MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trấn nhỏ tại Mỹ tận hưởng ‘mùa xuân đầu tư’: Loạt cánh đồng được san lấp làm nhà cho công nhân, chủ quán ăn phải học tiếng Hàn để trò chuyện với khách

06-10-2023 - 18:06 PM | Tài chính quốc tế

Thị trấn nhỏ tại Mỹ tận hưởng ‘mùa xuân đầu tư’: Loạt cánh đồng được san lấp làm nhà cho công nhân, chủ quán ăn phải học tiếng Hàn để trò chuyện với khách

Loạt thị trấn nhỏ tại Mỹ đang được 'khoác áo mới' nhờ xe điện.

Thị trấn nhỏ tại Mỹ tận hưởng ‘mùa xuân đầu tư’: Loạt cánh đồng được san lấp làm nhà cho công nhân, chủ quán ăn phải học tiếng Hàn để trò chuyện với khách - Ảnh 1.

Ô tô sẽ không thể lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp tại Metaplant của Hyundai trong vòng ít nhất 1 năm nữa. Tuy nhiên, dự án xe điện trị giá 7,6 tỷ USD cách Savannah nửa giờ về phía Tây này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý.

Hyundai được cho là đã lên kế hoạch mua lại một sân golf tại địa phương để biến đây trở thành nhà ở cho 8.500 công nhân. Các nhà phát triển trong khu vực cũng muốn chuyển đổi cánh đồng đậu nành thành khu phân lô dù không đủ nước và đường ống thoát nước.

Ở Pembroke, nơi dân số vỏn vẹn chỉ 2.600 người, Shannon Thurston cho biết nhà hàng Mexico của mình gần đây đón một vị khách lạ mặt. Đây có thể là giám đốc điều hành người Hàn Quốc mà Hyundai cử đến để giám sát dự án.

“Chắc chắn là tôi phải học tiếng Hàn rồi”, Shannon Thurston nói.

Trên khắp nước Mỹ, chi tiêu phục vụ các dự án xây dựng cơ sở sản xuất trong tháng 8 tăng gần 66% so với năm trước, đồng thời là mức cao nhất kể từ khi Cục Phân tích Kinh tế bắt đầu theo dõi dữ liệu vào những năm 1950. Hoạt động sôi nổi chủ yếu được thúc đẩy bởi một bộ luật đưa ra hồi năm ngoái.

Rất ít nơi được hưởng lợi ích nhiều như Georgia - nơi chính quyền tiểu bang ra sức áp dụng các chính sách giảm thuế cùng loạt đặc quyền để thu hút sản xuất. Thống đốc Brian Kemp gọi nhà máy của Hyundai là khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh lớn nhất  lịch sử Georgia.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp xe điện Rivian Automotive đang đầu tư 5 tỷ USD vào một nhà máy cách Atlanta 45 dặm về phía đông, dự kiến chiêu mộ 7.500 công nhân vào năm 2028. Việc các nhà cung cấp ô tô và doanh nghiệp chuyển đến Peach State phục vụ quá trình sản xuất cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực.

Để tận dụng các ưu đãi về thuế dự kiến kéo dài đến cuối năm 2032, các nhà sản xuất ô tô xây dựng nhà máy tại Mỹ đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Oscar Kwon, người được Hyundai giao phó dự án ở Georgia, từng dành 4 năm ở Ấn Độ giúp KIA mở nhà máy. Ông sẽ có hơn 2 năm để đưa cơ sở gần Savannah này đi vào hoạt động.

“Đó là một cuộc đua. Mọi người đang cố gắng hết sức”, Trip Tollison, giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Kinh tế Savannah cho biết.

Thị trấn nhỏ tại Mỹ tận hưởng ‘mùa xuân đầu tư’: Loạt cánh đồng được san lấp làm nhà cho công nhân, chủ quán ăn phải học tiếng Hàn để trò chuyện với khách - Ảnh 2.

Loạt thị trấn nhỏ tại Mỹ đang được 'khoác áo mới' nhờ xe điện.

Theo Michael Toma, nhà kinh tế tại Đại học Georgia Southern, Metaplant của Hyundai sẽ hỗ trợ tổng cộng 20.000 việc làm và khi công nhân nhà máy tới đây, Pembroke và các thị trấn lân cận khác sẽ thấy sự đổi khác.

“Trung tâm thành phố của chúng tôi đang bùng nổ”, Thị trưởng Steve Tramell nói.

Tại Quận Fayette, Ohio, trên một khu công nghiệp có diện tích bằng 60 sân bóng đá, Honda và LG Energy Solution đang đầu tư 4,4 tỷ USD vào một nhà máy pin lithium-ion. Jamie Gentry, nhà tư vấn phát triển kinh tế, cho biết quận này đã mất 2 thập kỷ thu hút đầu tư nhưng không thành. Chỉ khi các nhà sản xuất ô tô thi nhau tìm kiếm địa điểm xây nhà máy, khu vực mới phất lên.

“Tôi làm nghề được 22 năm và chưa bao giờ chứng kiến điều tương tự”, Jamie Gentry nói.

Jason Langley, chủ sở hữu doanh nghiệp đấu giá bất động sản, hy vọng làn sóng kinh doanh mới sẽ giúp lấp đầy các cửa hàng còn trống tại trung tâm thành phố.

“Tôi thích ý tưởng rằng mọi người có thể đi làm, ở lại đây và cần không cần đi xa khỏi tiểu bang”, Jason Langley nói.

Marsha Arnold, chủ quán Werner's Smokehouse Bar-B-Que ở Jeffersonville gần đó, thì cho biết nếu không có nhà máy sản xuất pin, cô sẽ chẳng thể kinh doanh.

“Điều đó tốt cho chúng tôi, vì cộng đồng. Tương lai sẽ khó khăn nhưng chúng ta sẽ có thể giải quyết tất cả”.

Không rõ bao nhiêu công nhân sẽ tới đây, song thay đổi sẽ ở “phạm vi mà không ai tưởng tượng được”, theo Bob Peterson, cựu ủy viên Quận Fayette.

“Bạn phải có tăng trưởng kinh tế. Bạn phải có việc làm. Không phải ai cũng có thể quay lại trang trại.”

Tất nhiên, vẫn có một số ý kiến người dân phản đối, trong đó có ông Gene Baumgardner. Người đàn ông này đã trồng ngô, đậu nành và lúa mì trong 20 năm trên mảnh đất cách nhà máy Honda-LG khoảng 5 dặm.

Thị trấn nhỏ tại Mỹ tận hưởng ‘mùa xuân đầu tư’: Loạt cánh đồng được san lấp làm nhà cho công nhân, chủ quán ăn phải học tiếng Hàn để trò chuyện với khách - Ảnh 3.

Thị trấn nhỏ tại Mỹ tận hưởng ‘mùa xuân đầu tư’

“Chúng tôi, với tư cách là những người nông dân, đang đi theo một ngành công nghiệp và tôi không hiểu tại sao chúng tôi phải từ bỏ chúng”.

Theo Bloomberg, việc Honda và các công ty con của hãng tuyển dụng khoảng 8.000 nhân viên ở Quận Union đã giúp dân số khu vực này tăng lên đều đặn từ 29.400 người năm 1979 lên gần 67.000 người ngày nay. Rick Riggle, giám đốc điều hành liên doanh Honda-LG Energy, đã gặp gỡ các quan chức địa phương và nói: “Mục đích của chúng tôi không phải là thay đổi cộng đồng. Chúng tôi muốn gắn kết và phát triển cùng với họ”.

Các chuyên gia đánh giá ngành công nghiệp ô tô Mỹ đang tăng tốc tiến về phía nam trong bối cảnh các công ty xe hơi hàng đầu lên kế hoạch đổ hàng tỷ USD vào các nhà máy mới ở Georgia, Kentucky và Tennessee. Sự thay đổi này đang tác động lớn đến các thị trấn nông thôn - nơi chuẩn bị đón làn sóng những công nhân và cư dân mới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ô tô, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ann Arbor, Michigan, các hãng xe hơi đã rót hơn 110 tỷ USD đầu tư liên quan đến xe điện tại Mỹ kể từ năm 2018. Khoảng một nửa trong số đó dành riêng cho các bang miền Nam, từ đó thu hút một lượng lớn công nhân đến sinh sống. John Mohr, giám đốc điều hành của Hiệp hội ô tô tại địa phương cho biết, làn sóng di cư này đã khiến dân số các thị trấn cải thiện đáng kể.

Theo WSJ, miền Nam nước Mỹ đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để thu hút các nhà sản xuất ô tô; cải thiện hệ thống giao thông, lưới điện và diện tích đất trống để xây dựng nhiều siêu đô thị nhà máy mới. Chính quyền địa phương và các viện kỹ thuật cũng đã hợp tác đào tạo thế hệ công nhân sản xuất mới, đa ngành nghề, đa kỹ năng.

Theo: WSJ, Bloomberg

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên