Thị trường căn hộ Tp.HCM diễn biến thế nào từ nay đến cuối năm?
Tp.Thủ Đức chiếm 48% thị phần nguồn cung tương lai; Quận 2 (cũ) sẽ chiếm khoảng 29%, đây là những khu vực có nguồn cung tương lai nhiều nhất.
Theo số liệu thống kê của Savills, đến năm 2025, nguồn cung tương lai của TPHCM dự kiến đạt 145.000 căn. Giá đất tăng đã đẩy giá căn hộ tăng cao. Cùng với sự quy hoạch bài bản, cải thiện cơ sở hạ tầng và sự đô thị hóa ngày càng tăng, Tp.Thủ Đức, Quận 7 và huyện Nhà Bè dự kiến sẽ trở thành nguồn cung căn hộ chính của Tp.HCM. Trong đó, Tp.Thủ Đức chiếm 48% thị phần nguồn cung tương lai; Quận 2 (cũ) sẽ chiếm khoảng 29%, đây là những khu vực có nguồn cung tương lai nhiều nhất.
Có thể thấy, thị trường căn hộ Tp.HCM đã trải qua những biến động do dịch Covid-19 cũng như các chính sách thắt chặt về tín dụng. Tuy nhiên, ghi nhận trong quý 2/2022 của hầu hết các đơn vị tư vấn cho thấy, căn hộ vẫn được xem là kênh đầu tư bền vững cho các nhà đầu tư trung vài dài hạn.
Còn theo thống kê của CBRE Việt Nam, sau một quý trầm lắng với dưới 900 căn chào bán mới, thị trường chứng kiến nguồn cung mới tăng vọt trong Quý 2/2022. Nguồn cung mới bùng nổ với 15.528 căn từ 12 đợt mở bán mới, vượt qua tổng nguồn cung mới của cả năm 2021. Khu Đông, đặc biệt là TP.Thủ Đức, đóng góp đến 88% nguồn cung mới.
Trong đó, phân khúc cao cấp tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường, chiếm 93% nguồn cung mới trong quý 2/2022. Phân khúc trung cấp chỉ ghi nhận duy nhất một đợt mở bán mới trong khi phân khúc bình dân gần như tuyệt chủng nguồn cung mới kể từ Quý/1 năm 2019.
Theo đơn vị này, căn hộ trung cấp đáp ứng đa số nhu cầu của người mua để ở là sản phẩm phổ biến nhất tại Tp.HCM với thị phần lên đến 41% trong tổng nguồn cung tích lũy toàn thị trường.
Dù trải qua nhiều biến cố, đại diện CBRE Việt Nam cho rằng, giá căn hộ không có dấu hiệu đi xuống. Điều này sẽ diễn biến tương tự từ này đến cuối năm 2022 và các năm tiếp theo. Sự nâng cấp giá của các dự án tại khu vực vùng ven không chỉ làm góp phần thay đổi cơ cấu phân khúc sản phẩm trong nguồn cung mới mà còn thúc đẩy tăng trưởng giá sơ cấp. Giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.455 USD/m2, tăng 2,7% theo quý 2/2022 và 8,6% theo năm. Phân khúc trung cấp được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng giá ở khu vực ngoài trung tâm với mức tăng giá 1,9% theo quý và 7,0% theo năm trong khi giá của phân khúc hạng sang và cao cấp giảm từ 0,6 đến 3,8% so với quý 2/2021.
Tại thị trường BĐS Tp.HCM không còn sản phẩm căn hộ thương mại với giá từ 2 tỷ đồng trở xuống, mức giá ghi nhận thấp nhất khoảng 36 triệu đồng/m2 (rất hiếm), cao nhất trên 300 triệu đồng/m2. Tại một số dự án chung cư trên địa bàn TP Thủ Đức, giá mở bán căn hộ hạng A từ 55 triệu đồng/m2, khu vực quận 9 và quận Thủ Đức cũ, giá vượt ngưỡng hơn 100 triệu đồng/m2. Trong đó cá biệt là phân khúc biệt thự, nhà phố liền kề theo số liệu khảo sát của các đơn vị nghiên cứu giá đã thiết lập mặt bằng giá mới đạt ngưỡng lên tới 700 tỷ đồng/căn.
Điều đáng nói, dù thị trường gặp khó, tỷ lệ hấp thụ của các dự án mới gần như không thay đổi theo năm, trung bình ở mức 72%.
Theo dự báo của CBRE Việt Nam, cùng với sự tăng trưởng tích cực của nguồn cung trong nửa đầu năm 2022, thị trường dự kiến chào đón khoảng 22.000 căn hộ trong năm nay. Phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ dẫn dắt nguồn cung mới với hàng loạt đợt mở bán tại TP. Thủ Đức và Huyện Nhà Bè. Do ảnh hưởng của việc tăng giá ở khu vực ngoài trung tâm, giá sơ cấp trung bình tại TP.HCM dự kiến tăng trưởng chậm lại do giá các nguồn cung mới đều nằm ở mức đầu của phân khúc cao cấp hoặc hạng sang. Nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân trong tương lai tiếp tục đến từ các địa phương vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và xa hơn.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, từ này đến cuối năm, thị trường căn hộ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt bao gồm vấn đề cấp phép; các thay đổi trong quy định pháp luật và chính sách thắt chặt tín dụng; chi phí tăng và việc mất cân đối cung cầu. Những thách thức này sẽ buộc cả chủ đầu tư và người mua phải theo dõi chặt chẽ các chuyển động của kinh tế vĩ mô và tự hoạch định giải pháp tối ưu cho mình.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành, CBRE Việt Nam cho rằng, sau đại dịch, thị trường bất động sản nhà ở chứng kiến sự thay đổi tư duy của các chủ đầu tư. Các yếu tố xanh và thân thiện với sức khỏe sẽ được bổ sung vào dự án nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng sống của người mua. Các khu vực lân cận thành phố được dự báo tiếp tục phát triển mạnh do cơ sở hạ tầng kết nối ngày càng cải thiện và mức giá tăng cao tại Tp.HCM.
Theo hầu hết các chuyên gia, trong những tháng cuối năm 2022, thị trường BĐS sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung mới sản phẩm nhưng cũng đang có nhiều xung lực mới lạc quan hơn, như kinh tế tăng trưởng trở lại; việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng thông qua cú hích về đầu tư công; sự chênh lệch cung - cầu ở thời điểm hiện tại với cầu lớn hơn cung, sẽ tác động tích cực đến tâm lý triển khai dự án của doanh nghiệp…
Không phủ nhận những khó khăn mà thị trường BĐS đang phải gánh chịu nhưng nhìn nhận một cách khách quan, việc Chính phủ ngày càng siết chặt hơn nữa công tác quản lý sẽ giúp thị trường triển lành mạnh, bền vững. Chỉ tính riêng đối với việc thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS trong những tháng đầu năm 2022 tăng 73% so với cùng kỳ 2021 (đạt 16.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm). Nhưng cùng với đó, Quốc hội và Chính phủ cũng đã thông qua nhiều gói tài khóa lớn giúp nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng nhanh chóng phục hồi, như: Gói tài khóa 350.000 tỷ đồng được thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 hay gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2%...
Dự báo, thời gian sắp tới, đà tăng giá sơ cấp sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục leo thang, nguồn cung mới khan hiếm trong khi đó nhu cầu đầu tư còn rất lớn. Nhưng với sự mạnh tay của Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý những rủi ro, thách thức sẽ có tác động tích cực đến khả năng hồi phục của thị trường BĐS nói chung.
Nhịp sống kinh tế