Thị trường bất động sản đều trong trạng thái chờ
Nhà đầu tư ôm nhiều BĐS, sử dụng đòn bẩy tài chính loay hoay tự cứu mình. Trong khi, các nhà đầu tư “mạnh vốn, bạo tiền” thì vẫn chờ thị trường giảm giá sâu hơn nữa; CHỜ tín hiệu nền kinh tế; chờ động thái tiếp theo của cơ quan quản lý nhà nước…
Nói như một chuyên gia trong ngành: tâm lý bao trùm thị trường BĐS hiện nay là “chờ”. Bên cạnh các nhà đầu tư sẵn dòng tiền chờ các động thái từ thị trường mới đưa ra quyết định đầu tư thì các nhà đầu tư non vốn cũng đang cố “gồng” để chờ thị trường phục hồi. Chính động thái chờ này khiến thị trường cuối năm lại càng ảm đạm thanh khoản.
Có thể thấy, về nguồn cung và sức cầu BĐS liên tục ghi nhận giảm mạnh bắt đầu từ giữa quý 2, đến nay thị trường gần như “ngủ đông” ở một số phân khúc nhất là BĐS nghỉ dưỡng, cụ thể là phân khúc condotel. Những phân khúc còn lại sức cầu chỉ bằng 10% - 20% so với đầu năm 2022.
Ghi nhận cho thấy, thị trường BĐS tăng dần hiện tượng cắt lỗ, bán tháo BĐS ở các nhà đầu tư áp lực dòng tài chính. Dĩ nhiên, hiện tượng này không giống giai đoạn khủng hoảng 2011-2-13, nhưng theo một số chuyên gia, xu hướng giảm chưa có dấu hiệu dừng lại nếu tình hình thị trường không có chuyển biến mới. Theo đó, trạng thái “ngủ đông” có thể sẽ tiếp tục lan rộng trên diện rộng hơn.
Giao dịch BĐS trầm lắng, giá nhà đất có xu hướng đi xuống, nhiều nhà đầu tư ôm nhiều nhà đất và sử dụng đòn bẩy tài chính đang loay hoay tìm cách tự cứu lấy mình. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư mạnh vốn cũng chưa sẵn lòng xuống tiền ngay mà tiếp tục chờ và nghe ngóng thị trường.
Thị trường không còn cảnh mua bán như đầu năm 2022.
Có thể thấy, trước chính sách tín dụng, nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm, sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng là chủ yếu bắt buộc phải đẩy hàng vì không có khả năng cầm cự, cùng với tâm lý sợ thị trường BĐS chững lại và đóng băng thời gian tới. Bên cạnh đó, về phía người mua có tâm lý dè dặt, cẩn trọng chờ diễn biến của thị trường BĐS có tiếp tục xuống giá sâu hơn mới xuống tiền đầu tư. Hiện tượng nhiều người bán, ít người mua và không có thanh khoản trên trị trường sẽ còn kéo dài, thậm chí hết năm 2023.
Do vậy, thách thức mà thị trường phải đối mặt là dấu hiệu giao dịch sụt giảm, thanh khoản chậm. Tâm lý chờ đợi bao trùm thị trường.
“Thị trường bất động sản đang đối mặt với nghịch lý đã xuất hiện nhiều người bán nhưng ít người mua. Hiện nay, những nhà đầu tư, hoặc người có nhu cầu mua thực đang có tâm lý đợi giá giảm sâu hơn khiến thị trường trầm lắng”, một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho hay, chính sách pháp lý dự án là một trong các vấn đề đã tồn đọng quá lâu và kéo dài dẫn đến sụt giảm nguồn cung, gây áp lực lên mặt bằng giá và hiệu quả kinh doanh do thời gian triển khai dự án kéo dài ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Điều quan trọng không kém đó chính là niềm tin của người dân và nhà đầu tư vào chính sách điều hành, quản lý của nhà nước, niềm tin vào tiềm năng của thị trường phải được quan tâm và củng cố.
“Nếu không giữ vững điều này tâm lý chung của thị trường sẽ tiếp tục thận trọng và thị trường sẽ càng khó có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nhịp sống thị trường