Thị trường cao su chuyển từ bi quan sang lạc quan về triển vọng giá
Thị trường cao su thiên nhiên vừa trải qua một đợt sóng tăng, theo đó giá đã lập kỷ lục cao nhất trong vòng hơn 1 năm.
- 06-09-2020Xuất khẩu cao su mang về 1,15 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2020
- 29-08-2020Thị trường ngày 29/8: Giá vàng đảo chiều tăng hơn 2%, quặng sắt, thép, cao su đồng loạt tăng cao
- 12-06-2020Vô số rủi ro che mờ triển vọng thị trường cao su thiên nhiên trong trung hạn
Ông Luckchai Kittipol, chủ tịch danh dự Hiệp hội Cao su Thái Lan, cho biết ông lạc quan hơn về triển vọng thị trường cao su kể từ khi giá cao su tấm hun khói loại 3 đạt 60 baht/kg vào ngày 1/9/2020, là lần đầu tiên đạt mức này sau hơn 1 thập kỷ. So sánh, mức này cao hơn so với giá 58,25 baht/kg vào ngày 31/8/2020 và càng cao hơn so với 40,99 baht đầu năm 2020.
Triển vọng giá cao su thiên nhiên đang sáng dần lên, do dự báo nhu cầu găng tay cao su sẽ còn tăng tiếp trong khi nguồn cung cao su trên thế giới hạn hẹp.
Theo ông Luckchai, nhu cầu găng tay y tế tiếp tục gia tăng do đại dịch Covid-19 thúc đầy nhu cầu tiêu thụ cao su trên toàn cầu tăng. Bên cạnh đó, các nhà máy tại Trung Quốc khôi phục sản xuất cũng tạo tâm lý lạc quan cho thị trường cao su.
Quan điểm này của ông hoàn toàn khác so với cách đây vài tuần. Cuối tháng 8/2020, ông Luckchai dự báo xuất khẩu cao su Thái Lan năm 2020 sẽ giảm 10% so với năm ngoái, chỉ đạt 170 tỷ baht, do cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất ô tô, nhất là ở Mỹ và châu Âu, phải đóng cửa hoặc sản xuất chậm lại, kéo theo nhu cầu lốp xe giảm sút.
Trước đây, sản xuất cao su của Thái Lan tập trung chủ yếu vào cao su tấm, được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất lốp xe. Việc nhu cầu găng tay cao su gần đây tăng do Covid-19 đã thúc đẩy các nhà sản xuất cao su nước này chuyển sang sản xuất latex cao su – nguyên liệu sản xuất găng tay sao su.
Theo ông Luckchai, tỷ lệ latex trong tổng sản lượng cao su của Thái Lan năm nay dự báo sẽ tăng lên 30%, so với 20% của năm 2019. Thái Lan là nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, với sản lượng năm 2019 đạt 4,8 triệu tấn, trong đó gần 4 triệu tấn xuất khẩu. Thái Lan đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm cao su và cao su chế biến, chỉ sau Trung Quốc, Đức và Mỹ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cao su Thái Lan trong năm qua đạt 11,2 tỷ USD, tăng 2%; những thị trường chủ chốt bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Australia; lốp ô tô chiếm 51% trong tổng xuất khẩu, tiếp đến là cao su tổng hợp và găng tay cao su – chiếm lần lượt 19% và 11%. Sản xuất găng tay cao su của Thái Lan năm 2019 đạt hơn 20 tỷ đôi, trong đó 89% được xuất khẩu, thu về 1,2 tỷ USD. Thái Lan là nước xuất khẩu găng tay cao su lớn thứ 3 thế giới, sau Malaysia và Trung Quốc.
Bộ Thương mại nước này cho biết, nhu cầu găng tay cao su dùng để bảo hộ trên toàn cầu vẫn không ngừng tăng nhanh do Covid-19, giúp xuất khẩu găng tay cao su của Thái Lan 7 tháng đầu năm nay tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 959 triệu USD. Các thị trường tiêu thụ găng tay chính từ đầu năm đến nay là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Anh.
Trong khi đó, nguồn cung cao su Thái Lan năm nay dự báo giảm. Theo ông Luckchai, sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan năm 2020 ước tính ở mức 4,5 triệu tấn, trong đó 3,8-3,9 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Sản lượng giảm chủ yếu do thời tiết và thiếu lao động (nhân lực lao động ngành cao su Thái Lan chủ yếu đến từ Myanmar và Campuchia). Giá cao su giảm cũng là một trong những lý do khiến sản lượng năm nay giảm sút, vì giá thấp khiến người trồng cao su không nhiệt tình trồng, chăm sóc cây và khai thác mủ.
Đối với Việt Nam, trong tháng 8/2020, giá mủ cao su nguyên liệu trên thị trường trong nước và khối lượng cũng như trị giá xuất khẩu cao su đều tăng. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2020 ước tính đạt 220 nghìn tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 8,9% về trị giá so với tháng 7/2020. So với tháng 8/2019, xuất khẩu trong tháng 8/2020 tăng 21,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 1.214 USD/tấn.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) – tổ chức gồm 13 quốc gia sản xuất cao su quan trọng – trong báo cáo tháng 9/2020 cho biết, nhu cầu cao su toàn cầu có khả năng hồi phục trong quý III/2020 sau khi giảm sâu ở quý trước đó.
Cụ thể, ANRPC dự báo nhu cầu cao thế giới quý III/2020 chỉ còn giảm 2,9%, sau khi giảm 14% trong 7 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 15% trong quý I/2020 do Trung Quốc, và giảm 15,8% trong quý II do nhu cầu của các nước khác ngoài Trung Quốc cũng giảm sút).
Cơ sở để ANRPC lạc quan về triển vọng nhu cầu trong quý III/2020 là nền kinh tế Mỹ hồi phục nhanh, sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục, và tiêu thụ ô tô ở cả Trung Quốc và Ấn Độ đều phục hồi.
Theo ANRPC, ước tính sơ bộ cho thấy Trung Quốc đã tiêu thụ 456.000 tấn cao su thiên nhiên trong tháng 7/2020, gần tương đương mức 464.000 tấn tiêu thụ trong cùng tháng năm trước. Triển vọng tiêu thụ cao su trên toàn thế giới trong cả năm 2020 đã bị điều chỉnh giảm do tiêu thụ chậm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020 ở Mỹ và EU.
"Diễn biến thị trường trong ngắn hạn và trung hạn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự hồi sinh của ngành công nghiệp ô tô và vận tải", RB Premadasa, tổng thư ký của ANRPC, cho biết. Thị trường cao su sẽ chịu tác động lớn từ việc vắc-xin chống Covid-19 khi nào sẽ có, và hiệu quả sẽ như thế nào.
ANRPC ước tính sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong 7 tháng đầu năm 2020 giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 6,721 triệu tấn.