Thị trường bia rượu "đìu hiu", giảm đến 25% sau Nghị định 100: Tết này biếu nhau... nước giải khát!
Nếu như mọi năm, Tết thường là dịp bội thu của ngành bia, thì năm 2020, hãng tin Bloomberg cho biết doanh số bia của Việt Nam có thể đã giảm ít nhất 25% kể từ khi quy định chặt chẽ về nồng độ cồn có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Người dân dần chuyển qua chúc Tết bằng nước giải khát hoặc trà để tránh phạm luật dịp Tết.
Sau hơn 15 ngày thực hiện Nghị định 100, luật Phòng chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực đã mang đến những tín hiệu đáng mừng. Số ca tai nạn giao thông giảm nhanh. Các ca cấp cứu liên quan đến uống rượu bia cũng giảm đáng kể.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, sau 2 tuần, lực lượng CSGT trên cả nước đã kiểm tra và xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.
Sau 15 ngày ra quân xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã xử lý 6.279 tài xế, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Anh.
Quán nhậu, nhà hàng tiếp tục ế ẩm dịp tất niên cuối năm
Từ ngày có Nghị định 100, dân nhậu bắt đầu biết... sợ. Nhiều người còn ví von, mỗi lần nâng ly lại nhớ tới nghị định, rồi đắn đo suy nghĩ có nên hay không nên nhấp môi. Mức xử phạt đủ tính răn đe đã khiến thực trạng uống rượu, bia tại các quán nhậu, cửa hàng lẩu trong những ngày cận Tết giảm đáng kể.
Dù một số chủ hàng bắt đầu tung ra các "chiêu" kéo khách, hỗ trợ khách hàng an tâm ăn nhậu trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ luật giao thông, tuy nhiên số lượng khách vẫn liên tục giảm mạnh, có nơi giảm 40%, thậm chí 80% và tính tới phương án "phá sản".
Trên phố Văn Cao (quận Ba Đình, Hà Nội), anh Cường - chủ một quán bia hơi đã đưa ra thông báo: "Nhà hàng cung cấp dịch vụ đặt xe và trông giữ xe, kể cả ô tô cho khách có nhu cầu". Thế nhưng, tình hình kinh doanh vẫn đi xuống 30-40%.
"Chúng tôi có đưa ra phương án hỗ trợ khách đặt xe, gọi xe hoặc gửi xe qua đêm. Từ ngày đó, tôi thấy phần lớn khách hàng cũng rất chấp hành nghiêm chỉnh, chủ yếu đi taxi hoặc xe ôm đến quán. Khách nào say xỉn chúng tôi sẽ gọi người nhà hoặc yêu cầu họ gửi xe lại", anh Cường nói.
Quán nhậu của anh Cường treo bảng thông báo hỗ trợ khách hàng dịch vụ đặt xe và trông giữ xe qua đêm.
Theo chia sẻ, xe máy gửi lại khuôn viên nhà hàng sẽ được miễn phí tiền thuế bãi. Trung bình mỗi ngày, anh Cường nhận giữ hộ khoảng 5-6 khách hàng. Còn với ô tô, khách buộc phải đánh xe ra bãi gửi gần đó, chịu chi phí nếu tiếp tục muốn ngồi vào bàn nhậu.
"Cá nhân tôi nhận thấy từ sau Nghị định 100, khách hàng chấp hành tốt và đều tỏ thái độ vui vẻ. Đó là điều rất nên, phù hợp với tất cả, vì đã uống rượu bia, đầu óc không tỉnh táo thì tốt nên đừng lái xe. Trong tương lai, nhà hàng chúng tôi sẽ nâng cấp nhiều giải pháp hơn nữa để cải thiện tình hình kinh doanh" - anh Cường cho biết.
Tình hình kinh doanh của quán anh Cường giảm tới 30-40%.
Một khách hàng sau khi tan cuộc nhậu đã bắt xe ôm công nghệ để về nhà.
Các quán bia hơi dù đã "phô diễn" hết các mẹo giúp khách "né" lực lượng chức năng, tuy nhiên cũng không tránh khỏi "lời nguyền" ế ẩm. Trong khi đó hầu hết các nhà hàng đều mong muốn hỗ trợ khách hàng tham gia giao thông một cách văn minh nhất. Trên một tờ thông báo lớn của một quán nhậu nổi tiếng, có viết: "Nhà hàng hỗ trợ trông xe qua đêm cho khách, lái xe ô tô về cho khách. Cung cấp dịch vụ Grab, Uber, GoViet, cho tất cả quý khách có nhu cầu". Thế nhưng, theo vị đại diện, doanh thu giảm hẳn so với thời điểm trước rất nhiều.
"Trước khi có Nghị định 100, mỗi ngày chúng tôi đón hàng trăm khách hàng, nhưng nay chưa được 1/5 dù là dịp cuối năm có nhiều tiệc tất niên, liên hoan. Dù kinh doanh khó khăn hơn, nhưng chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách này của Nhà nước để giảm thiểu tai nạn đáng tiếc" - vị đại diện chia sẻ.
Một quán nhậu khác cũng tung ra dịch vụ hỗ trợ các thượng đế hết sức nhưng xem ra, tình hình kinh doanh vẫn không khả quan.
Thị trường bia rượu dịp Tết đìu hiu
27 Tết, nữ nhân viên tiếp thị bia đứng "ngơ ngác" giữa trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội. Dù đã cố tình treo tấm biển giảm giá ngay tầm mắt khách hàng, nhưng lượng người ghé vào xem sản phẩm không nhiều như mọi năm. Khảo sát tại thị trường Hà Nội, sức mua rượu, bia trước Tết Nguyên đán 2020 sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ những năm trước, do tác động của Nghị định 100.
"Nếu năm ngoái tụi mình làm việc không kịp nghỉ thì nay doanh số cả ngày còn không bằng một buổi. Khách ghé mua túc tắc chỉ 2-3 két, hầu như mua đi biếu không có. Trong khi đó, gian hàng nước ngọt, trà, cà phê thì các bạn nhân viên có "3 đầu 6 tay" cũng không kịp làm đầy hàng cho khách lựa" - nữ nhân viên tiếp thị than thở.
So với mọi năm, gian hàng bia rượu trong một siêu thị lớn ở Hà Nội không còn tấp nập. Bên cạnh đó có dán tấm biển "Không uống rượu, bia khi lái xe" để cảnh báo các khách hàng.
Chị Hương - chủ một cửa hàng bán rượu ngoại ở Hà Nội cho biết, Nghị định 100 tác động đến phần nào xu hướng tiêu dùng của người dân. Thay vì mua rượu đắt tiền, họ chuyển qua mua loại có nồng độ nhẹ.
"Bây giờ chỉ còn một số khách hàng quen còn ghé tới cửa hàng, dù chúng tôi liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, tặng quà, song cũng không thể kích cầu tiêu dùng. Dù doanh thu giảm sút mạnh, nhưng tôi thấy Nghị định 100 giúp bảo vệ an toàn cho bản thân và người đi đường nên hoàn toàn ủng hộ" - chị Hương nói.
Hiện Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn thứ 3 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương xét về sản lượng, dù tổng dân số chỉ đứng thứ 15 thế giới với 96,2 triệu người. Lượng tiêu thụ bia bình quân hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng tới 30% trong khoảng 2013-2018, đạt 43 lít/hộ.
Các đại lý bia hơi ế ẩm dù là ngày cuối năm.
Kể từ năm 2004, lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam đã tăng 4 lần nhờ sự phát triển kinh tế cũng như gia tăng thu nhập cho người dân, qua đó thu hút nhiều hãng bia quốc tế như Heineken hay Anheuser Busch InBev gia nhập cuộc chơi.
Nếu như mọi năm, Tết thường là dịp bội thu của ngành bia, thì năm 2020, hãng tin Bloomberg cho biết doanh số bia của Việt Nam có thể đã giảm ít nhất 25% kể từ khi quy định chặt chẽ về nồng độ cồn có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Đây được xem là chính sách gây "chấn động" một trong những thị trường bia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
"Mọi năm, từ đầu tháng Chạp âm lịch, hàng về không kịp bán, nay lượng hàng về đại lý giảm 20%, hàng tồn kho vẫn còn nhiều dù giá đã giảm" - một đại lý khác than thở.
Thói quen chúc tụng "ly rượu đầu xuân" đang có xu hướng giảm
Nghị định mới của Chính phủ khiến ngành bia phải chịu tác động mạnh, đồng thời ảnh hưởng tới các hoạt động hội hè, thể thao hay lễ Tết. Bởi thói quen tiệc tùng, uống bia rượu nhất là dịp Tết, đã tồn tại nhiều năm tại Việt Nam. Nhậu nhẹt thường xuyên, đến nỗi bất cứ mọi lúc mọi nơi mà họ muốn, không kiểm soát.
Đến chơi nhà bạn dịp Tết, nếu không mở lon bia thì cũng chúc nhau bằng đôi ba chén rượu. "Nếu chú không uống là chú không nể anh", "Tết nhất lo ngại gì, cứ uống đi, ly rượu đầu xuân năm mới sao lại từ chối!!!", đại loại thế.
Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn những giỏ quà Tết không còn két bia hay chai rượu ngoại, thường được khách hàng ưa chuộng hơn. Người dân chuyển sang mua bánh, kẹo, nước giải khát, trà và cà phê là chủ yếu.
Từ khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực đã mang lại những tín hiệu tích cực, được sự ủng hộ tích cực từ phía người dân.
Anh Hưng (35 tuổi) khệ nệ bê 3 thùng coca chờ thanh toán trong siêu thị. Anh nói, một thùng biếu nhà nội, một thùng biếu nhà ngoại, thùng còn lại để cho gia đình anh đón khách dịp Tết.
"Thường thì mọi năm đón khách đến chơi Tết mình vẫn hay trưng chai rượu nho trông thật "oách". Nhưng đợt này, để tránh bị xử phạt nồng độ cồn, bản thân mình đã phải thay đổi thói quen sử dụng rượu bia. Dù thời gian đầu hơi khó chịu vì chưa quen, nhưng đến nay mình thường uống các loại đồ uống khác có lợi cho sức khoẻ. Mình hy vọng Tết năm nay khách đến nhà không "chê" vì chỉ có nước ngọt hoặc trà tiếp chuyện" - anh Hưng vui vẻ cho biết.
Nhiều người cho rằng phải uống rượu, bia mới thể hiện được bản lĩnh cá nhân, sự thân thiết, công việc trôi chảy hơn. Trên bàn nhậu, nếu từ chối xem như coi thường người mời, "không đáng mặt đàn ông".
"Mình nghĩ quan hệ xã hội có hay không là do trí tuệ, cách đối nhân xử thế của con người, chứ không phải do chén rượu, cốc bia. Một số người còn cho rằng uống rượu bia là truyền thống cần được gìn giữ, nhưng không để ý tới những vụ tai nạn thương tâm trong suốt một năm qua. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi" - anh Trung (30 tuổi) nêu quan điểm.
Bộ Y Tế khuyến cáo đảm bảo sức khoẻ trong dịp Tết Nguyên đán 2020
Trong những ngày này lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu). Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong, đặc biệt khi sử dụng rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.
Trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn... thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan...
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo như sau:
- Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
- Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
- Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
(Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%)).
Trí thức trẻ