Thị trường cho vay tiêu dùng đang nằm trong tay 3 công ty tài chính lớn với hơn 80% thị phần
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang là cuộc chơi của 3 doanh nghiệp lớn với thị phần áp đảo thuộc về các tên tuổi lớn như FE Credit, HD Saison và Home Credit. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh thị phần trên thị trường những năm tới sẽ rất gay gắt khi có thêm sự tham gia của Fintech, P2P Lending.
Thị phần tín dụng tiêu dùng đang nằm trong tay 3 công ty tài chính lớn
Tại tọa đàm về Tín dụng tiêu dùng sáng nay (25/3), chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 3/2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng của cả nước khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, chiếm 20,44% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012, với mức tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm.
Nếu bóc tách tín dụng vay mua nhà, sửa nhà, thì tín dụng tiêu dùng chỉ mới chiếm hơn 12% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong đó, tỷ trọng tín dung tiêu dùng do các công ty tài chính thực hiện chiếm khoảng 7,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, còn lại do các định chế của ngân hàng thương mại thực hiện.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang là cuộc chơi của 3 doanh nghiệp lớn với thị phần áp đảo thuộc về các tên tuổi lớn như FE Credit, HD Saison và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Home Credit. Dẫn đầu là FE Credit, sau 10 năm hoạt động, công ty này đã vươn lên dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng, chiếm thị phần 52% trong năm 2019, bỏ xa hai đối thủ đứng sau là Home Credit (17%) và HD Saison (11%) và các đối thủ khác như Mcredit (7%), Shinhan Finance (6%), Mirae Asset (5%).
Tuy nhiên tiềm năng của thị trường này vẫn rất lớn và "sân chơi" vẫn hết sức sôi động. Hàng loạt các công ty tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài khác cũng đã chủ động tham gia vào hoạt động tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã thúc đẩy và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ cho thị trường.
Ông Thịnh lấy ví dụ, vào năm 2017, Shinhan Bank của Hàn Quốc sau khi mua lại mảng bán lẻ tại Việt Nam của Ngân hàng ANZ, đã tiếp tục chi 150 triệu USD để mua trọn PrudentialFinance từ Tập đoàn Prudential. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam thông qua việc mua lại TechcomFinance. Hay như năm 2015, Tập đoàn tài chính Nhật Bản Credit Saison mua lại 49% cổ phần của HDFinance từ HDBank tạo nên thương hiệu HDSaison...
Sẽ có những đối thủ mới đáng gờm và áp lực cạnh tranh gia tăng
Trong khi đó, chuyên gia tài chính - TS. Cấn Văn Lực nhận định, thị trường những năm tới sẽ cạnh tranh gay gắt, nhất là từ phía các công ty tài chính mới gia nhập thị trường và từ các Fintech. Áp lực cạnh tranh còn gia tăng do ảnh hưởng của xu hướng bùng nổ các mô hình kinh doanh mới như Fintech và cho vay ngang hàng P2P lending.
Với đặc thù được xây dựng trên nền tảng công nghệ số, mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng, các công ty công nghệ sẽ tạo cạnh tranh không nhỏ với hệ thống tài chính truyền thống.
Tuy nhiên, mặt khác, đây cũng là cơ hội để các công ty tài chính, ngân hàng tự chuyển đổi số để gia tăng thị phần, thậm chí bắt tay hợp tác với các "đối thủ".
Nói về câu chuyện chuyển đổi số, ông Nguyễn Mạnh Khang, Giám đốc Khối công nghệ thông tin MCredit cho biết, cách đây khoảng 3 năm, các ngân hàng nói nhiều về câu chuyện cạnh tranh với các công ty Fintech, P2P. Tuy nhiên gần đây, quan điểm này đã thay đổi.
"Hiện nay, mọi người đặt vấn đề xây dựng hệ sinh thái chứ không nói về vấn đề đối thủ cạnh tranh. Quan điểm của MCredit là vẫn song hành cùng các công ty Fintech, P2P, ngân hàng", ông Khang nói.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, cần có thời gian để thay đổi tư duy người dân, tiếp cận người dân. Nếu công ty tài chính tiêu dùng phối hợp thêm với công ty viễn thông (mobile money) để tiếp cận người dân, ra đời các sản phẩm dịch vụ phục vụ thì truyền thông sẽ tốt hơn, người dân sẽ biết về công ty dịch vụ tài chính, từ đó số lượng khách hàng sẽ tăng lên.
Đại diện công ty tài chính lớn nhất trên thị trường hiện nay - ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit cho biết, công ty đang đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ nền tảng công nghệ hiện đại, xây dựng hệ sinh thái số – gia tăng trách nhiệm với khách hàng, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng lâu dài.
Cho đến hiện tại, nhờ áp dụng thành công những công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data...FE Credit đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP. Gần 2 triệu khách hàng tại Việt Nam đã và đang sử dụng ứng dụng FE Credit Mobile để quản lý khoản vay và thẻ tín dụng của họ. Mỗi ngày có gần 6.000 lượt cài đặt mới.