Thị trường bất động sản 2019: Ổn định và khó xảy ra “bong bóng”
Tại báo cáo giữa quý III, HoREA đã nhận định thị trường bất động sản sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm, trong năm 2019, thị trường vẫn ổn định và khó xảy ra "bong bóng".
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn phát triển ổn định.
Các chương trình lớn tác động đến thị trường
Nhiều đánh giá cho biết các chương trình lớn của TP Hồ Chí Minh (TP HCM) sẽ có tác động mạnh đến thị trường bất động sản, cụ thể như: Quy hoạch vùng TP HCM, trực tiếp là quy hoạch chung xây dựng TP HCM định hướng đến năm 2030; Chương trình xây dựng và chỉnh trang đô thị, trong đó, có chương trình di dời, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; Đề án xây dựng đô thị thông minh và Đề án xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông thành phố; Kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là việc hạn chế đầu tư xây dựng mới các chung cư tại các quận nội thành là những nhân tố định hướng sự phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2018 được Tập đoàn PropertyGuru (đơn vị chủ quản trang batdongsan.com.vn) tổ chức mới đây, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc CBRE Việt Nam đánh giá tổng thể về thị trường bất động sản năm 2018, trong đó điểm nhấn là TP Hà Nội và TP HCM đang có những bước chuyển khá tốt.
Theo đánh giá của đại diện CBRE Việt Nam, năm 2018 tiếp tục là năm có số lượng nguồn cung mới chào bán trên cả nước duy trì mức cao. Cụ thể, nếu không tính nguồn cung chào bán trong tháng 12, thị trường Hà Nội có khoảng 33.000 căn hộ mới ra hàng, tăng gần 2.000 căn so với 2017; TP HCM tương đương 32.000 căn, tăng thêm 1.000 căn so với 2017 (chưa tính gần 10.000 căn Vingroup dự kiến mở bán cuối năm nay).
Tại báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản, CBRE cũng cho biết từ năm 2015, phần lớn những giao dịch M&A có giá trị lớn là các khu đất dự án bất động sản, tiếp sau mới là các khách sạn, chung cư và văn phòng. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Trong ba năm vừa qua, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng trưởng theo từng năm. Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.
Theo ông Trương Anh Tú – Giám đốc Kinh doanh Phúc Khang Group, hiện TP HCM đang hạn chế cấp phép xây mới các dự án trong nội thành và những nơi hạ tầng không đồng bộ, động thái này khiến nhiều dự án đang trong quá trình hoàn thiện cấp phép hay triển khai trong khu vực quá tải hạ tầng sẽ khó ra mắt. Do đó sẽ tác động lớn đến nguồn cung trong các năm 2019 - 2020.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Mai – Tổng Giám đốc Viettin Real cho biết: Thị trường hiện đang tốt vì nền kinh tế vẫn đang ổn định, tuy nhiên, đối với khu vực TP HCM nguồn cung sẽ bị cạn kiệt và hạn chế bởi các quyết định mới đây nhất của thành phố trong việc hạn chế xây mới các chung cư khu vực nội thành, chính vì vậy giá cũng sẽ tăng trong thời gian gần.
"Quan trọng, sắp tới đây chính các quy định mới tác động đến thị trường dẫn đến thị trường sẽ thanh lọc, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực sẽ bị loại. Nhưng điều đó sẽ tốt cho người mua", ông Mai khẳng định.
Các chuyên gia vẫn có cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản Việt Nam.
Kinh tế ổn định, thị trường phát triển theo
Cũng tại Hội nghị bất động sản, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Tài chính nhận định hiện nay, kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Bất động sản phát triển. Theo đó, lợi nhuận ròng ngành này tăng đến 51%, nằm trong top 4 ngành tăng trưởng tốt nhất.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ổn định, lạm phát được kiểm soát và GDP bình quân tăng trưởng tốt. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,98%. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ đạt mức 6,8%, chỉ số lạm phát khoảng 4%. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm, Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.
Bên cạnh đó, TS. Lực cũng cảnh báo xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang giảm, tỷ lệ nợ xấu vẫn cao đến 6,67%, nguồn FDI có thể sẽ giảm đến 7% trong năm 2019.
Tuy nhiên, trên thị trường đầu tư gián tiếp là chứng khoán, Việt Nam vẫn đang được đánh giá tốt hơn so với các thị trường khác. Dòng vốn chứng khoán có một phần không nhỏ là đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên sự phát triển mạnh của dòng vốn này sẽ tạo ra nhu cầu lớn ở các phân khúc.
Còn ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA vẫn khẳng định về thị trường bất động sản sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm cũng là cao điểm của thị trường bất động sản; Phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền sẽ tăng trưởng mạnh và cùng với phân khúc nhà ở trung cấp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của thị trường bất động sản; Xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, an ninh, an toàn trước hết là về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng.
Do vậy, HoREA đánh giá sẽ không xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2019, vì các cơ quan Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng" và các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư và người tiêu dùng đều thông minh hơn.
Báo Xây dựng