MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường châu Phi giàu tiềm năng cho xuất khẩu dệt may Việt Nam

Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu hàng dệt may, da giày vào châu Phi bởi những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp trong khi kỹ năng, tay nghề may tốt và năng suất, sản phẩm chất lượng cao.

Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển, châu Phi được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng hoá của Việt Nam, trong đó có hàng dệt may, da giày, phụ kiện thời trang các loại...

Dư địa lớn cho xuất khẩu dệt may, da giày

Mặc dù Việt Nam là một trong 8 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, song giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này sang châu Phi còn khá khiêm tốn. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu hàng dệt may, da giày vào châu Phi, bởi mặt hàng này có những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp hơn so với nhiều nước châu Á, trong khi kỹ năng, tay nghề may tốt và năng suất, chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng dư địa thị trường châu Phi cho các mặt hàng dệt may Việt Nam còn rất lớn. Kinh tế khu vực châu Phi tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, trong đó có sản phẩm dệt may. Trong khi đó, hiện đã có 43/55 nước châu Phi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nên các nước này đã dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan cũng như giảm thuế nhập khẩu.

Một yếu tố khác được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đề cập tới là người dân ở nhiều nước châu Phi có thiện cảm với con người, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây cũng là một lợi thế cho hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng dệt may Việt Nam nói riêng tăng thị phần tại khu vực này.

“Hy vọng các DN châu Phi có thể tham gia đầu tư vào các công đoạn trong chuỗi sản xuất xanh, bền vững các sản phẩm thời trang của Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển. Ngược lại, các DN dệt may Việt Nam cũng có thể tăng nhập khẩu bông nguyên liệu từ khu vực Tây Phi, Trung Phi... cũng như nghiên cứu đầu tư sản xuất tại các nước châu Phi để tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu của những nước này”, bà Mai nói.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tại nhiều nước châu Phi, ngành công nghiệp dệt may còn chưa phát triển dù có nguồn bông nguyên liệu dồi dào. Với dân số và thu nhập của người dân châu Phi ngày càng tăng, lục địa này sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may, da giày do thu nhập của người dân được cải thiện, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng. Các nước châu Phi, nhất là Nam Phi, Nigeria, Kenya là những nước có nhu cầu lớn về hàng dệt may, giày dép.

“Ngoài việc xuất khẩu sang thị trường này, DN Việt Nam có thể xem xét khả năng đầu tư tại một số thị trường lớn tại châu Phi để tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu giá rẻ, sẵn có để sản xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu nước sở tại và xuất khẩu”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Thận trọng trong giao thương

Dù tiềm năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam nói chung, hàng dệt may nói riêng sang thị trường châu Phi còn rất lớn, nhưng đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia châu Phi khuyến cáo, DN Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác châu Phi , bởi tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại đã từng xảy ra.

Hình thức lừa đảo phổ biến thường là đối tượng chấp nhận bất cứ giá chào hàng nhập khẩu nào từ DN Việt Nam hoặc đối tượng chào hàng xuất khẩu sang Việt Nam với giá thấp sau đó yêu cầu trả 1 khoản phí đặt cọc rồi chiếm dụng… Ngoài ra, trong hợp tác với DN châu Phi, DN Việt Nam cần quan tâm tới tập quán kinh doanh, thời gian, đặc biệt là ngôn ngữ để có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

Ông Trần Hùng Cường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria thông tin, hiện tượng lừa đảo trong giao dịch kinh doanh tại Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung vẫn thường diễn ra. Hình thức lừa đảo của các đối tượng tương đối đa dạng, có thể lừa đảo trong đấu thầu, trong xuất nhập khẩu hàng hoá.

Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các DN Việt Nam, thực hiện giao 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu DN Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30- 50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng.

Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng gặp khó khăn trong thanh toán khi hầu hết các nước khu vực Tây Phi sử dụng hình thức thanh toán có độ rủi ro nhất định. Việc thẩm tra, xác minh kỹ đối tác là cần thiết để tránh rủi ro khi ký hợp đồng  xuất nhập khẩu và DN cũng nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (L/C).

“Trường hợp thanh toán theo hình thức đặt cọc, DN nên yêu cầu đối tác đặt cọc từ 30-50% giá trị đối với các đơn hàng mới và lần đầu; không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị như phí môi giới, phí luật sư... Đối với hoạt động nhập khẩu về Việt Nam, DN cần tiến hành kiểm định hàng hóa tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu hoặc thuê các công ty kiểm định có uy tín để đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn đầu, DN nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu”, ông Cường khuyến cáo./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên