Thị trường bất động sản tăng nhưng mang nặng tính đầu cơ, thổi giá
Thị trường bất động sản tăng “nóng” thời gian qua bởi những chiêu trò đầu cơ, thổi giá trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khiến nhiều người có nhu cầu thực tiếp cận nhà ở gặp trở ngại.
Theo Bộ Xây dựng , thời gian qua, tình trạng đầu cơ bất động sản liên tục xuất hiện thông qua các hình thức như “cò đấu giá”, “quân xanh, quân đỏ”; đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá đất; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, tác động làm tăng giá bất động sản, nhà ở.
Việc mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá và hoạt động của thị trường bất động sản.
Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản nhà ở đã bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu thể hiện sự “tăng nhiệt". Sức nóng của thị trường còn được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, với mức giá liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Bất chấp giá bán tăng cao, các dự án căn hộ mới ra hàng, đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ rất tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả xuất phát từ cung, cầu thực tế, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu “tạo nhiệt”. Tình trạng này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai , đẩy giá nhà ở, và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường với mục đích lướt sóng, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao bất hợp lý.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Những khu vực nóng như Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm xuất hiện một loạt văn phòng nhà đất không có đăng ký hoạt động, thậm chí chính người dân bản địa đứng ra lập văn phòng rồi giới thiệu tư vấn cho khách hàng mua những sản phẩm bất động sản không được pháp luật cho phép đưa vào thị trường”.
Ngoài ra, việc đầu cơ bất động sản đã và đang gây ra những cơn sốt. Bài học từ những đợt sóng ngầm qua 4 đợt sốt đất lịch sử, mà gần nhất, cơn sốt thứ tư là vào thời điểm Covid-19 những năm 2021, 2022 khiến phần lớn nguồn lực tài chính chôn vốn vào bất động sản.
Theo đó, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế và xã hội như người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tượng đầu cơ bất động sản sẽ ảnh hưởng tiêu cực, làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nếu đô thị hóa bị chậm lại, việc thu hút đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước, địa phương cũng sẽ giảm đi. Do đó, về lâu dài, hệ lụy đối với kinh tế địa phương là rất lớn.
Chuyên gia kiến nghị cần phải có những biện pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng đầu cơ thổi giá , giúp cho hoạt động kinh tế địa phương phát triển tốt hơn.
Tiền phong