MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường cà phê giống như chứng khoán, nơi các nhà đầu tư tung nhiều "trò chơi"

25-03-2022 - 14:45 PM | Thị trường

Thị trường cà phê giống như chứng khoán, nơi các nhà đầu tư tung nhiều "trò chơi"

Một nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam cho rằng “giá cà phê trong nước ảnh hưởng từ các sàn giao dịch thế giới - nơi nhà đầu cơ tung các chiêu trò, người nào tâm lý không vững sẽ bán ngay”.

Ngày 28/2/2022, giá cà phê đạt mức cao nhất là 39.800 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 39.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 15/3 giá cà phê tăng 200 đồng/kg dao động từ 40.300 - 41.000 đồng/kg, qua ngày 16/3, lại giảm 300 đồng/kg.

Ngày 19/3, cà phê đồng loạt tăng 400 đồng/kg và dao động từ 41.100 - 41.800 đồng/kg và ngày 20/3 giá cà phê vẫn duy trì mức giá của ngày trước. Tính chung tuần qua, giá cà phê trong nước tiếp tục tăng mạnh 1.000 đồng/kg.

Ngày 21/3 – ngày đầu tuần mới giá cà phê đi ngang, ngày 22/3 đồng loạt tăng 200 đồng/kg. Ngày 23/3, lại quay đầu giảm nhẹ dao động từ 41.100 - 41.800 đồng/kg.

Ngày 24/3 giá cà phê tiếp tục giảm 300 đồng/kg và dao động từ 40.800 - 41.500 đồng/kg. Dù giá cà phê liên tục biến động từ đầu tháng đến nay nhưng vẫn cao hơn mức giá cao nhất cuối tháng 2 là 2.300 đồng/kg và đây là mức giá tốt cho người nông dân trồng cà phê.

Trong khi đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 5/2022 được ghi nhận mức 2.139 USD/tấn sau khi giảm 1,43% (tương đương 31 USD). Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2022 tại New York đạt mức 225,30 US cent/pound, tăng 0,11% (tương đương 0,25 US cent).

Giá cà phê toàn cầu có xu hướng giảm trong ngắn hạn

Đầu tháng 3/2022, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới giảm mạnh do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu, khiến dòng vốn đầu cơ ồ ạt đổ vào các mặt hàng tăng nóng như vàng, dầu thô.

Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, trước biến động này, thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ giảm, chi tiêu bị thắt chặt trong ngắn và trung hạn. Giới đầu cơ lo ngại rủi ro nên rút vốn và tìm nơi trú ẩn an toàn, giá cà phê toàn cầu có xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Điều này đã thúc đẩy các nhà đầu cơ mạnh tay thanh lý khiến giá cà phê Arabica trên sàn New York giảm xuống mức thấp 2 tháng, trong khi giá cà phê Robusta London ngấp nghé ngưỡng tâm lý 2.000 USD/tấn. Dự kiến đà giảm giá cà phê vẫn còn khi áp lực nguồn cung vẫn còn nguyên. Về dài hạn, giá cà phê sẽ phục hồi khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc INTIMEX Group cho biết, mấy hôm trước giá cà phê trong nước chỉ khoảng 41.000 – 42.000 đồng/kg, và hôm nay (23/3) có thông tin giá cà phê trên thị trường nội địa đang giao dịch trong khoảng từ 41.100 - 41.800 đồng/kg nhưng trên thực tế giá cà phê ngoài thị trường đã gần 43.000 đồng/kg.

"Bản chất hàng hóa không thay đổi mà chỉ do biến động thị trường, và thị trường cà phê cũng như thị trường chứng khoán, từ sáng tới chiều là đã có sự khác biệt và những diễn biến trên thị trường cà phê giống như "trò chơi" của nhà đầu cơ.

Ví dụ, giá cà phê ngoài thị trường đang lên nhưng các nhà đầu cơ muốn giá trên sàn xuống để tìm kiếm sự chênh lệch thì họ sẽ tung chiêu, và tất cả các lý do họ đưa ra đối với giá cà phê trên thị trường về bản chất chỉ là cái cớ để ăn chênh lệch. Những người tâm lý không vững lo bán ra, lúc đó nhà đầu cơ sẽ tranh thủ mua vào sau đó lại đẩy giá lên để bán", Phó chủ tịch VICOFA phân tích.

Thuế suất và nguồn cung cà phê chất lượng cao ngày càng gia tăng tạo lợi thế cho cà phê Việt Nam

Tổ chức Cà phê thế giới - ICO cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đối với thị trường cà phê cũng như với ngành công nghiệp cà phê toàn cầu.

Hiện nay giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều khi chứng khoán Mỹ phục hồi, hút lại dòng vốn từ vàng, dầu thô và các sàn nông sản. Ngoài ra, tồn kho đạt chuẩn tiếp tục tăng cũng khiến giá cà phê thế giới chững lại trong phiên vừa qua.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê giảm 300 đồng tại các vùng trồng chủ chốt và dao động từ 40.800 - 41.500 đồng/kg. Tại cảng TP.HCM, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% ở 2.225 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3/2022, xuất khẩu cà phê đạt 81.453 tấn, trị giá 188,777 triệu USD.

Cộng dồn đến cuối kỳ báo cáo đạt 452.163 tấn, trị giá 1,011 tỷ USD, so với cùng kỳ năm rồi tăng 1,28 lần về lượng và tăng 1,61 lần về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong 02 tháng đầu năm đạt mức 2.219 USD/tấn, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục XNK, trong 02 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ thị trường Ý, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.

"Trong năm 2022, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu sang khối thị trường này. Đặc biệt, tại 5 thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Italy cà phê Việt Nam có lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu và nguồn cung cà phê chất lượng cao ngày càng gia tăng. Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan ngày một gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê Robusta của Việt Nam", Đại diện Cục XNK cho biết.

Theo Nguyễn Huyền

BizLive

Trở lên trên