MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bánh kẹo: Hàng ngoại “át vía” hàng nội

12-12-2016 - 14:56 PM | Thị trường

Càng gần Tết, thị trường bánh kẹo càng trở nên nóng hơn khi năm nay tiếp tục chứng kiến sự đổ bộ của các thương hiệu bánh kẹo nước ngoài, cạnh tranh gay gắt với bánh kẹo nội. Trong bối cảnh các FTAs mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng này giảm mạnh càng khiến thị trường thêm sôi động.

Đa dạng về chủng loại

Theo khảo sát của PV, thị trường bánh kẹo năm nay rất phong phú về mẫu mã và giá cả. Tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, các sản phẩm bánh kẹo ngoại xuất hiện la liệt trên các quầy hàng cùng với các sản phẩm nội địa. Phần nhiều trong số đó có xuất xứ từ các nước: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Mỹ… Nhiều thương hiệu trong nước là nhà nhập khẩu phân phối các sản phẩm bánh kẹo nhập ngoại với các sản phẩm đã quen thuộc với người tiêu dùng (NTD) Việt Nam như: Bánh quy bơ Danisa, bánh quy kem Oreo, bánh phômai Ritz, bánh quy bơ LU, kẹo Choclairs, bánh sôcôla Kitkat...

Thời điểm này, các công ty sản xuất bánh kẹo trong nước đã gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng để tung sản phẩm ra thị trường với những thông điệp Tết đi kèm. Dễ thấy, năm nay các nhà sản xuất trong nước tiếp tục chú trọng mẫu mã và kiểu dáng sản phẩm để thu hút khách hàng. Một số sản phẩm đặc trưng trong dịp Tết như mứt, ômai, bánh truyền thống… sẽ được sản xuất và tung ra thị trường trước Tết Đinh Dậu 20 ngày.

Tại các cửa hàng bán lẻ, bánh kẹo ngoại cũng chiếm ngôi với các dòng sản phẩm đa dạng. Một số dòng bánh cao cấp có giá khá cao, dao động từ 250.000 - 500.000 đồng/hộp, còn các sản phẩm kẹo phổ thông của Thái Lan có giá khá bèo chỉ từ 25.000 - 50.000 đồng/gói, phù hợp với túi tiền của khách hàng Việt. Ngoài ra, các sản phẩm bánh kẹo và sôcôla của Đức, Bỉ, Nga, Mỹ, Thụy Sĩ; hạt dẻ, mận khô, nho khô của Đức, Mỹ... cũng được bày bán la liệt.

Anh Nguyễn Thắng - chủ một đại lý trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Từ nay tới gần Tết sẽ gói sẵn các giỏ quà Tết bao gồm: bánh hộp, kẹo sôcôla, trà, cà phê... với giá từ 300.000 - 1 triệu đồng để khách lựa chọn. Trong đó, những giỏ quà cao cấp đều đính kèm bánh kẹo của Pháp, Đan Mạch, Mỹ... để thêm sang trọng, phục vụ nhu cầu mua để biếu hoặc chưng trên bàn thờ.

Lung lay vị thế

Theo chị Thu Ngà (Ba Đình, HN) cho biết: “Các sản phẩm bánh kẹo nhập ngoại có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng. Bánh quy thơm và không bị bã, kẹo cũng có vị ngọt thanh mà không gây ngán. Các sản phẩm bánh trong nước tuy có mẫu mã được thiết kế lung linh hơn qua mỗi năm xong chất lượng, hương vị vẫn không thay đổi nhiều”.

Dẫu vậy, phân khúc bánh kẹo truyền thống vẫn được lòng nhiều NTD. Anh Phạm Nghĩa (Tây Hồ, HN) cho biết: “Đã thành thông lệ, nhà tôi rất chuộng bánh chả và mứt tết truyền thống. Còn bánh kẹo ngoại mua về bầy thêm vào khay để tiếp khách là chính”.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ 1.11 - 15.11.2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 21 triệu USD bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, nếu cộng dồn đến hết kỳ báo cáo thì con số đã lên tới hơn 218 triệu USD.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú - cho rằng: Rõ ràng hàng Việt đang bị lung lay vị thế. Hiện hàng Trung Quốc có ưu thế giá rẻ, nhưng chất lượng sản phẩm thấp, trong khi hàng ngoại như của Thái Lan có chất lượng tốt mà giá cũng chỉ nhỉnh hơn từ 5 - 10% nên được nhiều người Việt ưa chuộng.

Để không bị hàng ngoại lấn lướt, theo ông Phú, điều mấu chốt doanh nghiệp Việt cần làm là từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, có cơ chế chính sách rõ ràng, hiệu quả, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết lại trước ngưỡng cửa hội nhập. “Nếu tiếp tục không chịu thay đổi mẫu mã, sản xuất phân phối rời rạc, doanh nghiệp VN sẽ rất khó vươn lên để cạnh tranh và giành lại niềm tin của NTD” - ông Phú khẳng định.

Theo Linh Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên