sớm càng tốt là điều không phải đơn giản. Chúng ta thử nhìn vào cách mà châu Âu hay Mỹ đang "vật lộn" với sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới là Binance thì cũng hiểu được rằng cuộc chiến còn kéo dài.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nghĩ tới nó, mà cần phải từng bước thực hiện tập hợp chuyên gia, xây dựng những đội nghiên cứu mạnh, tìm hiểu thật sâu về công nghệ, cách thức hoạt động… ngay từ lúc này để có sự am hiểu chặt chẽ, từ đó từng bước hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho blockchain. Ngoài ra, chiến lược wait-and-see (chờ đợi và quan sát) các diễn biến trong nước cũng như các ứng phó của quốc gia khác để học tập và cập nhật là điều tối cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Khuê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên