Thị trường "bảy nổi ba chìm" sẽ nhấn chìm những ai không đủ "cứng tay": Đây là cách tránh rủi ro xảy ra mà trader nào cũng nên biết
Những nhà đầu tư F0 chỉ biết đổ tiền vào, đu, và nhìn số lãi tăng lên mỗi ngày cùng với những lời hô hào của đội lái có thể phá hủy cả một thị trường.
- 23-01-2022Bitcoin thủng 35.000 USD: Chuyên gia cảnh báo giá điều tồi tệ còn ở phía trước, nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn tinh thần khi giá có có thể về 28.000 USD
- 22-01-2022Bitcoin lao xuống mốc 35.000 USD cảnh tỉnh các nhà đầu tư: Hãy chuẩn bị tâm lý chấp nhận mất tiền
- 20-01-2022Hồi chuông cảnh báo lạm phát gióng lên không ngừng, vị tỷ phú tiết lộ 2 chiến lược sáng suốt cho nhà đầu tư
Có thể nói, thị trường chứng khoán đang là cách kiếm tiền hot nhất hiện tại. Người người đầu tư, nhà nhà đầu tư, F0 người này nối tiếp người kia. Tuy nhiên, dù là đầu tư một số tiền lớn, nhưng họ chỉ học cách đầu tư qua "truyền miệng" hay tìm kiếm thông tin trên mạng, hoặc có những F0 "học vẹt" bằng cách lập nhóm với các đội lái và cứ thế đổ tiền theo họ với suy nghĩ: "Lỗ thì cùng lỗ, lo gì".
Tuy nhiên, nếu như một người đầu tư thua lỗ, đây sẽ chỉ là vấn đề của cá nhân họ, nhưng nếu ai cũng chơi chứng khoán theo kiểu "nhắm mắt đưa chân" thì sẽ làm giọt nước tràn ly, gây ra hậu quả khôn lường cho cả một nền kinh tế. Nhà đầu tư thiệt hại, thị trường thiệt hại, vốn hoá thị trường bốc hơi, nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào thị trường, những thứ đó sẽ ảnh hưởng lâu dài nếu không đưa ra một chế tài khắt khe với các hoạt động thao túng giá của các đội lái trên thị trường.
Suy cho cùng, "đầu tư chứng khoán" hay "chơi chứng khoán" là lựa chọn của mỗi nhà đầu tư. Nhưng trước khi đặt lệnh, điều trước tiên phải tự mình suy nghĩ kĩ. Nghĩ kĩ ở đây tức là đã lường tới tất cả khả năng có thể xảy ra và xem mình có thể gánh vác được hậu quả mà khả năng đó mang lại hay không. Để đầu tư thành công, bạn phải phạm ít sai lầm nhất có thể. Rất nhiều người đều nghĩ không có ai trên thế giới không mắc sai lầm khi đầu tư, điều này đúng, nhưng quan trọng là phải hiểu làm thế nào để tránh làm ra những sai lầm quá lớn mà mình không thể gánh vác.
Hiểu và quản lý rủi ro là phần quan trọng nhất của việc đầu tư. Nếu chấp nhận rủi ro quá nhiều, tương lai tài chính của bạn có nguy cơ lâm vào khốn cảnh với những tổn thất lớn. Nhưng ngược lại, khi đầu tư mà sợ đông sợ tây, lợi nhuận của bạn có thể chỉ đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt. Để giảm thiểu rủi ro, sau đây là những điều cơ bản mà F0 nào cũng nên thuộc lòng:
1. Tránh tâm lý bầy đàn
Quyết định của người mua thường bị ảnh hưởng nhiều bởi người quen, ví dụ như hàng xóm hoặc họ hàng của mình. Do đó, nếu mọi người xung quanh đang đầu tư, thì người ta cũng hay có khuynh hướng làm theo như vậy. Nhưng chiến lược này về lâu dài chắc chắn sẽ phản tác dụng.
Luôn tránh làm theo phong trào nếu không muốn mất trắng số tiền khó kiếm được. Như Warren Buffett đã từng nói: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam, và hãy tham lam khi người khác sợ hãi!".
2. Đưa ra quyết định sáng suốt
Các nhà đầu tư thường đổ tiền vào một công ty hoặc ngành mà họ đã hoặc đang làm việc. Tuy nhiên, dù nơi đó vẫn trong đà làm ăn khấm khá, nhưng đầu tư có lãi hay không lại là một phạm trù khác. Hãy luôn luôn nghiên cứu kỹ trước khi bỏ tiền ra.
3. Đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mà bạn hiểu
Trước khi đầu tư vào một công ty, bạn nên hiểu đúng về lĩnh vực và hoạt động kinh doanh của công ty. Tốt nhất là đến tận nơi để xem xét, mắt thấy tai nghe mới là thật.
4. Tạo một danh mục đầu tư rộng
Đa dạng hóa danh mục đầu tư giữa các loại tài sản là chìa khóa để thu được lợi nhuận tối ưu từ các khoản đầu tư. Mức độ đa dạng hóa tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi nhà đầu tư.
5. Kỳ vọng dựa trên thực tế
Không có gì sai khi hy vọng những khoản đầu tư của bạn sẽ "tiền đẻ ra tiền", nhưng bạn có thể gặp rắc rối nếu các mục tiêu tài chính của bạn dựa trên những giả định không thực tế. Hãy sáng suốt và đi từng bước một, đặt ra các mục tiêu ngắn hạn và hoàn thành nó trước khi mơ về những điều xa xôi.
Bên cạnh đó, hãy định kỳ tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây để xác định xem bạn có thể đối mặt với mức độ rủi ro hiện tại của mình hay không.
1. Tôi có mất ăn mất ngủ trước những biến động của thị trường?
2. Tôi có lo lắng về việc bỏ lỡ các tin tức liên quan đến các khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán không?
3. Tôi có lo lắng quá mức và thường xuyên theo dõi các yếu tố như giá dầu, giá cổ phiếu, lãi suất, lạm phát,… mà tôi không kiểm soát được không?
Nếu câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trong số trên là có, thì rủi ro mà bạn mang đã nhiều hơn mức bạn có thể xử lý.
Khi đầu tư, điều quan trọng cần nhớ là có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khoản đầu tư không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nhưng với tư cách là các nhà đầu tư, nếu quyết định đầu tư khi xác định được mục tiêu tài chính, thì tương lai tài chính của bạn có thể sẽ được đảm bảo.