Thị trường bất động sản liệu có phục hồi trong 6 tháng cuối năm?
Đây được xem là kỳ vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản trong bối cảnh các hoạt động kinh tế- xã hội của đất nước được thiết lập lại trạng thái bình thường mới.
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tổng hợp từ 34/63 UBND tỉnh, thành phố trên cả nước, trong quý I/2020 có 13.042 giao dịch bất động sản thành công. Con số này cho thấy lượng giao dịch sản phẩm bất động sản thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 4 và tháng 5, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được xem là những sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Tình hình chung với một số phân khúc khác là sản phẩm đất nền, nhà ở riêng lẻ giao dịch chậm lại. Sản phẩm mặt bằng cho thuê bán lẻ, kinh doanh thương mại, dịch vụ cũng chật vật khi không có khách thuê trong những tháng xảy ra dịch bệnh hoặc khách thuê kinh doanh sụt giảm doanh thu, tạm ngưng hoạt động. Các sàn giao dịch bất động sản trong thời điểm dịch bệnh cũng tạm dừng hoạt động, chỉ duy trì bộ phận điều hành, cắt giảm nhân viên môi giới.
Về tiêu thụ sản phẩm, riêng nhà ở thương mại tiêu thụ chỉ đạt 14%, lượng giao dịch thành công giảm mạnh. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng không có nguồn thu. Giá bán nhà tăng so với năm 2019. Bất động sản công nghiệp tăng 6,2%. Hoạt động các doanh nghiệp bất động sản 11,9% thành lập, tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với năm 2019, 200 sàn hoạt động cầm chừng, gần 80% sàn tạm ngừng giao dịch.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chia sẻ thời gian qua, Chính phủ, các Bộ ngành đã kịp thời ban hành nhiều chỉ đạo, Chỉ thị văn bản hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Doanh nghiệp bất động sản rất may mắn giai đoạn này được hỗ trợ tích cực, ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Hà, những giải pháp này mới chỉ tạo niềm tin, còn để tiếp cận thật thì thực tế nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận. Do đó, ông Hà cho rằng nên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi các Chỉ thị giải pháp của Chính phủ.
Khôi phục lại thị trường là điều quan trọng và hơn cả là khôi phục niềm tin thị trường cho nhà đầu tư và người dân. Thực tế cho thấy, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt để phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trong điều kiện bình thường mới, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cộng đồng doanh nghiệp đều có niềm tin các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống kinh tế- xã hội sẽ được khôi phục nhanh chóng. Còn các nhà đầu tư bất động sản cũng tin tưởng vào kịch bản lạc quan là thị trường sẽ sớm khôi phục trở lại. Dĩ nhiên mức độ phục hồi ở từng phân khúc sản phẩm chắc chắn sẽ có sự khác biệt.
Trong vòng gần một tháng qua, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương cũng đã nhận diện những khó khăn đang "bủa vây" doanh nghiệp BĐS và có giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, những giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp theo như thế nào để kích hoạt vốn tư nhân nhanh chóng giải ngân, góp phần cùng với đầu tư công, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đại diện cơ quan quản lý ở trung ương thông tin trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Nếu nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa.
Liên quan đến thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, ông Ninh cho biết thêm cũng sẽ được rút ngắn. "Hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều luật, đến các bộ ngành khác nên hiện nay Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành và địa phương tích cực sửa đổi. Trong quá trình thực hiện có những phát sinh sẽ sửa đổi tiếp. Luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản sẽ được sửa đổi, trong đó đất đai là gốc phải sửa đổi trước", ông Ninh khẳng định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group dự báo, trong ngắn hạn và trung hạn từ 12 - 24 tháng, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có những thay đổi cục bộ ở một số phân khúc. Tuy nhiên, Covid-19 không hẳn là nguyên nhân duy nhất tác động tới giao dịch bất động sản, mà những xu hướng dịch chuyển này đã xuất hiện từ năm 2018, và trở nên rõ nét từ nửa cuối 2019.
Theo đó, đối với phân khúc nhà ở đô thị - đây vốn là phân khúc giá rẻ, luôn giữ vai trò điều tiết thị trường, dự báo sẽ chững lại và giảm nhẹ về số lượng giao dịch. Phân khúc trung và trung bình khá được quan tâm hơn. Khách hàng quan tâm nhiều hơn tới tiện nghi và sự an ninh, an toàn, vì vậy, những nhà ở nằm trong khu đô thị với đầy đủ tiện ích và đặc biệt là y tế và trường học sẽ được ưa thích hơn là những dự án nhà ở riêng lẻ, thiếu tiện ích.
Đối với bất động sản cao cấp, dự báo vẫn sẽ gặp khó, tuy nhiên, đây là phân khúc có độ "lì" cao, ít nhạy cảm giá. Nhưng biệt thự hoặc nhà liền kề trong những dự án cao cấp vẫn sẽ có khách hàng, và giao dịch tốt hơn những chung cư cao cấp.