Thị trường bia 3 tỷ đô sẽ bị kiểm soát bởi Heineken nếu công ty này thâu tóm được Sabeco
Nếu Heineken nắm được quyền chi phối Sabeco, hãng bia Hà Lan này sẽ nắm trong tay trên 60% thị phần bia Việt Nam, bỏ xa so với các đối thủ còn lại như Habeco hay Carlsberg.
- 12-09-2016SSI bác thông tin muốn mua cổ phần Sabeco
- 08-09-2016Heineken và những hãng bia lớn nhất châu Âu đang xếp hàng mua cổ phần của Sabeco
- 07-09-2016Thay đổi cách thức bán hàng, doanh thu 6 tháng Sabeco (mẹ) tăng vọt 3,7 lần so với cùng kỳ 2015
Dù đã tiến hành cổ phần hóa từ năm 2008 nhưng cho đến nay, Tổng CTCP Bia- Rượu- NGK Sài Gòn (Sabeco) vẫn chưa tiến hành niêm yết trên TTCK và điều này khiến giới đầu tư có phần “sốt ruột”. Hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần nhưng trên thực tế Sabeco vẫn mang dáng dấp của một doanh nghiệp nhà nước với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 90%.
Sau nhiều năm trì hoãn niêm yết, mới đây Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước kết hợp niêm yết cổ phiếu Sabeco trên TTCK. Cụ thể, Bộ Công thương- đại diện phần vốn góp nhà nước hiện nắm giữ 89,59% cổ phần Sabeco đã đề xuất thoái vốn làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 sẽ chào bán 53,59% vốn trong năm 2016 và 36% vốn còn lại sẽ được thoái trong năm 2017 sau khi Sabeco hoàn tất việc niêm yết trên TTCK.
Nếu tính theo mức giá giao dịch trên thị trường OTC hiện vào khoảng 80.000 đồng/cp thì có thể ước tính định giá Sabeco vào khoảng 51.300 tỷ đồng (2,4 tỷ USD) và quy mô thoái vốn của Bộ Công thương khỏi Sabeco đạt tối thiểu 46.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Với quy mô thoái vốn khổng lồ như vậy, khó có thể kỳ vọng đối tác mua cổ phần sẽ là các nhà đầu tư trong nước dù rằng Sabeco thực sự là “món hàng” hấp dẫn. Thay vào đó, các đối tác ngoại sẽ là phù hợp hơn trong thương vụ thoái vốn lịch sử này.
Hiện đã có không ít “đại gia” trong ngành đồ uống thế giới như Heineken, Anheuser-Busch, SABMiller, Asahi, Kirin Holdings, Singha hay ThaiBev…xếp hàng đăng ký trở thành đối tác của Sabeco sau khi Bộ Công thương tiến hành thoái vốn.
Đáng chú ý, trong tháng 2/2015, ThaiBev đã lên tiếng muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị 1 tỷ USD, mức giá này tương đương với định giá 2,4 tỷ USD cho Sabeco. Tuy nhiên, thương vụ không thành công do Sabeco cho rằng mức giá này thấp.
Mới đây, đại diện Asahi cũng xác nhận với Bloomberg rằng họ thật sự quan tâm đến việc mua cổ phần của Sabeco. Có thể thấy, cuộc cạnh tranh để nắm giữ Sabeco đang ngày càng trở nên nóng bỏng và khó dự đoán hơn bao giờ hết.
Heineken là cổ đông “sáng” nhất?
Theo báo cáo của Heineken toàn cầu, tập đoàn bia khổng lồ này đạt lợi nhuận ròng 1,89 tỷ EUR trong năm 2015, tăng 25% so với năm trước và thị trường Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của hãng đồ uống này.
Hiện tại, Heineken đang nắm giữ 60% cổ phần tại Công ty TNHH Heineken Việt Nam (tiền thân là Công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam- VBL) và 5% cổ phần tại Sabeco. Số liệu của Bloomberg cho biết, hơn 80% thị phần bia Việt Nam hiện nằm trong tay của 3 doanh nghiệp là Sabeco, Heineken và Habeco. Trong đó, riêng Sabeco chiếm hơn 40% thị phần và Heineken nắm giữ 20% thị phần.
Trong khi Sabeco đang dẫn đầu thị trường ở phân khúc phổ thông thì Heineken cũng gần như không có đối thủ ở phân khúc cao cấp. Điều này phần nào có thể lý giải vì sao lợi nhuận Sabeco thường bị Heineken bỏ xa dù thị phần vượt trội.
Với tỷ lệ nắm giữ Sabeco hiện đạt 5%, chắc hẳn Heineken sẽ không từ bỏ tham vọng tiếp tục gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp đang nắm giữ phần lớn thị phần bia. Nếu giành chiến thắng trong cuộc đua sở hữu Sabeco thì Heineken sẽ chi phối tới 60% thị phần bia Việt Nam và thống lĩnh trên mọi phân khúc từ bình dân tới cao cấp.
Được biết, trong năm 2015, Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về mức tiêu thụ bia và đứng thứ 3 châu Á và điều này càng khiến những “đại gia” như Heineken đặc biệt quan tâm tới Sabeco. Do đó, sẽ không bất ngờ nếu Heineken chấp nhận “bạo chi” hơn con số 2 tỷ USD dành cho Sabeco khi Bộ Công thương tiến hành thoái vốn trong thời gian tới đây.
Trí Thức Trẻ